Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

.

UBND thành phố vừa ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 53/NQ-TW ngày 17-7-2019 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững.

Theo đó, UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các quận, huyện phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu xây dựng kế hoạch, đề án phát triển nông nghiệp mang tính bền vững, ổn định và hiệu quả, ưu tiên phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng; triển khai thực hiện các chính sách của Trung ương phù hợp với thực tế tại địa phương để xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGAP, các mô hình sản xuất an toàn khác và phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn… Đồng thời, rà soát, tham mưu ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 104/NQ-HĐND ngày 7-7-2017 về chính sách khuyến khích đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch.

Sở Công thương đẩy mạnh thực hiện các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông-lâm-thủy sản, nâng cao năng lực phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường; xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm tại các thị trường trọng điểm, đưa hàng nông-lâm-thủy sản tiếp cận thị trường các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị.

Sở Khoa học và Công nghệ tăng cường hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm nông-lâm-thủy sản; tăng cường hỗ trợ sở hữu trí tuệ, thúc đẩy xây dựng, phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đẩy mạnh công tác hỗ trợ đào tạo nghề theo nhu cầu của người sử dụng lao động, gắn đào tạo với địa chỉ sử dụng lao động cụ thể (doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh...), chú trọng đào tạo nông dân của các vùng sản xuất quy hoạch, lao động trong trang trại, gia trại, hợp tác xã và lao động trong doanh nghiệp…

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.