Nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh từ thịt bán ở vỉa hè

.

Trong khi nhiều loại dịch bệnh vẫn đang âm ỉ, trong đó có dịch tả heo châu Phi thì ở vỉa hè, lòng đường của nhiều tuyến đường gần các chợ trên địa bàn thành phố vẫn tồn tại tình trạng người dân bày bán thịt heo, thịt bò, gà… các loại không rõ nguồn gốc cũng như chưa qua kiểm tra, kiểm duyệt của cơ quan chức năng. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, đây sẽ là nguồn lây lan các dịch bệnh nguy hiểm.

Thịt heo, bò… được bày bán ở lòng đường Hồ Nguyên Trừng ( đoạn bên hông chợ đầu mối Hòa Cường).
Thịt heo, bò… được bày bán ở lòng đường Hồ Nguyên Trừng ( đoạn bên hông chợ đầu mối Hòa Cường).

Tại tuyến đường Hồ Nguyên Trừng (đoạn bên hông chợ đầu mối Hòa Cường, quận Hải Châu), từ sáng sớm đã tấp nập người mua bán, trong đó có gần 10 gánh hàng “di động” bán thịt heo, thịt bò các loại. Mọi người tập trung ở vỉa hè hai bên đường, đến tầm trưa, khi lượng người qua lại đã vãn, nhiều người tràn xuống cả lòng đường để tiện mời chào khách.

Chỉ với một đôi quang gánh hay một chiếc bàn gỗ có diện tích khoảng 1m2 là đủ để bày bán một gian hàng thịt “di động” như thế này. Có hơn 3 năm bán thịt heo tại tuyến đường Hồ Nguyên Trừng, bà Đỗ (ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) cho biết, hằng ngày bà tiêu thụ khoảng 15kg thịt heo và 5kg thịt bò các loại. Nguồn thịt được lấy chủ yếu từ các hộ gia đình trong huyện Hòa Vang và hầu như không có dấu kiểm dịch của cơ quan chức năng.

Tương tự, tại đường Ông Ích Đường (đoạn dẫn vào chợ Cẩm Lệ) thường xuyên diễn ra tình trạng người dân bày bán các loại thịt, gia cầm mà theo quan sát của chúng tôi, sản phẩm không rõ nguồn gốc cũng như dấu hiệu nhận biết đã được kiểm dịch.

Khi được hỏi, một người bán thịt trên đường Ông Ích Đường “cam kết” thịt bảo đảm an toàn, được lấy từ lò mổ gia đình uy tín ở thôn Túy Loan (huyện Hòa Vang). “Thịt heo sạch, nhà tự nuôi, không bị dịch bệnh gì đâu. Giá bán theo thị trường, thịt mông 130.000 đồng/kg, ba chỉ giá 150.000 đồng/kg, sườn non giá 160.000 đồng/kg”, người này cho hay.

Trong khi đó, tại vỉa hè đường Nguyễn Thái Học (bên hông chợ Hàn), thường xuyên diễn ra tình trạng người buôn bán nhỏ lẻ bày bán các loại thịt heo, bò, gà… Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về việc các loại thịt đã được cơ quan chức năng kiểm duyệt và cho phép lưu hành ra thị trường hay không thì một số người buôn bán này lắc đầu.

“Mỗi ngày chúng tôi bán chưa tới 10 ký thịt, chỉ bán vào buổi sáng sớm là hết nên không biết những chuyện đó”, một người đàn ông tên Hùng, chuyên bán thịt heo trên vỉa hè đường Nguyễn Thái Học cho biết.

Ông Cao Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố cho biết, thời gian qua có tình trạng thịt các loại không qua kiểm duyệt, bày bán ngoài đường, vỉa hè các chợ và nguồn thịt này chủ yếu từ các tỉnh ngoài (Quảng Nam, Thừa Thiên Huế) nhập vào.

“Chúng tôi nhận thấy việc buôn bán như thế này sẽ dẫn đến nguy cơ lây lan, phát sinh mầm bệnh rất nguy hiểm. Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố đã kết hợp một số đơn vị, cơ quan chức năng cũng như các quận để rà soát, kiểm tra và xử lý, tuy nhiên, tình trạng này vẫn tồn tại. Chi cục khuyến cáo người dân không nên mua thịt heo, thịt bò hoặc gia cầm ở những điểm bán rong ngoài đường tránh lây nhiễm mầm bệnh”, ông Cao Xuân Thái nói.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố, hiện trên địa bàn có 8 lò mổ lớn với năng lực cung ứng ra thị trường từ 1.200 - 1.400 con heo/ngày. Riêng lò mổ Đà Sơn hiện nay có sản lượng từ 1.000 - 1.100 con heo/ngày, khoảng 50 con bò và tầm 3.000 - 4.000 con gia cầm (gà, vịt…).

Cùng với các siêu thị, nguồn đầu ra này cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ thịt các loại trên địa bàn Đà Nẵng. “Thành phố không còn tình trạng các lò mổ heo, bò lậu như trước đây. Nếu có, cũng chỉ một số lò mổ gia cầm như gà, vịt, bồ câu… nhưng số lượng cung ứng không lớn”, ông Thái cho hay.

Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm của các loại thịt bán ở vỉa hè, ông Nguyễn Tứ, Phó trưởng Ban An toàn thực phẩm thành phố khẳng định, hầu hết nguồn thịt này đều chưa qua kiểm định và không có cơ sở nào để bảo đảm về vấn đề an toàn thực phẩm để người dân có thể an tâm sử dụng. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh, trong đó có dịch tả heo châu Phi đang có nhiều diễn biến phức tạp nên nguy cơ lây nhiễm nguồn bệnh là rất lớn.

Theo ông Tứ, hiện nay, ngoài các nguồn thịt được cung ứng từ các siêu thị, trung tâm thương mại, thì thịt heo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có dấu kiểm dịch chủ yếu được bán trong các khu vực chính thống của các chợ trên địa bàn. Chính vì vậy, ông Tứ khuyến cáo người dân thận trọng và hạn chế khi mua và sử dụng thịt heo, bò, gà… các loại được bày bán ở các vỉa hè.

 Bài và ảnh: MẪU ĐƠN

;
;
.
.
.
.
.