Siết chặt hơn quản lý kinh doanh dịch vụ cầm đồ

.

Nghị quyết của HĐND thành phố đã quy định tạm dừng cấp phép kinh doanh dịch vụ cầm đồ (KDDVCĐ) từ đầu năm 2012, thế nhưng đầu năm 2019, vẫn có một doanh nghiệp được cấp phép mới dịch vụ này. Cấp phép KDDVCĐ sai thẩm quyền xảy ra ở nhiều quận, huyện. Có tình trạng núp bóng hoạt động cầm đồ để cho vay nặng lãi.

Chi nhánh Đà Nẵng 01 - Công ty TNHH SRISWAD kinh doanh dịch vụ cầm đồ, trụ sở tại 275 đường Núi Thành vừa được cấp phép ngày 11-1-2019 là trái với Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND.
Chi nhánh Đà Nẵng 01 - Công ty TNHH SRISWAD kinh doanh dịch vụ cầm đồ, trụ sở tại 275 đường Núi Thành vừa được cấp phép ngày 11-1-2019 là trái với Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND.

Đây là những hạn chế được Ban Pháp chế HĐND thành phố chỉ ra sau cuộc giám sát chuyên đề về tình hình chấp hành pháp luật về KDDVCĐ và dịch vụ đòi nợ trên địa bàn thành phố. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 3 doanh nghiệp và 224 cơ sở hộ gia đình hoạt động KDDVCĐ và 2 công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ đang hoạt động.

Từ cuối năm 2011, trước những phức tạp mà dịch vụ cầm đồ gây ra cho đời sống xã hội, HĐND thành phố khóa VIII ban hành Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND về nhiệm vụ năm 2012, trong đó nêu rõ: từ năm 2012 tạm dừng đăng ký mới đối với cơ sở KDDVCĐ. Thế nhưng, ngày 11-1-2019, cơ quan chức năng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh Đà Nẵng 01-Công ty TNHH SRISWAD kinh doanh dịch vụ cầm đồ, trụ sở tại 275 đường Núi Thành, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu.  

Theo báo cáo giám sát, việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký KDDVCĐ (gọi tắt là giấy phép) sai thẩm quyền xảy ra tại nhiều quận, huyện. Cùng với đó là tình trạng cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT cho các chủ cơ sở đăng ký KDDVCĐ không bảo đảm điều kiện về hộ khẩu thường trú, điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy xảy ra tại một số Công an địa phương. Kết quả giám sát tại Công an các quận Thanh Khê, Liên Chiểu cho thấy, việc chấp hành pháp luật của các cơ sở hoạt động KDDVCĐ chưa nghiêm; có tình trạng lợi dụng, núp bóng hoạt động cầm đồ để thực hiện cho vay nặng lãi.

Các cơ quan chức năng không kiểm soát được mức lãi suất cầm đồ (do các bên thỏa thuận ngầm với nhau). Vì lợi nhuận, các chủ cơ sở vẫn cầm cố tài sản không có giấy tờ nguồn gốc, giấy tờ không chính chủ, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Công an quận Thanh Khê phát hiện 14 vụ việc. Công an phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) phát hiện 4 trường hợp liên quan đến việc cầm cố tài sản do người khác phạm tội mà có. Cơ quan Công an đã tạm giữ 1 mô-tô, 2 máy tính xách tay, 1 nhẫn vàng do người khác phạm tội mà có…

Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Phan Thanh Long, Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề về tình hình chấp hành pháp luật về KDDVCĐ và dịch vụ đòi nợ trên địa bàn thành phố, nguyên nhân của thực trạng trên là do văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý Nhà nước về hoạt động KDDVCĐ và dịch vụ đòi nợ chưa đầy đủ, chặt chẽ và chưa phù hợp với thực tế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số địa phương, đơn vị về thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực đăng ký hoạt động KDDVCĐ chưa được quan tâm đúng mức…

Đoàn giám sát kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương chấn chỉnh, nghiêm túc rút kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục triệt để những hạn chế mà đoàn giám sát đã nêu ra; chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện thu hồi giấy phép được cấp mới trái với chủ trương của HĐND thành phố tại Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND, giấy phép KDDVCĐ không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; siết chặt quản lý, tăng cường công tác phối hợp kiểm tra định kỳ, đột xuất, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm đối với các cơ sở KDDVCĐ, dịch vụ đòi nợ, chú trọng công tác hậu kiểm đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ này.

Đoàn giám sát kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 150/NQ-CP ngày 13-12-2018 của Chính phủ về siết chặt quản lý hình thức kinh doanh dịch vụ đòi nợ và Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; tổ chức quán triệt, hướng dẫn, ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật đối với các cơ sở KDDVCĐ.

Ông Phan Thanh Long cho rằng: “Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND đến nay vẫn còn hiệu lực và rất phù hợp với tinh thần Chỉ thị số 12/CT-TTg mới ban hành của Thủ tướng Chính phủ. Quan điểm của Thường trực HĐND thành phố là tạm dừng cấp phép KDDVCĐ nhằm mục tiêu bảo đảm ANTT trên địa bàn thành phố. Tại kỳ họp thứ 11 của HĐND thành phố sẽ bàn việc có cấp phép nữa hay tiếp tục tạm dừng cho đến khi UBND thành phố đã tổng rà soát hoạt động các cơ sở KDDVCĐ và có biện pháp quản lý thật hiệu quả hoạt động này.

Bài và ảnh: ĐOÀN SƠN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.