Dấu ấn tín dụng chính sách

.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 (gọi tắt là Chỉ thị 40) của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH), hoạt động tín dụng CSXH ở thành phố đã mang lại hiệu quả thiết thực. Theo đó, quy mô và chất lượng tín dụng tăng nhờ sự cộng hưởng sức mạnh của hệ thống chính trị, làm rõ nét hơn chính sách tín dụng mang đầy tính nhân văn.

Cơ sở đá mỹ nghệ của chị Lê Thị Kim Loan (tổ 53, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) (ảnh) phát triển nhờ nguồn vốn chính sách xã hội.
Cơ sở đá mỹ nghệ của chị Lê Thị Kim Loan (tổ 53, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) (ảnh) phát triển nhờ nguồn vốn chính sách xã hội.

Theo định kỳ ngày 20 hằng tháng, Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) ở tổ 75, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà lại tiến hành họp sinh hoạt định kỳ theo quy ước hoạt động của Tổ TK&VV. Từ sáng sớm, chị Nguyễn Thị Anh đã đến nhà Tổ trưởng Tổ TK&VV để tham gia sinh hoạt tổ và nộp lãi tháng, gửi tiết kiệm với Ngân hàng CSXH. Bên cạnh đó, khi tham gia sinh hoạt, chị Anh nắm bắt các chủ trương chính sách tín dụng mới, cùng các thành viên trong tổ tiến hành bình xét cho vay khi các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn để làm ăn.

“Chồng tôi mất sớm để lại hai con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học. Hằng ngày, tôi đi phụ giúp việc nhà theo giờ cho các gia đình có nhu cầu, thu nhập bấp bênh, bình quân chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng. Với số tiền đó, nhiều lúc việc học của con tôi tưởng như phải bỏ nửa chừng. Năm 2015, tôi được nghe phổ biến về Chỉ thị 40 và các chính sách tín dụng ưu đãi từ buổi họp tổ dân phố, lúc đó tôi cũng đang loay hoay với bộn bề công việc và cũng chưa biết vay vốn về sẽ làm những việc gì để trả nợ cho ngân hàng. Sau nhiều lần được Tổ trưởng Tổ TK&VV Lê Thị Châu đến tận nhà để động viên, định hướng công việc, tạo điều kiện cho gia đình, tôi đã mạnh dạn vay vốn vào năm 2017”, chị Nguyễn Thị Anh chia sẻ.

Tháng 5-2017, chị Anh được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH quận Sơn Trà cho vay hộ nghèo với số tiền 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, thời gian 3 năm để mua cá, hải sản cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn tại địa phương. Chỉ sau khoảng 5 tháng, chị Anh đã dần tạo được mối làm ăn ổn định, thu nhập mỗi tháng gần 7 triệu đồng, đủ để lo kinh tế gia đình và cho hai con ăn học. Đời sống gia đình, kinh tế phát triển lên rõ rệt, nhà cửa khang trang hơn khi có thêm ti-vi, tủ lạnh..., những thứ trước đây chị Anh chưa từng nghĩ tới.

Bà Lê Thị Châu, Tổ trưởng Tổ TK&VV nơi chị Anh là tổ viên cho biết: “5 năm nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp các gia đình tổ viên cải thiện đời sống, nâng cao kiến thức cũng như nâng cao vị thế của mình trong xã hội. Được các tổ viên trong tổ tin tưởng, tín nhiệm bầu làm tổ trưởng, tôi thấy rõ trách nhiệm của mình làm sao để được đồng vốn ưu đãi của Chính phủ tới đúng đối tượng thụ hưởng chính sách một cách công khai, dân chủ và có hiệu quả nhất”.

Được giải ngân 50 triệu đồng, thời hạn 2 năm từ nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm vào năm 2016, chị Lê Thị Kim Loan ở tổ 53, phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) không quên được sự khó khăn của buổi đầu lập nghiệp. Chọn ngành nghề sản xuất và buôn bán đá mỹ nghệ vốn đã có nhiều người kinh doanh trước đó, cộng với thiếu vốn, nhân công ít nên hàng hóa đưa ra thị trường tiêu thụ rất chậm. Sau khi được hỗ trợ từ Tổ TK&VV, chị Loan đã từng bước khắc phục khó khăn và đưa cơ sở dần đi vào hoạt động ổn định bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá thương hiệu và bán hàng... Sau 2 năm làm ăn có hiệu quả, chị đã trả hết nợ vay theo đúng thời hạn. Nhận thấy nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ rất hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của gia đình, tháng 4-2019, chị Loan tiếp tục đề nghị vay vốn để đầu tư mở rộng và được Ngân hàng CSXH giải ngân 50 triệu đồng. Hiện tại, cơ sở đá mỹ nghệ có diện tích trên 100m2, tạo công ăn việc làm cho 7 lao động, trong đó có 3 lao động thường xuyên với nguồn thu nhập ổn định 7 triệu đồng/tháng.

Có thể nói, Chỉ thị 40 đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong hoạt động tín dụng CSXH. Trên cơ sở nội dung chỉ thị, Thành ủy, UBND thành phố phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương; chỉ đạo việc tập trung đầu tư nâng cao năng lực, tăng cường cơ sở vật chất, trụ sở và điều kiện làm việc cho hệ thống Ngân hàng CSXH; giao cho Sở Tài chính và UBND các quận, huyện cân đối, bố trí ngân sách hằng năm của thành phố cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Dòng vốn từ ngân sách địa phương đang tạo ra những bước đột phá mới cho công cuộc thoát nghèo, tạo việc làm phát triển kinh tế bền vững tại địa phương. Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng cho thấy vẫn còn tình trạng lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở có lúc, có nơi chưa được sâu sát, chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn, nhất là việc quản lý đối với các hộ gia đình còn dư nợ Ngân hàng CSXH nhưng đã chuyển đi khỏi địa phương.

Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh Đà Nẵng Đoàn Ngọc Chung cho biết, để thực hiện tốt Chỉ thị 40 trong thời gian tới, cần đẩy mạnh vai trò lãnh đạo của các phường, xã là thành viên Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH quận, huyện nhằm chỉ đạo hoạt động tín dụng CSXH tại mỗi địa phương, bảo đảm người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn và tiếp cận các dịch vụ của Ngân hàng CSXH, góp phần nâng cao đời sống, ổn định trật tự, an toàn xã hội, ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen.

Kết quả 5 năm thực hiện, đến ngày 30-6-2019, tổng nguồn vốn Ngân hàng CSXH thành phố đạt 2.161 tỷ đồng, tăng 941 tỷ đồng (77%), trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương đạt 822 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38%, tăng 731 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị 40.

Bài và ảnh: MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.