Sẵn sàng ứng phó bão mạnh, lũ lớn

.

Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) thành phố khẳng định, đến thời điểm này, công tác sẵn sàng, chủ động ứng phó bão mạnh và lũ lớn đã được các cấp, ngành trên địa bàn thành phố triển khai quyết liệt.

Các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố đã tiến hành nạo vét, khơi thông cống rãnh, chống ngập úng trong mùa mưa bão.
Các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố đã tiến hành nạo vét, khơi thông cống rãnh, chống ngập úng trong mùa mưa bão.

Đà Nẵng hiện có hơn 1.240 tàu cá (chưa kể thúng chai lắp máy) với gần 700 tàu hoạt động ở vùng lộng và khơi, trong đó có hơn 500 tàu cá hoạt động ở vùng biển vịnh Bắc Bộ và vùng biển xa (quần đảo Hoàng Sa và phía đông Hoàng Sa).

Vì thế, mỗi khi xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão trên Biển Đông, gió mùa đông bắc, công tác thông tin liên lạc biển giữa đất liền và tàu cá đóng vai trò rất quan trọng, giúp ngư dân chủ động phòng tránh, hạn chế thiệt hại, tai nạn xảy ra trên biển.

Đại tá Lê Tiến Hưng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cho hay: “Những năm qua, BĐBP thành phố luôn duy trì tốt mạng thông tin liên lạc biển, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân phòng tránh bão, ATNĐ, gió mùa đông bắc và cứu nạn cứu hộ trên biển.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng, Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải khu vực 2, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Cảnh sát biển Vùng 2..., nhằm trao đổi thông tin, xử lý các tình huống xảy ra kịp thời và có hiệu quả.

Trong mùa mưa bão năm nay, BĐBP thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra vào hoạt động trên biển, kiên quyết không cho xuất bến ra khơi các phương tiện không bảo đảm điều kiện về kỹ thuật, an toàn hàng hải.

Duy trì thường xuyên mạng thông tin liên lạc biển nhằm thông báo, hướng dẫn cho các cơ quan doanh nghiệp, ngư dân chủ động phòng tránh, bảo đảm an toàn trong các đợt mưa bão và thời tiết xấu; đồng thời sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng trực, phối hợp với các cơ quan, đơn vị xử lý tốt các tình huống tai nạn xảy ra”.

Theo Sở Xây dựng, để chủ động phòng chống và giảm thiểu thiệt hại cho các công trình xây dựng trong mùa mưa bão năm 2019, sở đã có công văn đề nghị các đơn vị kiểm tra, rà soát tất cả các công trình, hạng mục công trình xây dựng, xây dựng phương án bảo đảm an toàn trong điều kiện bão, lũ.

Đặc biệt, các đơn vị, doanh nghiệp cần lưu ý các hạng mục, bộ phận công trình có nguy cơ bị phá hỏng, ngã đổ, cuốn trôi, không bảo đảm an toàn đối với bản thân công trình và các công trình lân cận, công trình xây dựng cao tầng có sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, công tác bảo đảm thoát nước trong đô thị, công tác sơ tán người dân vùng trũng thấp có nguy cơ ngập lụt…

Công ty Công viên cây xanh rà soát, cắt tỉa cành cây có tán lá lớn, gia cố chống đỡ cây. Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng Đà Nẵng kiểm tra, gia cố các móng, trụ, cần đèn, bảo đảm an toàn kết cấu, an toàn điện…

Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho hay, thời gian qua, công ty và các quận, huyện đã tập trung khơi thông nhiều tuyến kênh, cống thoát nước để chống ngập úng.

Trong mùa mưa bão, công ty tập trung nhân lực, phương tiện để khơi thông thoát nước trong đô thị, trực vận hành các trạm bơm chống ngập, thực hiện theo phương án phòng chống lụt bão..., nhất là tại các điểm ngập úng ở xung quanh hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung, đường Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, ngã ba Cơ khí (giao giữa đường số 2 của Khu công nghiệp Hòa Khánh - đường Nguyễn Lương Bằng), đường Lạc Long Quân…

Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố cho hay, để chủ động phòng chống thiên tai, thời gian qua, các đơn vị chức năng đã xây dựng công cụ hỗ trợ, mô hình ứng dụng công nghệ vào điều hành hồ chứa theo thời gian thực trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; xây dựng bản đồ ngập lụt khu vực hạ du sông Vu Gia có tính đến sự vận hành, xả lũ của các thủy điện; thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập; giám sát vận hành hồ chứa và bảo đảm thông tin cho người dân vùng hạ du các hồ chứa.

Đặc biệt, ngành đã đầu tư xây dựng 11 trạm đo mưa tự động, 4 trạm đo mực nước sông tự động nhằm cảnh báo sớm mưa, lũ, lũ quét và an toàn hồ chứa; cắm 55 biển cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, 60 biển cảnh báo đuối nước tại các hồ điều tiết, phát 20.000 vở và sổ tay tuyên truyền về đuối nước cho học sinh các trường học... Trong tháng 9-2019, đơn vị sẽ cắm thêm 47 biển cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lắp đặt 1 trạm cảnh báo lũ tự động...

“Hiện nay, phương án phòng chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai trên địa bàn thành phố, phương án  huy động vật tư và phương tiện, phương án sơ tán nhân dân, phương án phòng chống lụt bão các hồ và đập thủy lợi, phương án bảo vệ đê điều và các công trình xung yếu… đều đã được các cấp, ngành rà soát, cập nhật, bổ sung.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố cũng đã kiểm tra công tác phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, ứng phó với bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất... tại các địa phương, nhất là các biện pháp cần thiết bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại”, ông Hoàng Thanh Hòa cho biết.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.