Quán cà-phê... luyện tiếng Anh

.

Ra đời vào năm 2014, TIPI là quán cà-phê tiếng Anh đầu tiên tại Đà Nẵng, cũng là quán duy nhất còn trụ lại trong số các quán tương tự cùng thời.

Khách tại TIPI cùng giao lưu bằng tiếng Anh với sự điều phối của tình nguyện viên.
Khách tại TIPI cùng giao lưu bằng tiếng Anh với sự điều phối của tình nguyện viên.

Sáng cuối tuần, chúng tôi ghé TIPI (đường Phạm Văn Nghị, quận Thanh Khê) uống cà-phê, thư giãn sau một tuần làm việc. Người phục vụ mang thực đơn ra và hỏi bằng tiếng Anh. Sau khi biết chúng tôi muốn thực hành giao tiếp, cô đề nghị chúng tôi chờ vài phút để sắp xếp tình nguyện viên đến cùng trò chuyện.

Tình nguyện viên đến với chúng tôi là Nguyễn Thị Thu Phương, chuẩn bị lên lớp 12, Trường THPT Hoàng Hoa Thám. Với vốn tiếng Anh lưu loát, Phương khơi gợi chủ đề cho mọi người giao lưu. Chỉ một lúc sau, nhiều khách đi riêng lẻ cũng đến tham gia với chúng tôi. Có người nói tiếng Anh tốt, có người chỉ nói được vài ba từ đơn giản, song mọi người đều lắng nghe, người này giúp đỡ người kia diễn đạt ý tưởng của mình. Phút chốc, những người xa lạ bỗng thành quen biết, chuyện trò rôm rả về bản thân, công việc, ước mơ... của mình.

Anh Ngô Công Thành, người sáng lập quán cà-phê TIPI cho biết, đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, khi đang là sinh viên Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), anh mày mò tự học tiếng Anh bằng những quyển giáo trình Streamline cũ. Tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân kinh tế, anh tự tin nộp đơn xin việc vào một công ty Thái Lan ở Đà Nẵng. Anh nói: “Hôm đó, một người Úc phỏng vấn tôi, chỉ sau 5 phút, tôi đành đi ra vì không nghe, nói được. Lúc đó tôi hiểu rằng, những năm qua mình đã học tiếng Anh không đúng cách”.

Anh bèn dồn tiền tiết kiệm mua vé máy bay một chiều sang Philippines, quyết tâm học tiếng Anh lại từ đầu bằng việc làm thêm trong các quán ăn, tiệm cà-phê bản địa. Sau 6 tháng, anh giao tiếp thành thạo với khách hàng, đồng nghiệp, biết cách thương thảo bằng tiếng Anh với chủ quán. Trở về Đà Nẵng, anh gọi điện cho công ty Thái Lan mà mình từng rớt phỏng vấn, trò chuyện bằng tiếng Anh trôi chảy, để rồi được nhận vào làm tại công ty.

Đó cũng chính là lúc anh Thành bắt đầu ấp ủ có một quán cà-phê chỉ nói tiếng Anh, giúp những bạn trẻ như anh rèn luyện giao tiếp tiếng Anh ngay tại Đà Nẵng. Thế nhưng phải 18 năm sau, lúc đang là Trưởng chương trình phát triển vùng của tổ chức Tầm nhìn Thế giới, anh mới quyết định nghỉ việc để thành lập quán. Anh bảo: “Mười tám năm làm việc ở nhiều nơi, ý tưởng ngày xưa vẫn thường quay đi trở lại. Đến năm 2009, tôi bắt đầu ghi chép, lên kế hoạch mở quán. Tiết kiệm tiền 5 năm, đến tháng 5-2014 thì TIPI ra đời”.

Những tháng đầu đầy khó khăn khi quán không có khách, tiêu chí “Chỉ nói tiếng Anh” càng buộc TIPI phải “kén” khách hơn. Kiên trì với đam mê, sau nửa năm, anh Thành bắt đầu đón lượng khách ổn định. Song lúc này lại lộ ra một vấn đề lớn: khách cho rằng quán cà-phê tiếng Anh mà lại toàn người Việt nói chuyện với nhau thì không... có hứng. Thông qua một nền tảng quốc tế kết nối những người trẻ đi du lịch và làm tình nguyện trên mạng, anh Thành bắt đầu đón những bạn trẻ nước ngoài đến làm việc tại quán. Anh nói: “Các bạn đến trò chuyện với khách, hướng dẫn một số bài học tiếng Anh, đóng góp các trò chơi. Đổi lại, các bạn được tiếp xúc với văn hóa bản địa, giới thiệu những chỗ ăn, chỗ ở giá hợp lý, rất nhiều bạn còn được học viên mời về nhà dùng cơm với gia đình hoặc chỉ những “mẹo” du lịch mà chỉ người địa phương mới biết”.

Từ đó, lượng khách đến TIPI tăng dần, không chỉ các bạn trẻ mà cả những người lớn tuổi muốn nâng cao kỹ năng tiếng Anh. Đặc biệt, một số trung tâm Anh ngữ cũng thường đưa học viên đến quán để rèn luyện giao tiếp. Anh Thành cho biết, sau 5 năm đã có hơn 3.500 tình nguyện viên từ khắp 5 châu lục đến với quán.

Sau khi TIPI ra đời vài tháng, một số quán cà-phê giao tiếp tiếng Anh tương tự cũng dần xuất hiện ở Đà Nẵng, song đến nay không quán nào còn hoạt động. Anh Thành chia sẻ: “Không dễ để duy trì một quán cà-phê hoạt suốt 5 năm, đặc biệt là những kiểu quán đặc thù như cà-phê nói tiếng Anh. Tôi chỉ luôn nghĩ rằng, phải theo đuổi mục tiêu đến cùng, phải làm sao để những người học tiếng Anh giao tiếp được bằng tiếng Anh. Để làm được điều đó, TIPI phải xây dựng một đội ngũ nhân viên và tình nguyện viên thấu hiểu văn hóa của quán. Họ phải sẵn sàng kết nối với khách, coi khách đến quán như khách đến nhà. Nhân viên TIPI đa phần là học sinh, sinh viên, song đều giao tiếp tốt tiếng Anh, biết cách trò chuyện, điều phối các buổi thảo luận, các trò chơi… Đây là điều tôi tự hào nhất”.

Hồ Khánh Uyên (học sinh lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn), nhân viên bán thời gian ở quán chia sẻ, điều cô thích nhất khi làm việc là được gặp gỡ những con người mới, mỗi người đều mang theo những câu chuyện, những trải nghiệm của riêng mình. “Họ chia sẻ với chúng tôi, chúng tôi giúp họ giao tiếp bằng tiếng Anh. Có những vị khách quen đã gần như người thân của quán”, Uyên nói.

Anh Phạm Đạt, quản lý TIPI cho biết, mỗi buổi tối, TIPI tổ chức những hoạt động tập thể cho nhân viên, tình nguyện viên và khách như: thi Ai là triệu phú, trò chuyện với nhân vật, tất cả đều bằng tiếng Anh. Quán còn tổ chức các lớp học giao tiếp miễn phí hằng tuần, nhóm học mà chơi dành cho trẻ em ngày chủ nhật… “Trong tương lai, TIPI sẽ phát triển thành mô hình  3 trong 1 gồm quán cà-phê - không gian nói tiếng Anh - cơ sở lưu trú cho khách nước ngoài. Vì vậy, chúng tôi đang kêu gọi vốn đầu tư để tiếp tục xây dựng phát triển”, anh Đạt nói.

Bài và ảnh: KHANG NINH

 

;
;
.
.
.
.
.