Khởi nghiệp năm 2020: Nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực

.

Năm 2020 là năm thứ 4 xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng, cũng là năm đẩy mạnh triển khai thực hiện mục tiêu đưa Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại miền Trung-Tây Nguyên theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, thành phố sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực hơn cho các startup.

Năm 2020, thành phố sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực hơn cho các startup. Trong ảnh: Các nhà khởi nghiệp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tại Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn.
Năm 2020, thành phố sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực hơn cho các startup. Trong ảnh: Các nhà khởi nghiệp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tại Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn.

Một trong những thay đổi lớn nhất là việc hỗ trợ tài chính trực tiếp và ở giai đoạn sớm cho các startup. Ông Võ Đức Anh, Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết, các cơ chế trước đây chỉ cho phép Nhà nước hỗ trợ tài chính sau khi startup đã cho ra sản phẩm. Cách làm này có thể phù hợp với các doanh nghiệp truyền thống, song startup lại thường cần hỗ trợ ở giai đoạn sớm hơn.

Tháng 7 vừa qua, Bộ Tài chính ra Thông tư số 45/2019/TT-BTC về quản lý tài chính thực hiện đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Theo đó, sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để chủ startup trả tiền công lao động trực tiếp; trang trải kinh phí sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ... Ông Anh nói: “Với quy định mới này, các startup có thể được phê duyệt hỗ trợ tài chính ngay sau khi thuyết minh về dự án chứ chưa cần ra sản phẩm. Thậm chí nếu có bên thứ 3 muốn rót vốn thì có thể cùng đại diện startup và chính quyền ký hợp đồng 3 bên”.

Ông Anh cho biết, hiện Đà Nẵng đang phối hợp với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng xây dựng đề án “Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên”, dự kiến sẽ được phê duyệt vào năm 2020. Khi đó, Đà Nẵng sẽ được thụ hưởng những cơ chế, chính sách thí điểm nâng cao tính năng đổi mới sáng tạo.

Theo ông Anh, thành phố đang xúc tiến xây dựng khu làm việc và đào tạo khởi nghiệp trên diện tích 1.800m2 ở đường Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà), đồng thời phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để thiết kế Trung tâm Khởi nghiệp quốc gia tại Đà Nẵng lồng ghép trong khu làm việc và đào tạo khởi nghiệp. Mục tiêu trong năm 2020, thành phố sẽ hỗ trợ tối thiểu 20 startup, đồng thời hoàn thiện chính sách thúc đẩy đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. “Định hướng của thành phố là tập trung củng cố 5 yếu tố cốt lõi: tài năng, mạng lưới, văn hóa, vốn và thể chế” - ông Anh nói.

Từ tháng 12-2019, các startup ở Đà Nẵng còn có thể tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Trung tâm Dịch vụ tổng hợp (Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp). Ông Từ Thanh Thủy, Phó Giám đốc trung tâm này cho biết, trong tháng tới, trung tâm sẽ nhận bàn giao khu nhà xưởng số 1 (tổng diện tích 2.400m2, kinh phí đầu tư 10 tỷ đồng) thuộc khối nhà xưởng trung tâm ươm tạo. Khu nhà bao gồm 18 phòng làm việc, cung cấp không gian cho hoạt động nghiên cứu, phát triển, ươm tạo của các doanh nghiệp và startup.

Theo ông Thủy, Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp đã ký kết với các Trường Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), Trường Đại học Duy Tân... để phối hợp đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực; hợp tác và chia sẻ nguồn lực với các vườn ươm, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nước. Nổi bật, vào tháng 8 vừa qua, đơn vị đã ký biên bản ghi nhớ với Trung tâm ươm tạo Ai20X tại Thung lũng Silicon (Mỹ) nhằm hợp tác xây dựng, phát triển Khu Công nghệ cao thành nơi ươm tạo, thích ứng, đổi mới công nghệ và cũng là cửa ngõ chuyển giao công nghệ. Trung tâm ươm tạo này là mạng lưới của gần 200 doanh nhân, 60 hội đồng chuyên môn về các lĩnh vực khởi nghiệp, 100 chuyên gia và gần 70 nhà đầu tư trên toàn cầu, hiện tập trung hỗ trợ startup Việt Nam.

Ông Võ Văn Chi, Phó Trưởng phòng Quản lý môi trường, khoa học (Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp) cho biết, trong giai đoạn 2020-2025, Khu Công nghệ cao tập trung cho hoạt động sản xuất và thu hút các dự án công nghệ cao (với điều kiện bắt buộc là phải có hoạt động nghiên cứu sản xuất R&D). Giai đoạn 2025-2030, tập trung công tác R&D, ươm tạo và đào tạo công nghệ cao, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. “Để chuẩn bị cho giai đoạn sau thì ngay trong giai đoạn này, chúng tôi phải bắt đầu xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo “thu nhỏ” ngay trong Khu Công nghệ cao. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hợp tác với các vườn ươm khởi nghiệp để xây dựng chuỗi giá trị, hỗ trợ các startup phát triển, thương mại hóa sản phẩm”, ông Chi nói.

Bài và ảnh: PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.