Sản phẩm dịch vụ du lịch biển còn nghèo

.

Lợi thế của du lịch Đà Nẵng là du lịch biển. Tuy nhiên, các sản phẩm gắn liền với du lịch biển hiện nay so với các địa phương lân cận còn khá nghèo nàn. Việc hình thành những sản phẩm du lịch liên quan đến du lịch biển là rất cần thiết.

Cần có thêm nhiều hoạt động để làm phong phú thêm cho du lịch biển. Ảnh: THU HÀ
Cần có thêm nhiều hoạt động để làm phong phú thêm cho du lịch biển. Ảnh: THU HÀ

Đà Nẵng có bờ biển dài và đẹp nhưng mới chỉ tập trung phát triển ở phía đông ven đường Trường Sa-Võ Nguyên Giáp-Hoàng Sa, trong đó chủ yếu là khu vực các bãi tắm số 1, 2, 3 (biển Mỹ Khê) và khu vực T20.

Theo đánh giá của các đơn vị khai thác khách lữ hành thì các sản phẩm du lịch liên quan đến biển như các môn thể thao tại biển Đà Nẵng còn khá nghèo nàn. Ngoài dù lượn ca-nô kéo, phao chuối hay chạy jestky (mô-tô nước)… thì chưa có thêm sản phẩm gì mới để tạo được sự độc đáo cũng như dấu ấn đối với du khách. Một trong những lý do được các đơn vị khai thác dịch vụ thể thao biển đưa ra là do các khu vực thể thao nằm gần khu vực người qua lại thường xuyên và du khách tắm biển nên phải bảo đảm an toàn cho khách tắm biển.

Là đơn vị duy nhất khai thác dịch vụ thể thao biển tại các khu vực bãi tắm công cộng, ông Trương Minh Cảm, Giám đốc Công ty CP Thể thao biển Đà Nẵng cho hay với lượng khách như hiện nay thì 3 điểm tại khu vực biển Mỹ Khê, T20 mà đơn vị đang khai thác với 7-10 chiếc dù bay là vừa đủ để phục vụ khách du lịch.

Hằng năm, công ty cũng đầu tư mua dù, trang thiết bị mới để bảo đảm an toàn cho khách chơi môn thể thao này, hay với mô-tô nước thì nhân viên của công ty sẽ là người lái chở khách để bảo đảm an toàn cho người chơi cũng như cho khách tắm biển.

Được biết, ngoài Công ty CP Thể thao biển Đà Nẵng, một số đơn vị như dịch vụ giải trí biển Temple Đà Nẵng, thuộc Công ty CP Thương mại và Du lịch San Hô Đà Nẵng; khu giải trí biển Danabeach; Công ty CP Cá Voi Biển Xanh… cũng tham gia khai thác một số loại hình thể thao biển như trên. Ngoài các hoạt động được các đơn vị khai thác, vào các dịp có sự kiện lớn như Mùa du lịch biển, Điểm hẹn mùa hè, tại biển Đà Nẵng có thêm giải đua thuyền Kayak.

Theo anh Ngọc Thiện, đại diện một đơn vị khai thác khách du lịch, có thể đưa hoạt động chèo thuyền Kayak trên biển trở thành một môn thể thao thường xuyên dành cho du khách, nhất là những đơn vị lớn, có các chương trình chơi trò vận động, tập thể (teambuiding).

Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, nói về du lịch biển nói chung, có rất nhiều dịch vụ để khai thác. Trên bờ có thể là các hoạt động thể thao, teambuilding, trên mặt nước như dù lượn, phao chuối, mô-tô nước, câu cá…; dưới mặt nước như lặn ngắm san hô, đi bộ dưới đáy biển… Tuy nhiên, các dịch vụ này tại Đà Nẵng chưa được đầu tư một cách bài bản và chuyên nghiệp. Nếu có những đơn vị chuyên khai thác các dịch vụ thì các sản phẩm du lịch biển sẽ đa dạng và phong phú hơn rất nhiều.

Ngoài bãi biển phía đường Trường Sa - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa, đề án “Quản lý và khai thác du lịch tại các bãi biển thuộc tuyến đường Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2018-2020” cũng đã được UBND thành phố phê duyệt, trong đó có khu dành cho các môn thể thao biển.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, muốn làm đa dạng các sản phẩm du lịch liên quan đến thể thao biển thì cần có thời gian hoàn thiện hạ tầng, kêu gọi các nhà đầu tư. Một số đơn vị đang muốn đầu tư thêm các hạng mục, thể thao biển để làm đa dạng thêm các sản phẩm, dịch vụ tại đây. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có sự nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng cho phù hợp với nhu cầu thực tế của du khách cũng như đặc điểm của biển Đà Nẵng.

 SONG KHUÊ
 

;
;
.
.
.
.
.