HỘI THẢO LIÊN MINH CÁC TỔ CHỨC KHUYẾN NÔNG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ KÔNG (MELA) LẦN THỨ 5

Đổi mới, chuyển giao công nghệ, tăng trưởng xanh trong nông nghiệp

.

Ngày 11-9, tại hội thảo Liên minh các tổ chức Khuyến nông tiểu vùng sông Mê Kông (MELA) lần thứ 5 tổ chức tại Đà Nẵng, các đại biểu đến từ 5 nước gồm: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam đã có những thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về đổi mới, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp cho nông dân; đồng thời xem đây là giải pháp quan trọng nhất để ngành nông nghiệp của các nước thành viên MELA tăng trưởng xanh, phát triển bền vững dưới tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, đô thị hóa...

Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng thông tin, thành phố luôn chủ trương phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh thái. Ngành nông nghiệp Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Sản phẩm nông nghiệp Đà Nẵng hướng đến sản xuất sản phẩm đặc trưng, chủ lực và khai thác tiềm năng, lợi thế biển để đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với công nghiệp chế biến thủy sản. Thành phố đã tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản và an toàn thực phẩm…

 “Ngành nông nghiệp Đà Nẵng không chỉ dừng lại ở sản xuất, mà phát triển trên 2 trụ cột chính là chống chịu được biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Ngành nông nghiệp của Đà Nẵng cũng không chỉ cung cấp nông sản, mà còn bảo tồn văn hóa, lữu trữ các giá trị văn hóa, cung cấp các sản phẩm xanh, sản phẩm lưu niệm theo hướng đặc thù, hữu cơ, sinh thái. Đà Nẵng cũng đã có các sản phẩm được sản xuất từ ứng dụng khoa học và công nghệ, như: công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin...”, ông Nguyễn Phú Ban chia sẻ.

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhấn mạnh, thông qua MELA, các hộ nông dân, trang trại nhỏ mong muốn được tiếp cận các công nghệ mới, công nghệ thông tin, phát triển thị trường và đầu tư để giải quyết các thách thức mới. Các quốc gia thành viên MELA cần thúc đẩy phát triển năng lực, đổi mới và chuyển giao công nghệ.

Đồng thời, hợp tác mạnh mẽ trong các lĩnh vực ưu tiên như: an ninh lương thực, kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, phát triển bền vững nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp. Sự hợp tác của các thành viên MELA sẽ thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức khuyến nông khu vực Đông Nam Á để thực hiện thành công Chiến lược hợp tác ASEAN về thực phẩm và nông, lâm nghiệp.

Ông Souvanthong Namvong, Cục trưởng Cục Khuyến nông và Chế biến nông nghiệp - Bộ Nông lâm Lào (thành viên Ban Thư ký MELA) nhìn nhận, 5 nước trong tiểu vùng Mê Kông có hơn 200 triệu người, trong đó có đến 60% là nông dân sinh sống ở các vùng nông thôn và đang gánh chịu những thiệt hại, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Vì thế, các nước thành viên MELA cần tiếp cận các nông dân để chuyển giao kiến thức về sản xuất, thị trường. Các nước thành viên MELA cần hiệp lực, xây dựng một tầm nhìn và chiến lược, kế hoạch hành động hiện thực hóa các mục tiêu đề ra. Đặc biệt, sẽ hợp tác đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp để tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Trong 3 ngày diễn ra hội thảo (từ 11 đến 13-9), các đại biểu của các nước thành viên MELA sẽ trình bày, thảo luận về việc thực hiện các chính sách và nỗ lực quốc gia đối với nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp xanh và phát triển các tổ chức nông dân bao gồm phát triển HTX nông nghiệp của các nước thành viên MELA; kinh nghiệm thực tế điển hình hướng tới mục tiêu 1 triệu nông dân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ cao...

HOÀNG HIỆP
 

;
;
.
.
.
.
.