Khó thu hồi nợ đọng thuế xuất nhập khẩu

.

Theo Cục Hải quan thành phố, hiện đang có 57 doanh nghiệp nợ thuế xuất nhập khẩu quá hạn với số thuế lên đến trên 77 tỷ đồng nhưng để thu hồi được số nợ thuế này không phải dễ dàng.

Việc thu hồi nợ đọng thuế đang gặp nhiều khó khăn dù ngành hải quan đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau.  Trong ảnh: kiểm tra tờ khai tại Cục Hải quan thành phố. Ảnh: MAI QUẾ
Việc thu hồi nợ đọng thuế đang gặp nhiều khó khăn dù ngành hải quan đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau. Trong ảnh: kiểm tra tờ khai tại Cục Hải quan thành phố.

 Cụ thể, theo Phòng thuế Xuất nhập khẩu, Cục Hải quan thành phố, tính đến 30-11, tổng số tiền nợ thuế xuất nhập khẩu quá hạn là hơn 77,1 tỷ đồng. Trong số 57 doanh nghiệp nợ thuế, 53 doanhh nghiệp đã bỏ trốn, mất tích, không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh; 2 doanh nghiệp giải thể và 2 doanh nghiệp bị điều tra khởi tố. Những khoản nợ này hầu hết là phát sinh trước 1-7-2013, thời điểm Luật Quản lý thuế có hiệu lực.

Từ sau 1-7-2013, theo quy định tại Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp phải nộp thuế trước khi thông quan, giải phóng hàng nên gần như không phát sinh nợ thuế đối với hàng nhập khẩu. Có hơn nửa số doanh nghiệp trong danh sách nợ thuế có số nợ trên 1 tỷ đồng, phát sinh nợ trước năm 2013. Đơn cử như trường hợp phát sinh nợ thuế của Công ty TNHH ITG Phong Phú (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) hiện còn nợ số tiền thuế hơn 6,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi cơ quan hải quan cử người tới địa chỉ sản xuất của doanh nghiệp để kiểm tra thì doanh nghiệp không còn hoạt động. Việc này gây hệ lụy khi ngành hải quan phải “ôm” khoản nợ khó đòi từ năm này qua năm khác. Một số đơn vị khác có số tiền nợ thuế nhiều như: Công ty TNHH Cơ khí Tân Kiến Thành (ở Thành phố Hồ Chí Minh) nợ gần 7,1 tỷ, Công ty TNHH MTV Quảng Khánh Phát (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) nợ hơn 2,3 tỷ…

Theo các cán bộ hải quan, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ đọng thuế như: do cơ chế chính sách cũ cho phép doanh nghiệp được gia hạn nợ thuế dẫn đến một số doanh nghiệp phát sinh các khoản nợ rồi bỏ đi khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh, khiến cơ quan chức năng không truy tìm được; hoặc doanh nghiệp tự giải thể để thành lập doanh nghiệp mới, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, cũng có một số doanh nghiệp vẫn đang hoạt động nhưng khả năng trả nợ vô cùng khó khăn, bởi tài sản của doanh nghiệp đã mang đi thế chấp, cầm cố hoặc thua lỗ trong sản xuất, kinh doanh. Để thu hồi các khoản nợ thuế, Cục Hải quan thành phố đã chỉ đạo các Chi cục Hải quan, Phòng nghiệp vụ triển khai thực hiện nhiều biện pháp đôn đốc thu hồi nợ.

Việc thu hồi nợ đọng thuế đang gặp nhiều khó khăn dù ngành hải quan đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau. Trong ảnh: Hoạt động tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Cục Hải quan thành phố.
Việc thu hồi nợ đọng thuế đang gặp nhiều khó khăn dù ngành hải quan đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau. Trong ảnh: Hoạt động tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Cục Hải quan thành phố.

Cụ thể là lập hồ sơ theo dõi nợ thuế đối với từng đối tượng nợ thuế; thường xuyên thu thập thông tin, cập nhật tình trạng hoạt động của doanh nghiệp để phân loại nợ thuế sát với tình hình thực tế và áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Luật Quản lý thuế. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, các số nợ hầu như không thay đổi nhiều mà còn có chiều hướng tăng lên. Nguyên nhân là do cơ quan hải quan không có quyền giám sát tài sản doanh nghiệp nên rất khó xử lý và thu hồi nợ đọng thuế.

Doanh nghiệp có thể mở nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau, trong khi những tài khoản mà cơ quan hải quan biết được thường không có số dư hoặc số dư quá ít so với số nợ. Chính vì vậy, việc xác minh thông tin tài khoản tiền gửi của doanh nghiệp để áp dụng biện pháp cưỡng chế trích nợ từ tài khoản thường gặp khó khăn. Riêng đối với các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích, ngừng hoạt động thì biện pháp dừng làm thủ tục hải quan, kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, thu hồi mã số thuế, đình chỉ việc sử dụng hóa đơn, thu hồi giấy phép kinh doanh, khấu trừ thuế một phần tiền lương hoặc thu nhập… áp dụng không mang lại hiệu quả.

Nợ đọng thuế của một bộ phận doanh nghiệp đang làm ảnh hưởng đến nguồn thu của thành phố. Theo Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Quách Đăng Hòa, đơn vị đang tăng cường phối hợp với cơ quan thuế (trong và ngoài địa bàn) để nắm thông tin các doanh nghiệp được hoàn thuế nội địa, từ đó có biện pháp thu hồi theo quy định. Đồng thời hằng tháng, đơn vị gửi danh sách các doanh nghiệp nợ thuế đến Cổng thông tin điện tử ngành hải quan để công khai thông tin các doanh nghiệp nợ thuế. Bên cạnh đó, đơn vị cũng rà soát các trường hợp nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không thuộc trường hợp xóa nợ để tiếp tục đôn đốc; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương để làm tốt công tác xử lý nợ thuế.

Bài và ảnh: MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.