Fed hạ lãi suất, thị trường chứng khoán Mỹ chuyển động trái chiều

.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã chuyển động trái chiều sau khi Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - quyết định giảm 0,25% lãi suất cơ bản.

Hoạt động giao dịch tại sàn chứng khoán New York. (Nguồn: Reuters)
Hoạt động giao dịch tại sàn chứng khoán New York. (Nguồn: Reuters)

Rạng sáng 31-10 (giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán Mỹ đã chuyển động trái chiều sau khi Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - quyết định giảm 0,25% lãi suất cơ bản, từ biên độ 1,75-2% xuống còn 1,5-1,75%.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 9 điểm (0,08%) lên 27.080 điểm. Nhưng chỉ số S&P 500 lại lùi 2 điểm (0,1%) xuống 3.035 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 7 điểm (0,1%) xuống 8.267 điểm.

Đây là lần thứ ba Fed hạ lãi suất trong năm nay nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ do tốc độ tăng trưởng chậm của nền kinh tế toàn cầu, lạm phát dưới mục tiêu và những bất ổn do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung kéo dài.

Theo đánh giá của giới phân tích, trong bối cảnh có những dấu hiệu tích cực cho thấy Mỹ và Trung Quốc có khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại, Fed sẽ duy trì tỷ lệ lãi suất này cho tới khi có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy nền kinh tế Mỹ cần một “một cú huých” nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Trong thông báo mới nhất, Fed cũng phát đi tín hiệu có thể tạm dừng chu kỳ cắt giảm lãi suất khi nhấn mạnh sẽ theo dõi những số liệu mới để xác định triển vọng của kinh tế Mỹ nhằm đánh giá “con đường phù hợp" của lãi suất chuẩn.

Theo ngân hàng trung ương Mỹ, thị trường lao động vẫn ổn định và hoạt động kinh tế "tăng với tốc độ vừa phải." Tuy nhiên, đầu tư cho hoạt động kinh doanh và xuất khẩu vẫn khá yếu.

Cuộc họp của Fed diễn ra sau khi số liệu thống kê chính thức công bố cùng ngày 30-10 cho thấy rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới trong giai đoạn quý 3-2019 đạt mức tăng trưởng 1,9%. Đó là một dấu hiệu minh chứng cho sự “hạ nhiệt” của kinh tế Mỹ, khi con số này hồi cùng kỳ năm ngoái là 2,9%.

Tuy nhiên, sự suy yếu này không quá mạnh như một số nhà phân tích và quan chức Fed từng tỏ ra lo ngại. Tuy nhiên, các lĩnh vực khác của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực chế tạo, đã bị đình trệ trong những tháng gần đây khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.

Các doanh nghiệp đã hạn chế đầu tư để đối phó với cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khi hai nước đồng loạt tăng thuế trả đũa đối với nhiều loại hàng hóa của nhau, qua đó khiến những doanh nghiệp này khó có thể đưa ra các cam kết dài hạn.

Mặc dù điều đó chưa có tác động rõ ràng đến hoạt động tuyển dụng hoặc chi tiêu của người tiêu dùng ở Mỹ, các quan chức Fed cảm thấy một đợt cắt giảm lãi suất "bảo hiểm" là phù hợp để đối phó với những kịch bản tồi tệ hơn. Fed đã cắt giảm lãi suất vào tháng Bảy và một lần nữa vào tháng Chín với hy vọng chi phí vay hợp lý hơn sẽ khuyến khích các doanh nghiệp và người tiêu dùng “mở hầu bao”.

Theo Vietnam+

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.