Triển khai thanh toán học phí và viện phí không dùng tiền mặt

.

Theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2024, 100% trường học và bệnh viện phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt với thời hạn trước tháng 12-2019.

Thanh toán viện phí qua máy chấp nhận thẻ ngân hàng POS. Trong ảnh: Nhân viên y tế đang hướng dẫn bệnh nhân và người nhà thanh toán bằng máy POS tại Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng.
Thanh toán viện phí qua máy chấp nhận thẻ ngân hàng POS. Trong ảnh: Nhân viên y tế đang hướng dẫn bệnh nhân và người nhà thanh toán bằng máy POS tại Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng.

Theo PGS.TS Lê Thị Kim Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), việc sinh viên nộp học phí qua thẻ là phương thức rất tốt để quản lý tài chính, công khai hóa, loại trừ các hiện tượng tiêu cực và giảm các thủ tục hành chính không cần thiết. Không chỉ ở các trường công, hiện nay nhiều trường đại học tư thục cũng đẩy mạnh việc liên kết với các ngân hàng.

Ông Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Đại học Duy Tân thông tin, nhà trường hiện đang sử dụng hai phương thức thanh toán học phí là tiền mặt và chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng của trường.

Cùng với lĩnh vực giáo dục, thanh toán kinh doanh thương mại đang được đẩy mạnh ở ngành y tế. Theo đó, nhiều bệnh viện trong thành phố đã tiến hành lắp đặt máy chấp nhận thẻ ngân hàng để thanh toán hóa đơn dịch vụ (máy POS).

Cụ thể, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng lắp đặt máy POS từ năm 2012, Bệnh viện Gia Đình đã lắp đặt máy POS ngay từ những ngày đầu thành lập bệnh viện (cuối năm 2013)… Tại Bệnh viện Gia đình, đến nay có khoảng 15 máy POS để đáp ứng nhu cầu thanh toán viện phí bằng các loại thẻ của bệnh nhân và người nhà, trung bình mỗi tầng khám ngoại trú có ít nhất 2-3 máy POS tại các quầy lễ tân.

ThS.BS Nguyễn Văn Vy Hậu, Phó Giám đốc Bệnh viện Gia Đình nhận định, đối với nhân viên y tế, việc thanh toán qua thẻ giúp nhân viên ít nhiều tiết kiệm được thời gian khi tiến hành thanh toán cho bệnh nhân, nhất là đối với các khoản thanh toán lớn và việc kiểm soát thu chi tại quầy cũng dễ dàng hơn.

Đối với bệnh nhân, nhiều người đã có thói quen sử dụng các loại thẻ nội địa (ATM) do các ngân hàng Việt Nam phát hành để thanh toán nhiều hạng mục thu chi, trong đó có chi phí chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, mỗi ngày bệnh viện đều tiếp nhận những bệnh nhân là người nước ngoài, hoặc người nước ngoài có nhu cầu chăm sóc sức khỏe, bản thân họ không phải lúc nào cũng có tiền mặt bằng đồng Việt Nam trong tay, thì việc thanh toán bằng các loại thẻ quốc tế Visa, Master Card thông qua các máy POS cũng rất thuận lợi đối với nhóm đối tượng này.

Về yêu cầu 100% bệnh viện phải thanh toán viện phí không dùng tiền mặt của Nghị quyết số 02-NQ/CP đặt ra, ThS. BS. Nguyễn Văn Vy Hậu cho rằng, cho đến nay, bệnh viện luôn khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, tuy nhiên việc lựa chọn phương thức thanh toán vẫn là quyền của bệnh nhân và gia đình.

Để tiến tới đẩy mạnh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, bệnh viện đã và đang triển khai ký kết với các đối tượng cung cấp dịch vụ thanh toán bằng ví điện tử, dự kiến chính thức đưa vào sử dụng năm 2020.

Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt là một định hướng phát triển quan trọng đã được Chính phủ, UBND thành phố chỉ đạo cho Ngân hàng Nhà nước thành phố đẩy mạnh thực hiện.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn tổ chức hoạt động tuyên truyền, quảng bá thanh toán không dùng tiền mặt tới khách hàng bằng nhiều hình thức, chú trọng yếu tố trực quan, sinh động, bảo đảm khách hàng dễ nhớ và dễ thực hiện trong thực tế.

Bên cạnh đó, các ngân hàng hoàn thiện, tăng cường kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của ngân hàng với hạ tầng thanh toán của các đơn vị hành chính sự nghiệp có thu, các doanh nghiệp và tổ chức khác nhằm triển khai hình thức thanh toán trực tuyến, để đáp ứng nhu cầu thu, chi ngân sách Nhà nước qua ngân hàng.

Đầu tháng 8-2019, UBND thành phố ban hành đề án “Nâng cao nhận thức và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, nhằm giảm khối lượng tiền mặt trong lưu thông, tiết kiệm chi phí di chuyển, in ấn, nâng cao tốc độ luân chuyển, bảo đảm an ninh tiền tệ; trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ có khoảng 8.000 thiết bị chấp nhận thanh toán bằng thẻ, đạt 30 triệu giao dịch/năm, nâng tỷ trọng bình quân trong thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 90%.

Bài và ảnh: MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.