Nghị lực của nữ CEO công nghệ

.

Chị La Thị Mỹ Lệ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghệ Karivara là một trong số ít “bóng hồng” CEO công nghệ ở Đà Nẵng. Chị Lệ từng trải qua thời niên thiếu đầy vất vả nhưng chính điều đó đã làm nên con người chị bây giờ - kiên trì, mạnh mẽ nhưng đầy tính nữ.

Chị La Thị Mỹ Lệ (ngoài cùng bên phải) chia sẻ với các bạn trẻ tại một sự kiện về công nghệ và khởi nghiệp ở Đà Nẵng.
Chị La Thị Mỹ Lệ (ngoài cùng bên phải) chia sẻ với các bạn trẻ tại một sự kiện về công nghệ và khởi nghiệp ở Đà Nẵng.

Chị Lệ sinh năm 1988 trong một gia đình nghèo ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm lớp 2, nhờ công việc cắt cỏ thuê, cô bé Lệ ngày ấy đã kiếm được đồng tiền đầu tiên để phụ giúp gia đình. Lên lớp 6, chị “làm thêm” nghề gặt lúa, rồi cứ mỗi buổi không phải đến trường, cô bé Lệ lại đèo theo mẹt bánh lọc, bánh nậm đạp xe đi bán khắp làng trên xóm dưới. Ngay từ nhỏ, chị đã sớm hiểu ý nghĩa của sức lao động và đồng tiền.

16 tuổi, chị Lệ lần đầu tiên rời quê vào Đà Nẵng để tìm việc làm thêm mùa hè. Công việc đầu tiên của chị nơi đất khách là... bán vé số. Mỗi ngày chỉ lời 20.000 - 30.000 đồng, khiến chị thậm chí không dám ăn trưa. Suốt những năm tháng học THPT, hễ nghỉ hè là chị lại vào Đà Nẵng làm việc, có năm bán vé số, có năm phụ bán quán cà-phê. Nhớ lại giai đoạn ấy, chị bảo, đó là lần đầu tiên chị bắt đầu hình thành tư duy về ngành dịch vụ, làm nền tảng sơ khai cho con đường khởi nghiệp sau này. Học xong THPT, chị Lệ thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm (ĐH Huế) với số điểm rất cao. Năm đó, tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định đài thọ một suất duy nhất cho thí sinh đạt điểm cao, có thành tích học tập tốt để đi học ở bất kỳ trường đại học nào trong nước. Nhận được suất học bổng đó, chị Lệ chọn ngành công nghệ thông tin ở Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng). Chị bảo, ngày đó, chị đăng ký thi vào ngành sư phạm chủ yếu theo cảm tính. Đến khi có một cơ hội mới, chị mới tìm hiểu và quyết định thử sức ở một lĩnh vực khác phù hợp hơn.

Việc đi học công nghệ thông tin ở Đà Nẵng là một bước ngoặt trong đời chị. Ra trường với bảng thành tích học tập tốt, chị Lệ được một công ty công nghệ lớn ở Đà Nẵng nhận vào làm. Chị bắt đầu với công việc của một lập trình viên đa năng, có thể làm các công việc về cơ sở dữ liệu, máy chủ, lập trình bằng nhiều ngôn ngữ, giao tiếp với khách hàng rồi dần trở thành quản lý dự án. Vốn là người chăm chỉ, chị luôn toàn tâm toàn sức với công việc, thậm chí không ngại ngủ lại công ty để hoàn thành kịp hạn dự án. Mặc dù công việc đang thuận lợi, năm 30 tuổi, chị đưa ra một quyết định khá bất ngờ: nghỉ việc để ra ngoài làm chủ một doanh nghiệp của riêng mình. Vậy là Công ty TNHH MTV Công nghệ Karivara ra đời.

Là “dân” kỹ thuật khởi nghiệp, chị Lệ đã phải tự học hỏi rất nhiều kiến thức kinh doanh, quản trị hệ thống, quản trị con người. Chị kể, những ngày đầu tiên đi gặp đối tác, nghe họ nói chuyện kinh doanh mà chị không hiểu, thậm chí phải nhờ đến một người bạn trong nghề giảng dạy thế nào là gọi vốn. Nhưng chị không nản, chị bảo, bản thân có thể không thông minh hay giỏi giang bằng người khác, nhưng chị rất kiên trì. Dần dần, chị tích lũy kiến thức, xây dựng mạng lưới quan hệ trong lĩnh vực công nghệ và kinh doanh - những người có thể hỗ trợ và chia sẻ các bài học cho chị.

Hoạt động đầu tiên của Karivara là một chương trình thực tập sinh dành cho sinh viên. Theo chị Lệ, ở nhiều công ty công nghệ, chương trình này thường kéo dài vài tháng và thực tập sinh phải kinh qua nhiều loại công việc khác nhau. Trong khi đó chị lại yêu cầu mỗi thực tập sinh chỉ tập trung vào một loại công việc, có thể trong hai tuần đã phải làm xong một dự án. Nhờ cách làm sáng tạo này, đến nay chị đã tạo được chương trình thực tập sinh toàn cầu mang “bản quyền” Karivara, thu hút không chỉ sinh viên trong nước mà còn cả quốc tế. Chị chia sẻ: “Mong muốn của mình là Karivara sẽ trở thành nơi để những người đam mê, giỏi về công nghệ đến và đóng góp vào hệ sinh thái công nghệ mà mình đang xây dựng”.

Đầu tháng 8 vừa qua, Karivara đã cho ra mắt sản phẩm Grubity Kitchen, một nền tảng trực tuyến và ngoại tuyến giúp kết nối các đầu bếp tài năng và những người yêu ẩm thực. Dù là CEO một công ty công nghệ, chị Lệ vẫn luôn yêu những bữa cơm gia đình, những lần cả nhà quây quần với nhau trong bếp để chế biến món ăn ưa thích. Chị bảo, đó chính là động lực lớn nhất để Grubity Kitchen ra đời. Tại đó, các học viên “nhí” không chỉ được khơi gợi và nuôi dưỡng niềm cảm hứng với ẩm thực, mà còn được rèn luyện các kỹ năng sống như nguyên tắc an toàn trong nhà bếp, phép ứng xử văn hóa trên bàn ăn, những mẹo làm bếp thông minh và tìm hiểu kiến thức về khoa học dinh dưỡng.

Chị Lệ cho biết, ước mơ của chị là được truyền cảm hứng cho các bạn trẻ thoát khỏi tư duy phải kiếm một công việc ổn định và cứ thế sống qua ngày. Do đó, chị Lệ tham gia hỗ trợ nhiều hoạt động, sự kiện của cộng đồng công nghệ thông tin và cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng, Huế, tham gia giảng dạy cho sinh viên tại trường Cao đẳng quốc tế BTEC FPT. Chị nói: “Ngày xưa, chỉ cần làm xong việc của mình là được nghỉ ngơi nhưng từ ngày mình khởi nghiệp, chắc chưa đêm nào ngủ ngon giấc. Song mình chưa bao giờ hối hận, bởi càng làm mình càng thấy đam mê”.

Bài và ảnh: PHONG LAN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.