Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận khi lập quy hoạch điện VII vào năm 2016 đã không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn. (Nguồn ảnh: TTXVN) |
Trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội chiều 6-11, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận có sự thiếu chủ động của Bộ Công Thương trong việc phát triển thiếu đồng bộ hạ tầng truyền tải điện, trạm biến áp dẫn đến việc không truyền tải đủ công suất điện cho vùng nông thôn, miền núi. Nguy cơ thiếu điện ở vùng Tây Nam Bộ rất lớn.
Thiếu chủ động, không lường hết sự phát triển
Đề cập đến 3 nội dung liên quan đến phát triển điện mặt trời, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) băn khoăn việc quy hoạch điện VII có ý nghĩa gì khi công suất quy hoạch 850MW cho năm 2020 và 1.200MW cho năm 2030 đã bị phá vỡ với công suất hiện tại lên tới 7.200MW, vượt 9 lần so với quy hoạch.
Không những thế, theo bà Hà, công suất sẽ còn tăng thêm 2.086MW trong giai đoạn 2020-2030 và hiện nay 121 dự án đã được cấp phép, 210 dự án đang chờ phê duyệt. Trong khi mức giá khai thác còn quá cao. Việc thiếu đồng bộ trong phát triển hạ tầng gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, lãng phí năng lượng tái tạo.
Về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận khi lập quy hoạch điện VII vào năm 2016 đã không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời.
Tuy nhiên, theo ông nguyên nhân là do công nghệ chưa phát triển. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 11, trong đó tạo cơ sở phát triển điện mặt trời, quy định mức giá ưu đãi, tạo điều kiện đủ mạnh để phát triển.
Cụ thể, Quyết định 11 về cơ chế giá ưu đãi cho điện mặt trời là 9,35 cent một kWh trong 20 năm với dự án vận hành trước 30-6-2019 đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư phát triển năng lượng mặt trời ở Việt Nam.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn nhìn nhận việc phát triển không đồng bộ hạ tầng truyền tải điện, trạm biến áp đã dẫn đến việc không truyền tải đủ công suất. Hơn nữa, Nhà nước còn độc quyền trong truyền tải điện nên gặp khó khăn.
“Bộ Công Thương đã xin bổ sung hơn 15 dự án truyền tải điện, trạm biến áp nhưng vẫn không kịp,” Bộ trưởng thừa nhận để xảy hiện trạng nêu trên là do “có sự thiếu chủ động của Bộ Công Thương dẫn đến công suất chưa được truyền tải hết.”
Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, chất vấn về ồ ạt cấp phép dự án điện mặt trời, khiến nhiều dự án khi đi vào vận hành bị giải tỏa công suất.
Trả lời sau đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết khi xây dựng các cơ chế mong muốn phát triển điện mặt trời để tạo ra môi trường thí điểm và sau này tổng kết phát triển điện sạch gồm cả điện gió.
“Đúng là quá trình thực hiện thì đã có sự chủ quan, đánh giá không hết nên trong thời gian ngắn đã có sự phát triển bùng nổ, gần 4.900 MW điện mặt trời vận hành tới cuối tháng 6-2019,” ông thẳng thắn nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận có sự phát triển chưa đồng bộ giữa hạ tầng truyền tải điện, các trạm biến áp tại một số khu vực khiến các dự án điện mặt trời vận hành nhưng không thể giải toả hết công suất, ở mức 30-40%.
Ông cho rằng có sự lúng túng, bất cập trong phối hợp tổ chức, các cơ quan chức năng giữa Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và địa phương trong thẩm định, phê duyệt các dự án điện mặt trời.
“Ở diễn đàn Quốc hội này, tôi xin nhận trách nhiệm khi chưa bao quát và dự báo kịp thời để có biện pháp quyết liệt, nhất là trong phát triển hệ thống truyền tải điện tương xứng đảm bảo giải tỏa công suất,” ông Tuấn Anh nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Công Thương cũng nêu khó khăn khi Nhà nước còn độc quyền trong truyền tải điện, trong khi nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này chưa đảm bảo. Song ông tin năm 2020 sẽ có thêm nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng khi có thể giao tư nhân đầu tư đường dây 500 kV.
“Về lâu dài phải có quy định pháp luật để cho phép xã hội hóa đầu tư truyền tải điện, nhưng không làm mất vai trò độc quyền của nhà nước. Có thể sẽ áp dụng hình thức BT trong đầu tư hệ thống chuyển tải điện,” ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Các dự án điện Mặt Trời đang được đầu tư tại nhiều địa phương. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) |
Trông đợi nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu
Về tiến độ thực hiện dự án đưa điện về vùng nông thôn, miền núi còn chậm, trả lời câu hỏi của Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận mặc dù đây là đề án rất quan trọng của Đảng, Nhà nước nhưng đến nay chưa được thực hiện đúng tiến độ.
Trước đó, tại phiên chất vấn kỳ 3, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu yêu cầu Bộ trưởng Công thương cam kết thực hiện đề án này nhưng đến nay vẫn không đúng tiến độ.
Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết mục tiêu dự án hướng tới là cung cấp điện lưới quốc gia cho 11.000 hộ dân, 17 xã và 9.000 thôn, bản ở tất cả các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện khó khăn trên cả nước cũng như một số nội dung liên quan đến cấp điện cho các trạm bơm tưới nước ở đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông, quy mô tổng vốn đầu tư dự án trên dự kiến lên tới trên 30.000 tỷ đồng.
Với nguồn vốn rất lớn nêu trên, Bộ trưởng cho biết để thực hiện dự án, Bộ Công Thương đã chỉ đạo xây dựng các kế hoạch để cung ứng vốn cho dự án, bao gồm các nguồn vốn từ Ngân sách nhà nước, Tập đoàn Điện lực, ngân sách địa phương và nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu và các tổ chức khác.
Trong đó, nguồn vốn lớn nhất mà Việt Nam trông đợi là của Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu, với quy mô lên tới 24.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận trong giai đoạn cuối năm 2017, đầu năm 2018, trần nợ công của Việt Nam lên rất cao, xấp xỉ chạm giới hạn nên Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát tổng thể tất cả các chương trình đang sử dụng vốn vay dưới danh nghĩa chương trình quốc gia.
Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định tạm thời không xem xét đưa nguồn vay từ Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu, ngoại trừ duy nhất khoản tiền hơn 2.800 tỷ đồng đã được Liên minh châu Âu giải ngân cho dự án.
Vị tư lệnh ngành Công Thương cho hay, tính đến nay, xét cả về tiêu chí vốn và các chỉ tiêu của các dự án, chỉ có khoảng hơn 10% các nội dung của dự án đưa điện về vùng nông thôn, miền núi được thực hiện; khoảng 18% nguồn vốn từ ngân sách được giải ngân đã được thực hiện.
Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã làm việc tiếp với Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu, chuẩn bị sẵn sàng những nguồn hỗ trợ từ ưu đãi của hai tổ chức này, với quy mô lên khoảng 24.000 tỷ đồng.
“Như vậy, chúng ta đủ điều kiện tiếp tục triển khai các thành phần của dự án. Tuy nhiên, dự kiến đến 2020 mới bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ. Bộ Công Thương cũng thiết tha kiến nghị Quốc hội cho phép tiếp tục sử dụng vốn vay từ các tổ chức quốc tế nhằm phục vụ cho việc triển khai dự án này,” Bộ trưởng nói.
Nguy cơ thiếu điện ở Tây Nam Bộ
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) lo lắng trước nguy cơ thiếu điện hiện hữu nên đề nghị Bộ Công Thương, Chính phủ cho biết giải pháp để đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng.
Trả lời sau đó, Bộ trưởng Công Thương thừa nhận Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong 2019 - 2020 và kéo dài tới 2022-2023. Nguy cơ không có dự phòng ở vùng phụ tải cao như Tây Nam Bộ là rất lớn.
Ngoài ra, điều kiện bất lợi thời tiết với tính cực đoan cao, các thuỷ điện không đủ tích nước, Việt Nam đối mặt suy giảm thị trường năng lượng sơ cấp khi dự báo sẽ phải nhập 20 triệu tấn than vào 2020 và tăng lên 35 triệu tấn than vào 2035. Nguồn khí cũng không đủ phục vụ phát điện cho dự án ở Đông Nam Bộ.
Về phương án đảm bảo cân đối điện, Bộ trưởng cho biết sẽ huy động tối đa các nguồn công suất phát như điện than, thuỷ điện, điện khí, điện mặt trời.
Cùng đó, trình Chính phủ cơ chế mới về điện mặt trời với phương án thấp bổ sung thêm khoảng 6.000 MW điện mặt trời và 1.500 MW điện gió. Khả năng phải huy động cao hơn các nguồn điện này với 8.000 MW và điện gió huy động 3.000 MW.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đàm phán mua khí từ Malaysia, Thái Lan đảm bảo cung ứng điện cho miền Tây, Đông Nam Bộ.
Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Công Thương cũng tính toán phương án chuyển đổi cơ cấu phát điện của một số nhà máy điện, như Điện Hiệp Phước chuyển từ chạy dầu sang dùng khí LNG nhập khẩu, thì sẽ có thêm công suất 400 MW.
“Nếu khai thác hiệu quả, đồng bộ các giải pháp trên thì sẽ đủ điện trong 2019-2020,” ông Trần Tuấn Anh nói.
Theo Vietnam+