Cần tăng kết nối ngân hàng - doanh nghiệp

.

Thời gian qua, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã được các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố triển khai nhằm đáp ứng tốt nguồn vốn cho doanh nghiệp (DN) và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, theo các DN, để phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh, ngoài việc Nhà nước triển khai các gói vay ưu đãi thì thành phố cũng giải quyết nhanh các thủ tục hành chính.

Tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp mang lại lợi ích cho cả hai bên. TRONG ẢNH: Nhân viên ngân hàng (phải) đang tư vấn cho khách hàng là một doanh nghiệp trên địa bàn.
Tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp mang lại lợi ích cho cả hai bên. TRONG ẢNH: Nhân viên ngân hàng (phải) đang tư vấn cho khách hàng là một doanh nghiệp trên địa bàn.

Đoàn Thị Thanh Thủy, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Chăm Chăm: Mong muốn thủ tục hành chính được giải quyết nhanh nhất

Là một trong 8 dự án được đầu tư nguồn vốn từ hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, vừa qua công ty chúng tôi đã tiến hành xây xong nhà máy sản xuất nước gạo, nước uống dinh dưỡng từ gạo lức và đài hoa Hibicus (tại phường Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu) với tổng vốn đầu tư hơn 216 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty còn có 2 nhà máy, 1 Viện Phát triển Công nghệ xanh và 2 công ty thành viên. Có được những kết quả kinh doanh như vậy, không thể không nhắc tới sự hỗ trợ đắc lực của các ngân hàng trong việc kết nối, cấp vốn vay để DN có cơ hội vươn lên phát triển.

Ban đầu, DN đi tìm ngân hàng, sau đó ngân hàng đi tìm DN. Nay cả 2 cùng tìm nhau, cùng bắt tay hợp tác, đôi bên cùng có lợi. Sự hợp tác này không chỉ dừng ở việc giải quyết nguồn vốn trong kinh doanh mà trong quá trình hợp tác đó, niềm tin của hai bên ngày càng được củng cố.

Tuy nhiên, khi nhà máy được xây dựng xong vẫn chưa thể vận hành do chưa được cấp giấy phép hoạt động; cụ thể trong thời điểm này các ban, ngành rà soát tất cả các dự án công nghiệp, dẫn đến thủ tục pháp lý chậm trễ.

Ban đầu hẹn 30 ngày sẽ giải quyết, nhưng cuối cùng là từ 3-6 tháng vẫn chưa thấy các giấy tờ như giấy giao đất, quyền sử dụng đất… tới DN, trong khi DN bảo đảm không có sai phạm về pháp lý. Thời gian càng lâu thì lãi suất ngân hàng càng nhiều lên, nhưng không có thu nhập từ sản xuất sản phẩm. Đây thực sự là bài toán nan giải, mong muốn chính quyền xem xét giải quyết nhanh nhất.

Ông Trần Ngọc Việt, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Things Changings : Cần nhiều gói vay với mức lãi suất phù hợp

Chương trình kết nối ngân hàng - DN với mục đích gỡ khó về nguồn vốn cho các DN, song có một thực tế không phải DN nào cũng có thể tiếp cận nguồn vốn từ hoạt động. Thực tế, công ty chúng tôi cũng giống đa số DN nhỏ và vừa (NVV) khác chưa đủ uy tín để vay tín chấp; các công ty khác lại không có tài sản bảo đảm hợp pháp, không có khả năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, không có dự án khả thi để các ngân hàng thương mại xem xét cho vay.

Vì vậy, mong muốn trong thời gian tới các tổ chức cần tạo hệ thống kết nối dữ liệu về DNNVV cũng như xây dựng những tiêu chí đặc thù đối với các khoản vay của DNNVV. Những gói vay với mức lãi suất phù hợp và loại hình đa dạng cần được áp dụng đối với DNNVV dựa trên từng loại dự án.

Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng: Tiếp tục phối hợp giữa các bên liên quan để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn

Tính đến cuối tháng 6-2019, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cho vay gần 8.000 tỷ đồng trong chương trình kết nối ngân hàng - DN cho hơn 1.000 lượt DN. Ngoài ra, các TCTD đã tài trợ, cam kết đầu tư tín dụng cho 8 dự án trên địa bàn với tổng dư nợ đạt gần 2.500 tỷ đồng, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 9-11%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn.

Hiện nay, khả năng tài chính của các DN còn hạn chế, do đó, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc triển khai chương trình cho vay; đồng thời đề xuất với Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh các điều kiện cho vay, cải cách thủ tục vay vốn của DN, giảm bớt hồ sơ, thủ tục để giúp DN tiếp cận vốn.

MINH TRẦN (ghi)

;
;
.
.
.
.
.