Đổi mới công nghệ sản xuất nhờ nguồn vốn khuyến công

.

Thời gian qua, hoạt động khuyến công của thành phố đã hỗ trợ tích cực vào quá trình đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất công nghiệp bền vững cũng như quảng bá, nâng cao năng lực hoạt động của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Dây chuyền sản xuất tôn nhựa PVC-ASA vừa được sắm mới tại Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Tiến Hưng.
Dây chuyền sản xuất tôn nhựa PVC-ASA vừa được sắm mới tại Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Tiến Hưng.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm và quy mô sản xuất của đơn vị, Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Tiến Hưng (huyện Hòa Vang) đầu tư mới dây chuyền sản xuất tôn nhựa PVC-ASA nhằm sản xuất sản phẩm có tính năng chống nóng, không bị oxy hóa và có độ bền cao hơn hẳn so với các loại tôn thông thường. Dự án có tổng kinh phí hơn 5,2 tỷ đồng, trong đó nguồn hỗ trợ từ khuyến công quốc gia là 500 triệu đồng.

Đây là lần thứ 3 trong 10 năm hoạt động, Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Tiến Hưng nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công quốc gia và địa phương với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng.

Một nguồn tiền mà theo ông Đặng Nam Hưng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Tiến Hưng nhìn nhận là hết sức ý nghĩa và kịp thời đối với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp nông thôn. “Nhờ có nguồn vốn khuyến công, bản thân tôi mạnh dạn hơn trong việc đầu tư đổi mới trang thiết bị, máy móc để mở rộng quy mô đơn vị, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường”, ông Đặng Nam Hưng cho biết.

Tương tự, tại Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Dana Plywood, trong tổng số tiền 616 triệu đồng đầu tư mua mới máy ép nguội nhằm từng bước tiến tới tự động hóa trong sản xuất sản phẩm ván ép công nghiệp, đơn vị nhận được 300 triệu đồng tiền hỗ trợ từ nguồn khuyến công quốc gia.

Ông Trương Phú Sơn, đại diện doanh nghiệp khẳng định, trong khi việc vay vốn ngân hàng còn nhiều vướng mắc với những thủ tục rườm rà thì chỉ cần có dự án hiệu quả, tính khả thi cao, doanh nghiệp có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ chương trình khuyến công do địa phương triển khai.

Tính trong 2 năm (2018-2019), từ các chương trình khuyến công được triển khai đã có 39 dự án trên địa bàn thành phố được hỗ trợ với tổng kinh phí 5,13 tỷ đồng; qua đó hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất với các sản phẩm có lợi thế, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn như sản xuất chế biến sản phẩm từ quế, bánh tráng, vật liệu xây dựng…

Riêng năm 2019, có 19 dự án với tổng số tiền 2,85 tỷ đồng đã được giải ngân cho các doanh nghiệp, trong đó nguồn vốn từ chương trình khuyến công quốc gia là 1,5 tỷ đồng và địa phương là 1,35 tỷ đồng.

Từ nguồn khuyến công địa phương đã hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho 9 cơ sở, doanh nghiệp gồm: Cơ sở Bình An, Cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Long Bửu, Hợp tác xã Công nghệ cao Mặt Trời, Công ty TNHH Tiến Thắng, hộ kinh doanh Đà Tửu, Cơ sở sản xuất và kinh doanh nhựa Bình Minh, Công ty TNHH MTV CRV Plus, Cơ sở Lê Thị, HTX Thực phẩm nông sản an toàn Thu Bồn…

Để nhận được nguồn vốn này, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất phải có những dự án mang tính khả thi và hiệu quả kinh tế cao với quy trình thẩm định và được cấp thẩm quyền phê duyệt chặt chẽ.

Trong quá trình khảo sát, xây dựng kế hoạch khuyến công hằng năm, Trung tâm Khuyến công thành phố (nay là Trung tâm Xúc tiến thương mại và khuyến công) chú ý đánh giá đúng khả năng tài chính về nguồn vốn đối ứng của doanh nghiệp thụ hưởng, nhất là đối với đề án có nguồn kinh phí thực hiện lớn, từ đó hạn chế khả năng doanh nghiệp xin ngừng do thiếu kinh phí đầu tư.

Theo ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và khuyến công thành phố, chương trình khuyến công đã tạo thêm điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp tục phát triển sản xuất, khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân phát triển tại địa phương.

“Những doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí khuyến công phần lớn làm ăn hiệu quả, ổn định. Không ít trong số đó được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của thành phố qua từng năm”, ông Lê Thanh Hạ cho hay.

Đánh giá cao hiệu quả từ nguồn vốn khuyến công được ngành công thương thành phố triển khai trong thời gian qua, ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang khẳng định, nguồn vốn từ chương trình khuyến công dù không quá lớn nhưng với đặc thù của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn huyện chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ thì đây là sự hỗ trợ kịp thời, giúp doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh.

Dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng hoạt động khuyến công thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương chưa lớn so với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, đơn vị sản xuất; số lượng dự án có đủ khả năng nhận mức hỗ trợ từ 1 tỷ đồng trở lên hầu như chưa có.

Để nâng cao tính hiệu quả của chương trình khuyến công, bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sau khi nhận được nguồn hỗ trợ từ chương trình thì nỗ lực phát huy nội lực để đẩy mạnh và nâng cao quy mô, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như gắn kết chặt chẽ với cơ quan Nhà nước, nhất là Trung tâm Xúc tiến thương mại và khuyến công thành phố trong việc quảng bá thương hiệu, sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai cũng cam kết: “Số lần hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công là không giới hạn, nên các đơn vị nếu sử dụng nguồn vốn hiệu quả sẽ có cơ hội được hỗ trợ nhiều lần. Chúng ta cố gắng để làm sao doanh nghiệp ngày càng nâng tầm quy mô, tăng sức cạnh tranh trên thị trường”.

 Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.