Thu phí ô-tô vào trung tâm thành phố: Chưa bảo đảm các điều kiện cần thiết thực hiện

.

Ngày 31-10, tại hội nghị phản biện dự thảo đề án “Thu phí phương tiện cơ giới tham gia giao thông vào khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng” do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức, đa số các đại biểu đều cho rằng chưa bảo đảm các điều kiện cần thiết thực hiện thu phí ô-tô, xe máy ra vào trung tâm thành phố.
 

Việc thu phí phương tiện cơ giới tham gia giao thông vào khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng cần được tính toán chặt chẽ. TRONG ẢNH: Phương tiện giao thông trên đường Bạch Đằng. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Việc thu phí phương tiện cơ giới tham gia giao thông vào khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng cần được tính toán chặt chẽ. TRONG ẢNH: Phương tiện giao thông trên đường Bạch Đằng. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Ông Bùi Hồng Trung, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT-cơ quan chủ trì dự thảo đề án) cho hay, mục tiêu của việc thu phí không phải tăng thu ngân sách mà là phân luồng giao thông chung của thành phố.

Theo đó, người điều khiển phương tiện sẽ phải chịu phí khi đi qua hệ thống thu phí trong khoản thời gian quy định. Để tránh bị thu phí, người lái xe có thể đi các tuyến đường thay thế, đi ngoài thời gian thu phí hoặc đi bằng phương tiện giao thông công cộng.

Đề án này sẽ được triển khai đồng bộ với các đề án thúc đẩy đầu tư, mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng, quy hoạch và đầu tư hệ thống bãi đỗ xe công cộng.

Việc thu phí sẽ được tiến hành ở các tuyến đường trục chính và vùng lõi trung tâm có lưu lượng giao thông lớn, nguy cơ ùn tắc cao. Theo ông Trung, kinh phí khái toán giai đoạn 1 (đến năm 2023) dự kiến là hơn 114 tỷ đồng, giai đoạn 2 (2024 - 2025) là gần 69 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Trung cho biết: “Hiện việc thu phí xe vào nội đô chưa được quy định trong Luật Phí và lệ phí 2015, vì vậy có 2 phương án: đề nghị Quốc hội bổ sung vào luật, hoặc tận dụng cơ chế chính sách đặc thù cho Đà Nẵng theo Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045”.
Nhiều đại biểu băn khoăn về cơ sở pháp lý của đề án thu phí xe vào nội đô.

Ông Trần Minh Khiết, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia Đà Nẵng, cho rằng cần đề xuất bổ sung phí chống ùn tắc giao thông vào Luật Phí và lệ phí 2015 để có cơ sở vững chắc.

Đồng ý với ý kiến đó, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng cho rằng, nên đợi Luật Phí và lệ phí bổ sung phí chống ùn tắc giao thông và “để dành” cơ chế chính sách đặc thù của thành phố cho những vấn đề lớn hơn, có tác động mạnh mẽ hơn.  

Chỉ nên là giải pháp cuối cùng

Ngoài vấn đề pháp lý, nhiều đại biểu cho rằng việc thu phí giao thông ở nội đô chỉ nên là giải pháp cuối cùng. Ông Bùi Văn Tiếng nói: “Cốt lõi vấn đề là phải giáo dục, nâng cao văn hóa giao thông cho người tham gia giao thông. Không ít trường hợp kẹt xe là do ý thức giao thông kém. Bên cạnh đó, việc đỗ xe thường xuyên dưới lòng đường do thiếu chỗ đỗ xe tập trung cũng gây ra kẹt xe trong giờ cao điểm.

Việc các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại - dịch vụ... được xây dựng ồ ạt mà không có lối giao thông nội bộ, hầm giữ xe... cũng khiến giao thông nội đô “bùng nổ”. Tôi cho rằng đó mới là những nguyên nhân căn cơ của tình trạng ùn tắc giao thông giờ cao điểm ở Đà Nẵng. Cần giải quyết những vấn đề này trước, nếu không có kết quả thì mới đến giải pháp thu phí”.

Ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho biết, Đà Nẵng cần thực hiện những biện pháp ít chi phí hơn như tổ chức lại các nút giao thông, tăng cường các phương tiện giao thông công cộng… Trong khi đó, ông Hoàng Minh Trinh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu chỉ ra, riêng ở quận Hải Châu, có rất nhiều đường hẻm, kiệt dẫn vào trung tâm thành phố.

Nếu đặt trạm thu phí ở đường lớn, xe máy hay thậm chí ô-tô có thể sẽ “né trạm” bằng cách đi vào kiệt hẻm, gây ách tắc và mất an toàn giao thông trong những khu vực này. Hơn nữa, theo ông Trinh, những người dân sống ở khu vực trung tâm thành phố phải ra vào khu vực này thường xuyên. Vậy họ phải liên tục nộp phí hay có chính sách nào dành riêng cho họ?

Theo dự thảo đề án đến năm 2030 đề xuất thực hiện thu phí đối với xe gắn máy. Trong ảnh: Khách sử dụng xe gắn máy để đi lại, tham dự một sự kiện ở khu du lịch ven biển. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Theo dự thảo đề án đến năm 2030 đề xuất thực hiện thu phí đối với xe gắn máy. Trong ảnh: Khách sử dụng xe gắn máy để đi lại, tham dự một sự kiện ở khu du lịch ven biển. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Về phía các doanh nghiệp, bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân thành phố cho rằng, khi dự án này được triển khai, chi phí xã hội sẽ tăng, trong đó có chi phí vốn, chi phí kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố cho rằng, thành phố nên xem xét một số giải pháp hữu hiệu nhưng ít tốn kém hơn, như: cấm đỗ ô-tô trên lòng đường, xây dựng thêm bãi đỗ xe, phân thêm đường một chiều…

Ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố cho rằng, việc chuẩn bị trước các giải pháp để xử lý tình trạng ùn tắc giao thông là cần thiết. Song nên tiếp tục suy nghĩ, bởi việc áp dụng đề án trong thời điểm này là chưa phù hợp.

Theo ông Tiến, nên xác định vị trí của đề án này trong Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ông Tiến nói: “Thành phố đã làm tốt việc phân luồng xe 30 chỗ vào trung tâm, nhưng việc phát triển các bãi đỗ xe thì còn rất chậm so với nhu cầu. Trong khi đó, chỉ cần không có xe đậu ở lòng đường, chúng ta đã có thêm được 1 làn để tránh ùn tắc. Có lẽ việc thu phí chỉ nên là giải pháp cuối cùng”.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Dương Đình Liễu, quá trình đô thị hóa nhanh chóng cùng sự tăng dân số cơ học và phân bố dân cư không đều đã gây nhiều sức ép cho hệ thống giao thông Đà Nẵng. Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường và ô nhiễm tiếng ồn, nhất là tại khu vực trung tâm thành phố.

Để giải quyết điều này, một số thành phố trên thế giới đã thu phí phương tiện cơ giới cá nhân đi vào trung tâm. Ông Liễu nhận định đây là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên toàn địa bàn thành phố. Để áp dụng biện pháp này ở Đà Nẵng, cần sự đồng thuận của người dân, sự tương thích với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Theo đề án, dự kiến đến năm 2023, sẽ thí điểm thu phí ở tuyến đường Lê Duẩn và tuyến đường Nguyễn Văn Linh. Đến năm 2025, có thể thu phí vùng lõi trung tâm theo ranh giới: nút Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Hữu Thọ - Xô Viết Nghệ Tĩnh - 2 Tháng 9 - Bạch Đằng - 3 Tháng 2 - Nguyễn Tất Thành - Lê Độ.

Về loại phương tiện thu phí, đến năm 2025, đề xuất thu phí đối với ô-tô con, xe khách và xe tải. Sau năm 2030 sẽ nghiên cứu thu phí xe máy. Không thu phí xe buýt và các loại xe ưu tiên theo quy định. Thời gian thu đối với ô-tô con là vào giờ cao điểm sáng và chiều; đối với xe tải từ 6 giờ 30 đến 19 giờ 30; thu tất cả các ngày trong tuần.

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.