Không để khan hiếm hàng hóa mùa mưa bão

.

Trước những diễn biến bất thường của mùa mưa bão, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng và bình ổn thị trường, các ngành chức năng cùng hệ thống siêu thị, cửa hàng, cửa hiệu, chợ truyền thống trên địa bàn thành phố đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến người kinh doanh nhằm không để xảy ra hiện tượng sốt hàng, tăng giá.

Ngành Công thương thành phố bảo đảm bình ổn nguồn cung hàng hóa cho mùa mưa bão. (Ảnh chụp tại siêu thị Co.oopMart Đà Nẵng)
Ngành Công thương thành phố bảo đảm bình ổn nguồn cung hàng hóa cho mùa mưa bão. (Ảnh chụp tại siêu thị Co.oopMart Đà Nẵng)

Ông Phan Thống, Công ty TNHH TMDV Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã chủ động chuẩn bị đầy đủ hơn 100 tấn hàng (với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng) bao gồm nước uống đóng chai, nhu yếu phẩm (gạo, dầu ăn, nước mắm, mì tôm…) nhằm phục vụ nhu cầu của người dân tăng cao.

Tương tự, tại các chợ Đầu mối Hòa Cường, chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Mới…, các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày của người dân đã được các tiểu thương bắt đầu chuẩn bị nhập về nhiều hơn.

Ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng ban Quản lý chợ Đầu mối Hòa Cường cho biết, nguồn hàng về chợ vẫn khoảng 350-400 tấn rau, củ, quả các loại cùng lượng lớn thủy hải sản, thịt gia cầm…

Sở Công thương thành phố cho biết, ngay từ sớm, sở đã triển khai vận động các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn thành phố đăng ký tham gia xây dựng kế hoạch, chủ động dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai năm 2019 với hơn 84 tỷ đồng.

Trong đó, các đơn vị phân phối lương thực, thực phẩm lớn trên địa bàn thành phố như: Công ty TNHH TMDV Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, Mega Market Đà Nẵng, Chi nhánh Công ty CP TMQT và DV Đại siêu thị BigC Hải phòng tại Đà Nẵng đã tham gia cung cấp kế hoạch dự trữ.

Nguồn hàng phong phú, dồi dào với tổng lượng hàng hóa lương thực, thực phẩm dự trữ hơn 30 tỷ đồng, gồm trên 131 thùng mì ăn liền, 2.000 thùng lương khô, 175 tấn gạo, nếp các loại, 23.200 thùng nước đóng chai và 168 tấn các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác.

Các mặt hàng khác như xăng dầu và vật liệu xây dựng cũng được các đơn vị lên kế hoạch dự trữ với thời gian dự trữ 2-3 tháng, từ tháng 8 đến tháng 11. Đồng thời, Sở Công thương có kế hoạch thường xuyên phối hợp Cục Quản lý thị trường thành phố thực hiện kiểm tra, rà soát chặt chẽ tình hình biến động giá cả, khâu cung ứng, lưu thông và việc thực hiện niêm yết giá, bán theo giá niêm yết các mặt hàng thiết yếu theo quy định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, loại trừ các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại.

Với 69 chợ truyền thống bán lẻ với tổng số 20.650 hộ kinh doanh; 6 trung tâm thương mại, siêu thị lớn kinh doanh hàng thực phẩm, 70 siêu thị tổng hợp, siêu thị chuyên doanh và khoảng 302 cửa hàng tiện lợi, tự chọn phân bố đều khắp 7 quận, huyện trên địa bàn thành phố, thị trường bán lẻ của Đà Nẵng thực sự phong phú và đa dạng về địa điểm kinh doanh cũng như nguồn phân phối thực phẩm, là điều kiện thuận lợi để người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn thực phẩm, nhất là trong mùa mưa bão. Cùng với sự chuẩn bị của ngành công thương, các quận, huyện cũng có phương án cụ thể để sẵn sàng ứng phó.

Đánh giá của Sở Công thương, trong 10 tháng đầu năm, mặc dù thị trường có nhiều diễn biến tương đối phức tạp nhưng hoạt động thương mại-dịch vụ trên địa bàn thành phố giữ được đà tăng trưởng khá. Nguồn cung lương thực, thực phẩm, rau, quả phong phú bảo đảm phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Công tác quản lý thị trường luôn được tăng cường và giám sát chặt chẽ; bảo đảm không để xảy ra bất ổn về giá và nguồn cung.

Nhìn nhận về những diễn biến của thị trường trong thời gian qua cũng như công tác chuẩn bị, ứng phó với mùa mưa bão, ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương cho biết, những chính sách giảm giá xăng dầu được điều chỉnh liên tục trong thời gian qua đã tác động tích cực đến việc bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân hầu như không có đột biến.

Đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, Sở Công thương đề nghị các doanh nghiệp, đầu mối kinh doanh xăng, dầu xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa và sẵn sàng bảo đảm cung ứng khi thiên tai, bão lũ xảy ra; đồng thời xây dựng phương án bảo đảm an toàn, phòng chống ngập các công trình, cửa hàng xăng dầu.

Bảo đảm không xảy ra khan hiếm, sốt giá thịt heo

Sở Công thương thành phố cho biết, tình hình thịt heo trong quý 3 và quý 4 vẫn còn bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi nên giá thịt heo tăng từ 10.000-20.000 đồng/kg/loại. Trong khi đó, các doanh nghiệp, đầu mối cung ứng lớn mặt hàng này cho biết, hiện nguồn cung thịt heo cho Đà Nẵng và một số tỉnh, thành lân cận vẫn bảo đảm, riêng thị trường Đà Nẵng mỗi ngày cung cấp ra thị trường trung bình 700-750 con và bảo đảm cung ứng cho nhu cầu của người tiêu dùng. Dự kiến thị trường thịt heo trong thời gian tới cơ bản giữ vững ổn định, không tăng giá đột biến. Các đơn vị, lò mổ cũng tăng cường công tác phòng dịch một cách nghiêm ngặt.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.