"Đánh thức" tiềm năng du lịch sinh thái phía tây bắc - Bài cuối: Cần chiến lược dài hơi

.

Để có thể phát triển du lịch phía tây bắc thành phố, ngành du lịch cũng như chính quyền địa phương cần tạo ra động lực, cũng như sự kết nối, hình thành tour, tuyến, sản phẩm du lịch hoàn thiện. Theo đánh giá của những người làm du lịch, cần có sự tư vấn giám sát của các chuyên gia để phát triển theo đúng định hướng. Chính quyền địa phương cũng cần có những chính sách, ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hỗ trợ người dân địa phương cùng tham gia vào việc phát triển du lịch.

Ẩm thực địa phương sẽ là một trong những điểm nhấn để phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái tại tuyến tây bắc thành phố. Trong ảnh: Người dân tộc Cơ tu (huyện Hòa Vang) đang tái hiện lại những món đặc sản địa phương. Ảnh: THU HÀ
Ẩm thực địa phương sẽ là một trong những điểm nhấn để phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái tại tuyến tây bắc thành phố. Trong ảnh: Người dân tộc Cơ tu (huyện Hòa Vang) đang tái hiện lại những món đặc sản địa phương. Ảnh: THU HÀ

Phải xây dựng được sản phẩm tour hoàn thiện

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) cho rằng, xu hướng hiện nay của một số thị trường khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế thường thích những sản phẩm du lịch gắn liền với trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa địa phương… Do đó, nếu làng nghề nước mắm Nam Ô kết nối với các điểm đến khác như tại khu vực sông Cu Đê, lên Hòa Bắc rồi vòng về Túy Loan sẽ tạo thành những sản phẩm du lịch mới, độc đáo.

Du khách có thể ghé thăm làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô, lên Hải Vân Quan rồi vòng về Hòa Bắc, hoặc có thể từ Nam Ô hình thành tour chèo thuyền ven sông Cu Đê, tour đạp xe… Những sản phẩm này sẽ bổ sung thêm cho các điểm đến để tăng thêm sự phong phú, đa dạng. Ông Tùng cũng đánh giá khu vực phía tây bắc, cụ thể là Hòa Bắc đang có một số lợi thế để phát triển loại hình du lịch này, đó là vẫn giữ được tài nguyên thiên nhiên.

Tại đây đang có một số khu du lịch được hình thành theo ý tưởng của những người làm du lịch cộng đồng và các điểm đến này dần được du khách địa phương và trong nước biết tới thông qua các trang mạng xã hội. Do đó, nên tận dụng cơ hội này để hình thành những sản phẩm du lịch cụ thể như có thêm một số vườn cây ăn trái và chăn nuôi; sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông, bảng chỉ dẫn cho du khách…

Đồng quan điểm, ông Lê Thiên Tư, Giám đốc Công ty Du lịch V.E.I nhìn nhận, muốn phát triển du lịch phía tây bắc thành phố nhất định phải “lên được” đường tour và thiết kế thành các sản phẩm hoàn thiện. Có thể là tour trải nghiệm, khám phá phía tây bắc thành phố bằng các phương tiện như ô-tô, đạp xe, chèo thuyền, vòng về làng rau Túy Loan… Có thể hình thành sản phẩm tour 2 ngày 1 đêm, kết hợp sông, suối, làng xã để lên sản phẩm cho phù hợp. “Thành phố nên tổ chức những chuyến khảo sát tại khu vực này cho những cá nhân, doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch chuyên nghiệp để họ có thể thiết kế thành các tour hoàn chỉnh. Từ đó sẽ thấy được còn thiếu vắng những dịch vụ, tiện ích gì để bổ sung, kêu gọi đầu tư, hoàn thiện sản phẩm”, ông Tư gợi ý.

Ông Bùi Đức Vũ, chủ khu du lịch Yên Retreat (thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) thì cho rằng, tuyến tây bắc có rất nhiều nơi có thể hình thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn như chèo kayak trên sông Cu Đê, đạp xe… Những sản phẩm này phù hợp với các thị trường khách quốc tế châu Âu, châu Mỹ (thích những điểm đến mang tính trải nghiệm, hoang sơ…). Vì thế, các doanh nghiệp, những người làm du lịch cộng đồng nên bắt tay, kết nối với nhau để hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm.

Cần cơ chế, chính sách “mở”

Ông Lê Tấn Thanh Tùng cho rằng, khu vực phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng ở phía tây bắc thành phố khi khớp nối giao thông được hoàn thiện thì không nên xây dựng quá nhiều cơ sở lưu trú ở khu vực này, mà cần hình thành những cụm dịch vụ trải nghiệm cho du khách. Nếu xây dựng cơ sở lưu trú thì nên quy hoạch thành từng khu vực tách biệt, vì khi khách du lịch lên quá đông sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương. Đồng thời, chính quyền địa phương nên tạo cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, khuyến khích cho chính người dân trực tiếp tổ chức, quản lý.

Còn ông Nguyễn Minh Sang, Giám đốc Công ty Lữ hành Quốc tế Hải Vân Cát thì cho rằng, thành phố nên mở rộng cơ chế, thu hút các nhà đầu tư thực sự có tiềm năng, có năng lực trong lĩnh vực du lịch cộng đồng để hình thành những cụm du lịch sinh thái theo đúng nghĩa. Tức là trong khu du lịch nên có các dịch vụ, tiện ích liên quan đến hoạt động cộng đồng để phục vụ du khách như: tái hiện các mô hình làng quê thu nhỏ, làng nghề thu nhỏ, những sinh hoạt thường ngày của người dân địa phương. Trong đó, có thể tái hiện những làng nghề đặc trưng của địa phương như nghề bánh tráng Túy Loan, các bếp chế biến các món ăn để tạo ra được nét riêng của Đà Nẵng.

Ông Lê Thiên Tư nhìn nhận, loại hình du lịch trải nghiệm ở phía tây bắc còn khá mới mẻ ở Đà Nẵng nên cần sự vào cuộc của lãnh đạo thành phố, chính quyền địa phương, đặc biệt các đơn vị lữ hành, để giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho du khách. Chính quyền địa phương có thể hỗ trợ bằng cách quy hoạch các khu vực cụ thể để các đơn vị khai thác, kinh doanh loại hình du lịch này có thể tổ chức các hoạt động cộng đồng, trải nghiệm cho du khách. Các doanh nghiệp thì hỗ trợ trong việc kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới đối tác, du khách…

Bà Lê Thị Kim Chi, Giám đốc Khối thị trường trong nước, Công ty CP Việt Nam Travel Mart mong muốn, ngoài việc xây dựng phát triển sản phẩm, kết nối các doanh nghiệp thì chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác truyền thông. Nhiều mô hình du lịch cộng đồng phát triển thành công, kết nối được với du khách là nhờ đến các công tác truyền thông; vì thế cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, phải giới thiệu, đưa ra cho khách thấy chúng ta có sản phẩm gì thì khách mới biết mà tới.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Nguyễn Xuân Bình, hiện nay, huyện Hòa Vang cũng đang làm đề án để phát triển loại hình du lịch này trên quy mô rộng hơn, tạo thành sản phẩm chuyên biệt. Riêng với những sản phẩm hiện tại như homestay tại Hòa Bắc, ngành du lịch thành phố sẽ đưa sản phẩm này vào các chương trình quảng bá của thành phố để giới thiệu với đối tác, khách hàng. Về lâu dài bản thân các cơ sở cũng phải tăng cường các khâu quảng bá hình ảnh, sản phẩm của mình hơn nữa. Ngoài ra, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các sở, ngành để hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng kinh nghiệm, kỹ năng cho những người dân địa phương có nhu cầu muốn phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái... giúp tự bản thân người dân có thể làm du lịch một cách bền vững.

UBND huyện Hòa Vang đang xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030, trong đó xác định các cụm du lịch cộng đồng du lịch trọng tâm. Cụ thể gồm: cụm du lịch cộng đồng Tà Lang - Giàn Bí với trọng điểm du lịch không gian sinh thái, văn hóa người Cơ tu; cụm du lịch cộng đồng An Định - Phò Nam - Lộc Mỹ với trọng điểm du lịch nghỉ dưỡng, cắm trại, thám hiểm núi rừng, tổ chức các trò chơi sông và trải nghiệm nông nghiệp; cụm du lịch cộng đồng Túy Loan - Thạch Nham Tây - Thái Lai - Phú Túc với trọng điểm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái cộng đồng, trải nghiệm văn hóa làng nghề đậm chất miền quê Trung bộ.

Bài và ảnh: THU HÀ

 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.