Phát triển đội tàu xa bờ

.

Với nhiều chính sách hỗ trợ của Trung ương và thành phố, những năm qua, ngư dân thành phố nói chung, quận Thanh Khê nói riêng mạnh dạn đóng mới, cải hoán tàu công suất lớn vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Trong 5 năm qua, số lượng tàu thuyền tại quận Thanh Khê tăng về số lượng tàu công suất lớn, khai thác xa bờ.
Trong 5 năm qua, số lượng tàu thuyền tại quận Thanh Khê tăng về số lượng tàu công suất lớn, khai thác xa bờ.

Đầu năm 2019, gia đình ông Thái Hồng Nhơn (phường Thạc Gián) hạ thủy tàu cá ĐNa 91144, công suất 850CV, tổng trị giá 6 tỷ đồng làm nghề lồng bẫy. Đây là tàu đóng mới theo chính sách hỗ trợ của thành phố. Ngay sau khi hạ thủy, ông Nhơn cho tàu ra khơi để thực hiện ước mơ bám biển.

Trước đó, từ nguồn hỗ trợ vốn vay theo Nghị định 67 của Chính phủ, ngư dân Đào Ngọc Minh Tâm (phường Thanh Khê Đông) cũng đã đóng mới tàu cá ĐNa 90945 TS trị giá 17,6 tỷ đồng. Để có tàu khai thác xa bờ an toàn, hiệu quả, ngư dân Hồ Ngọc Hiệp (phường Thanh Khê Đông) cũng đã nâng cấp tàu cá ĐNa 90361 TS từ 100CV lên 450CV…

Những ngày qua, ông Lê Văn Chiến (phường Xuân Hà) chuẩn bị nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho chuyến ra khơi trong tháng 11. Ông Chiến có gần 40 năm làm ngư dân, từ thời con tàu nhỏ, khai thác ở vùng lộng. Sau này, khi có chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của thành phố, ông Chiến nâng cấp, cải hoán tàu công suất lên đến trên 800CV để vươn khơi bám biển Hoàng Sa.

“Đối với tôi, các ngư trường truyền thống như là ngôi nhà thứ 2 của mình. Không ra khơi lại nhớ biển lắm! Trong những năm tháng biển giã gặp khó khăn, nhất là trước sự quấy nhiễu của các tàu nước ngoài, ngư dân ra khơi liên tục sẽ khẳng định được cột mốc chủ quyền biển, đảo”, ông Chiến tâm sự.

 Ông Võ Kim Tú, Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê cho biết, trong 5 năm qua, số lượng tàu thuyền trên địa bàn quận duy trì và tăng nhẹ qua các năm, từ 100 chiếc vào năm 2015 lên 109 chiếc vào năm 2019; trong đó đặc biệt tăng tàu có công suất lớn. Nếu như 2015 toàn quận có 42 chiếc tàu công suất từ 400CV trở lên thì năm 2019 đã có 63 chiếc, trong đó có chiếc gần 1.400CV.

“Cơ cấu nghề khai thác từ năm 2015-2020 đã chuyển đổi theo hướng vươn khơi và hiệu quả. Nghề khai thác đem lại sản lượng cao, những nghề cũ giá trị thấp được thay thế bằng nghề lưới rê hỗn hợp, tuy sản lượng không cao, nhưng giá trị sản phẩm khai thác cao như cá thu, cá chim, ngừ đại dương”, ông Võ Kim Tú chia sẻ.

Cũng theo ông Nguyễn Kim Tú, trong những năm qua, việc tăng số lượng tàu theo cơ cấu tàu có công suất lớn là nhờ có những chính sách hỗ trợ đóng mới tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ.

Đặc biệt, trong đó ngư dân được hưởng lợi lớn từ chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá khai thác và tàu dịch vụ khai thác cho các tổ chức cá nhân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tại Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND ngày 12-12-2014 của UBND thành phố.

Theo ông Tú, thời gian qua, chính sách này thực hiện phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng hiện đại, an toàn và bền vững.

Tính đến nay đã có 19 trường hợp tàu cá đóng mới theo Quyết định 47 của thành phố, trong đó 18 tàu cá khai thác xa bờ và 1 tàu cá dịch vụ xa bờ với tổng số tiền đầu tư gần 100 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố hỗ trợ 14,5 tỷ đồng, ngân sách sự nghiệp kinh tế quận hỗ trợ 160 triệu đồng.

Ngoài việc quan tâm vận động, khuyến khích ngư dân đóng mới tàu cá khai thác tại các vùng biển xa, thành phố và quận Thanh Khê cũng dành nguồn kinh phí hỗ trợ các mô hình khai thác hiệu quả, ứng dụng trang thiết bị hiện đại để nâng cao năng lực và hiệu quả khai thác. Nhiều ngư dân được thành phố hỗ trợ hầm bảo quản sản phẩm (PU), máy dò ngang, máy nhận dạng tích hợp, hải đồ, thiết bị chế biến nước biển thành nước ngọt.

Riêng quận Thanh Khê, thời gian qua, đã hỗ trợ các mô hình khai thác hiệu quả, như trang thiết bị máy móc, vật tư ngư lưới cụ, pin năng lượng mặt trời, với tổng kinh phí hỗ trợ 410 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của quận. Theo các ngư dân, việc hỗ trợ kịp thời của thành phố và quận Thanh Khê đã giúp ngư dân yên tâm bám biển phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền.

Bài và ảnh: AN NHIÊN

;
;
.
.
.
.
.