Câu chuyện gọi vốn của Freelancer Việt

.

Freelancer Việt (freelancerviet.vn) là một trong những nền tảng kết nối nhà tuyển dụng và người tìm việc phổ biến nhất Việt Nam hiện nay. Để đi đến vị trí này, chị Phạm Lan Khanh (người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Freelancer Việt) đã trải qua nhiều thất bại nhưng mỗi lần vấp ngã lại giúp chị có thêm bài học quý…

Trong một buổi chia sẻ với cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng vào cuối tháng 11 vừa qua, chị Phạm Lan Khanh tự nhận mình là “một kẻ từng thất bại toàn tập”. Chị nói: “Thất bại trong khởi nghiệp là bình thường, nhưng với mình thì phải gọi là... ngã sấp mặt”.

Freelancer Việt được hình thành vào năm 2015 từ một nhóm hoạt động trên Facebook. Vốn làm trong lĩnh vực nhân sự và đam mê với các hoạt động cộng đồng, chị Khanh thành lập Freelancer Việt nhằm tạo không gian kết nối nhà tuyển dụng với người tìm việc. Sau 2 năm nhóm hoạt động sôi nổi, đến năm thứ 3, chị quyết định đầu tư nghiêm túc vào ý tưởng này, biến nhóm thành một startup bằng cách lập trang web freelancerviet.vn.

Nhớ lại những ngày tháng đó, chị bảo, việc lập trang web là thách thức đầu tiên trên hành trình startup của chị. “Những thành viên của Freelancer Việt lúc đó đã quen tương tác trên Facebook, họ chỉ cần đăng một bài viết tìm việc, phía dưới có nhà tuyển dụng bình luận, hai bên tự trao đổi với nhau là xong. Bây giờ lên trang web, mỗi thành viên phải làm các động tác phức tạp hơn như tạo hồ sơ cá nhân trực tuyến, “đấu giá” nhận công việc… Chưa kể, các thành viên phải đóng phí để được tham gia vào mạng lưới của Freelancer Việt nữa”, chị Khanh nói. Thay đổi hành vi, thói quen của người dùng là điều không hề dễ. Chị Khanh đã phải tổ chức nhiều sự kiện cộng đồng nhằm thuyết phục các thành viên của Freelancer Việt trên Facebook chuyển sang trang web. Chị đưa ra luận điểm, khi lên trang web, các hồ sơ được kiểm duyệt kỹ, phân loại chất lượng, các thông tin tuyển dụng đều được xác thực...

Sau khi chuyển đổi mô hình từ nhóm Facebook sang trang web thành công, chị Khanh lại gặp thách thức thứ hai. Chị bảo: “Mô hình của Freelancer Việt không mới mà đã tồn tại 10-20 năm nay trên thế giới. Ban đầu mình nghĩ đơn giản, thế giới làm sao thì về Việt Nam, mình làm y vậy. Nhưng nghĩ là một chuyện, làm lại là chuyện khác.

Ở các nước phát triển trên thế giới, việc thanh toán trực tuyến rất đơn giản. Còn ở Việt Nam vào thời điểm đó, người dùng có tâm lý không muốn trả tiền cho bên thứ 3, họ ngại mình là… “cò việc”.” Để vượt qua chướng ngại này, chị Khanh đã phải “đập” toàn bộ mô hình thu phí ban đầu (thu phí giao dịch, tức trả phí sau khi nhận được việc) để xây mô hình mới (thu phí thành viên, tức phải trả phí mới trở thành thành viên của Freelancer Việt). Chị phải cam kết với khách hàng rằng, một khi đã đăng ký thành viên thì trong tối đa 3 tháng sẽ được kết nối việc làm. Chị Khanh chia sẻ, cách làm này giúp người dùng vượt qua tâm lý e dè khi trả phí cho bên trung gian, giúp Freelancer Việt tiếp tục tồn tại.

Ổn định được phần trang web và mô hình kinh doanh, chị Khanh quyết định xây dựng Freelancer Việt trên nền tảng di động. Chị gọi đây là “cột mốc thất bại lớn nhất”, bởi dù đã gom hết tiền bạc, nhân sự để làm ứng dụng di động thì số người dùng nền tảng này chỉ vỏn vẹn 15% so với tổng thành viên Freelancer Việt. Chị nói: “Những người tìm việc trên Freelancer Việt thường làm các nghề lập trình, thiết kế, dịch thuật... Họ dùng máy tính nhiều hơn điện thoại di động, và không thể nào thay đổi thói quen của họ được. Lần đó, mình chấp nhận mất tiền, thất bại. Cũng may vẫn còn gượng dậy đi tiếp được”.

Câu chuyện kinh doanh nhiều chông gai như vậy, câu chuyện gọi vốn đầu tư của Freelancer Việt cũng nhiều trở ngại không kém. Năm 2017, chị Khanh quyết định gọi vốn để mở rộng mô hình ra khu vực Đông Nam Á. Sau hàng chục... cái lắc đầu của các nhà đầu tư, chị nhận ra 2 vấn đề chính của mình là: hiểu nhầm mình và gọi vốn nhầm người. Hiểu nhầm mình nghĩa là tự định giá quá cao cho Freelancer Việt. Còn gọi vốn nhầm người nghĩa là dự án còn quá bé mà đã gọi vốn ở các quỹ lớn, hay dự án thuộc lĩnh vực nhân sự thì lại gọi vốn ở những nhà đầu tư thuộc lĩnh vực không liên quan. Chị nói: “Việc gặp gỡ nhà đầu tư giống một cuộc hẹn để chinh phục người yêu nên bạn cần để lại ấn tượng ở cái nhìn đầu tiên. Ở cuộc hẹn ấy, bạn phải chuẩn bị kỹ lưỡng để mọi thứ diễn ra tốt đẹp nhất.

Có nhiều startup ý tưởng rất hay nhưng lại đến với tâm thế chưa sẵn sàng nên không thể thuyết phục được nhà đầu tư. Nếu “tình yêu sét đánh” xảy ra thì nhà đầu tư sẽ cho bạn cái hẹn tiếp theo dù trên thực tế là không nhiều.

Trong trường hợp không được đầu tư, bạn cũng nên giữ mối quan hệ bởi có thể trong thời điểm hiện tại công ty bạn giá trị còn nhỏ hoặc ý tưởng sản phẩm chưa rõ ràng, nhưng biết đâu thời gian sau sẽ có những chuyển biến khác. Vì thế, nếu đã tìm hiểu kỹ nhà đầu tư và thấy phù hợp với lĩnh vực họ quan tâm thì bạn nên giữ mối quan hệ, cập nhật những gì công ty đang làm, nếu có bước tiến mới cũng nên gửi thông tin để họ dễ dàng cập nhật và có thể đồng hành với chúng ta vào một ngày nào đó”.

PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.