Xây dựng sản phẩm vui chơi, giải trí gắn liền với lợi thế biển

.

Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang – Mân Thái, quận Sơn Trà” vừa được UBND thành phố ban hành tạo cơ hội lẫn điều kiện để khai thác lợi thế, tiềm năng tài nguyên du lịch của địa phương; qua đó tạo thêm sản phẩm du lịch mới, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ và tiện ích phục vụ lợi ích công cộng, góp phần thu hút người dân và du khách đến tham quan, vui chơi, giải trí, mua sắm tại đây.

Hình thành các mô hình du lịch, tiện ích tại bãi biển Mân Thái - Thọ Quang sẽ làm thay đổi diện mạo, thu hút khách đến với khu vực này.  Trong ảnh: Một góc bãi biển Mỹ Khê được trang trí, thu hút khách. Ảnh: THU HÀ
Hình thành các mô hình du lịch, tiện ích tại bãi biển Mân Thái - Thọ Quang sẽ làm thay đổi diện mạo, thu hút khách đến với khu vực này. Trong ảnh: Một góc bãi biển Mỹ Khê được trang trí, thu hút khách.

Đa dạng các loại hình dịch vụ

Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang – Mân Thái, quận Sơn Trà” được triển khai tại khu vực ven biển thuộc 2 phường Thọ Quang và Mân Thái, quận Sơn Trà trên chiều dài bãi biển khoảng 1,2km từ phía bắc dự án Fusion Suites Danang Beach đến giáp Nhà trưng bày Hoàng Sa và khu dân cư dọc tuyến phía tây đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp; được triển khai thực hiện trong 5 năm (2019-2023).

Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng ban Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, dự án này tập trung khai thác lợi thế, tiềm năng tài nguyên du lịch địa phương để tạo sản phẩm du lịch mới; khai thác du lịch kết hợp bảo tồn làng nghề thủy sản truyền thống; giới thiệu các tập quán, sản phẩm làng chài đến với du khách, hình thành khu vực để du khách khám phá, trải nghiệm khi đến với biển Đà Nẵng…

Bãi biển Thọ Quang - Mân Thái là một trong những bãi biển đẹp, có bờ biển dài, cát mịn, độ dốc tương đối phù hợp để phát triển dịch vụ du lịch biển phục vụ người dân và du khách. Thị trường khách tại khu vực này chủ yếu là khách Hàn Quốc, Trung Quốc và khách nội địa chiếm tỷ lệ cao. Một bộ phận khách châu Âu và châu Úc chủ yếu tham quan bán đảo Sơn Trà, Chùa Linh Ứng sử dụng dịch vụ lưu trú, ẩm thực hải sản. Hiện nay, khu vực bãi tắm Mân Thái chỉ mới hình thành khu vực bán nước giải khát, cà-phê với mô hình mới, các chòi cách điệu và khu vực biển tổ chức mô hình để khách tham quan, chụp hình cưới.

Từ thực tế đó, Sở Du lịch thành phố sẽ quy hoạch, sắp xếp 6 cụm dịch vụ với diện tích mỗi cụm là 840m­­2, dài 70m, rộng 12m (từ bờ kè ra mép biển). Mỗi cụm, kinh doanh và bố trí ít nhất 5 trong 9 loại hình dịch vụ kèm gồm: dịch vụ cafe, bar tại bãi biển; dịch vụ massage truyền thống; dịch vụ ẩm thực bãi biển; quầy lưu niệm; dịch vụ “thử làm ngư dân” (lắc thúng chai, đan thúng, đan lưới, kéo lưới, câu cá cùng ngư dân…), nghệ thuật sắp đặt thuyền thúng; mô hình chụp ảnh lưu niệm; khu tổ chức sự kiện, sinh hoạt cộng đồng; dịch vụ thể thao giải trí biển, lặn ngắm san hô; ẩm thực hải sản... Riêng tại khu vực phía tây đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp thuộc 2 phường Thọ Quang, Mân Thái, vận động người dân, quy hoạch sắp xếp tổ chức các loại hình dịch vụ, tiện ích phục vụ du lịch như: khu phố bích họa, nhà dân bán hải sản, loại hình lưu trú homestay, du lịch tín ngưỡng dân gian, điểm bán đặc sản làng nghề truyền thống…

Bà Trần Thị Vân, một người dân ở phường Thọ Quang chia sẻ: “Lâu nay, khu vực tuyến biển Thọ Quang - Mân Thái ít sôi động hơn so với đoạn Võ Nguyên Giáp-Trường Sa. Vì thế, khi biết tin thành phố sẽ tập trung phát triển khu vực biển Mân Thái- Thọ Quang này người dân địa phương chúng tôi rất mừng. Nếu được đầu tư về cơ sở hạ tầng sẽ làm thay đổi diện mạo nơi đây. Đồng thời, người dân địa phương sẽ có cơ hội được tham gia vào các hoạt động phục vụ khách du lịch bằng nghề truyền thống như: làm mắm ruốc, buôn bán hải sản..., phát triển kinh tế gia đình”.

Người dân địa phương sẽ là chủ thể để phát triển

Ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho rằng, đề án này không chỉ góp phần thay đổi diện mạo của địa phương mà còn tạo điều kiện cho người dân tham gia làm du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Quận cũng đã đi học tập tại một số nơi có mô hình phát triển du lịch cộng đồng, lấy người dân làm chủ thể.

Có thể hình thành các mô hình hợp tác xã homestay, để người dân địa phương cùng tham gia đón khách; mô hình bơi thuyền thúng, đan lưới cùng khách… Ngoài ra, người dân địa phương cũng có thể bán những sản phẩm là đặc sản vùng biển do chính họ làm ra như các loại mắm, các loại khô mực, khô cá, khô tôm, kết nối với chợ Mân Thái đang được xây dựng để thành một chuỗi sản phẩm…

Khu vực biển 2 phường Thọ Quang - Mân Thái sẽ có cơ hội phát triển dịch vụ, kinh tế địa phương. Trong ảnh: Một quán cà-phê tại bãi biển Mân Thái.
Khu vực biển 2 phường Thọ Quang - Mân Thái sẽ có cơ hội phát triển dịch vụ, kinh tế địa phương. Trong ảnh: Một quán cà-phê tại bãi biển Mân Thái.

Đồng quan điểm, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) bày tỏ sự vui mừng khi đề án phát triển du lịch cộng đồng khu vực ven biển sẽ được triển khai. Ông Tùng lý giải, Đà Nẵng có tới 7 làng chài nhưng vì sự phát triển và tốc độ đô thị hóa nhanh nên các làng chài bị di dời và mai một dần đi. Thành phố xây dựng mô hình cộng đồng này không chỉ giúp giữ được nghề biển mà còn tạo cơ hội cho chính những người dân địa phương là ngư dân có cơ hội tham gia vào các hoạt động phục vụ khách du lịch; đồng thời hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng biển. Khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế đến từ châu Âu, châu Mỹ… rất thích được xem, được thấy những ngư dân trực tiếp kéo lưới, ngoáy thúng ra khơi. Ở đó, người dân phải tham gia sâu vào các hoạt động, tức là làm thật như công việc hằng ngày của họ chứ không phải là tái hiện hay trình diễn.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh, dự báo năm 2020, Đà Nẵng sẽ đón khoảng 9 – 9,3 triệu lượt khách; trong đó khách quốc tế hơn 3,6 triệu lượt. Trong thời gian đến, nhu cầu của khách du lịch về việc sử dụng dịch vụ du lịch biển chất lượng cao sẽ ngày càng tăng. Vì vậy, cần phải triển khai các loại hình dịch vụ phù hợp với cảnh quan và định hướng phát triển của ngành du lịch thành phố, trong đó phát triển du lịch biển và phát triển du lịch cộng đồng là nhiệm vụ trọng tâm.

Ngành du lịch thành phố sẽ xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hoạt động kinh doanh tại khu vực như hỗ trợ thuê đất, chuyển đổi ngành nghề, sản xuất kinh doanh sản phẩm lưu niệm... Ngoài ra, ngành cũng sẽ lồng ghép quảng bá các dịch vụ du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang – Mân Thái gắn với các chương trình, sự kiện du lịch nói riêng và các hoạt động của thành phố nói chung; các kênh đối ngoại và các ấn phẩm in (ở ga tàu, sân bay, các trạm cung cấp thông tin du lịch...); thông qua các sự kiện đặc biệt; các phương tiện giao thông (trên máy bay, tàu lửa, xe bus nội đô...); các công trình độc đáo để thu hút sự quan tâm của truyền thông và công chúng...

Đồng thời liên kết phát triển du lịch tại khu vực bãi biển Thọ Quang - Mân Thái đồng bộ với các khu vực dịch vụ biển khác trên tuyến biển Hoàng Sa - Trường Sa như: khu vực Phạm Văn Đồng, bãi biển Mỹ Khê, bãi biển Mỹ An…; kết nối du lịch sinh thái (bán đảo Sơn Trà, khu vực phía tây thành phố...), du lịch văn hóa - lịch sử khám phá các bảo tàng, di tích (danh thắng Ngũ Hành Sơn, Thành Điện Hải, Hải Vân Quan, K20, đình làng...), du lịch trải nghiệm làng quê - làng nghề... tạo nên sự phát triển đồng bộ, đa dạng dịch vụ.

Lộ trình phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang - Mân Thái được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ tháng 9-2019 đến tháng 4-2020), UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt đề án, Sở Du lịch chuẩn bị hồ sơ đầu tư xây dựng hạ tầng các hạng mục, kêu gọi thu hút đầu tư; giai đoạn 2 (từ tháng 5-2020 đến tháng 12-2022): Triển khai đầu tư hoàn thiện về cơ sở hạ tầng và cảnh quan các cụm dịch vụ du lịch bãi biển, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động biểu diễn, sự kiện tại bãi biển và truyền thông, quảng bá về cụm dịch vụ du lịch...; giai đoạn 3 (từ tháng 1-2022 đến tháng 12-2023): Tiếp tục nâng cao năng lực phục vụ của người dân địa phương và lao động hoạt động tại cụm dịch vụ du lịch; hoàn thiện và đẩy mạnh hoạt động dịch vụ du lịch bãi biển; kết nối, mở rộng các hoạt động du lịch trên toàn tuyến biển...

Bài và ảnh: THU HÀ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.