Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

.

Năm 2019, với mục tiêu bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng và đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo công nghệ, thành phố Đà Nẵng tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ổn định.

Với việc đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong năm qua, môi trường kinh doanh, đầu tư trên địa bàn thành phố đã được cải thiện hơn rất nhiều. (Ảnh chụp tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ)                     Ảnh: KHÁNH HÒA
Với việc đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong năm qua, môi trường kinh doanh, đầu tư trên địa bàn thành phố đã được cải thiện hơn rất nhiều. (Ảnh chụp tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ) Ảnh: KHÁNH HÒA

Ngày 4-11, Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường (Khu Công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ) chính thức được trao giấy chứng nhận “Doanh nghiệp khoa học công nghệ”, trở thành 1 trong 8 doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) hiếm hoi được công nhận trên địa bàn thành phố.

Ông Hà Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường chia sẻ, để nhận được chứng nhận này, ngoài nỗ lực tự thân, đơn vị đã được thành phố hỗ trợ 650 triệu đồng theo Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND của UBND thành phố nhằm giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

Theo ông Hà Giang, việc được chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN giúp công ty tăng uy tín đáng kể khi làm việc với các đối tác, được xem như một “tài sản vô hình”, là động lực để doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển trong tương lai. “Ban đầu chúng tôi e ngại các thủ tục hành chính phức tạp, song khi tôi đến Sở KH&CN làm thủ tục thì hoàn toàn không có trở ngại nào. Sở đã hỗ trợ rất nhiệt tình, đúng hạn”, ông Hà Giang nói.

Tương tự, ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Công ty FPT Software Đà Nẵng cho biết, kể từ khi thành lập vào năm 2004, FPT Software đã nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền Đà Nẵng.

Giữa tháng 12 vừa qua, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết số 270/2019/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn Đà Nẵng. Theo đó, các doanh nghiệp phần mềm, nội dung số… sẽ được hỗ trợ cơ sở hạ tầng (50% chi phí thuê mặt bằng, 50% chi phí thuê lưu ký...); đào tạo, xây dựng quy trình sản xuất phần mềm và nội dung số; xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; nghiên cứu khoa học; lãi suất vay vốn...

Đây là tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp CNTT nói chung, FPT Software Đà Nẵng nói riêng khi 5 năm tới, đơn vị sẽ đẩy mạnh nâng cao chất lượng và doanh thu, hướng đến trở thành doanh nghiệp đẳng cấp quốc tế.

Câu chuyện của hai doanh nghiệp kể trên chỉ là số ít trong nhiều trường hợp được “hưởng lợi” từ các chương trình, chính sách hỗ trợ, định hướng phát triển kịp thời của thành phố trong thời gian qua để đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm ổn định và phát triển.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 30.726 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 208.190 tỷ đồng; trong đó, riêng giai đoạn 2018-2019 đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 9.965 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn đăng ký đạt 51.233 tỷ đồng, chiếm 32,43% về số doanh nghiệp và 24,61% về vốn đăng ký trên địa bàn thành phố.

Những kết quả bước đầu này được xem là rất khả quan ghi nhận sự nỗ lực của Thành ủy, UBND thành phố và các sở, ban, ngành trong việc triển khai các cam kết hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong 2 năm qua; đồng thời, là cơ sở để thành phố tiếp tục thực hiện điều chỉnh, bổ sung các chính sách thu hút đầu tư trong thời gian đến.​

Ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, điểm sáng trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp năm 2019 là tăng cường triển khai nhiều hoạt động, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển thị trường công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố.

Qua đó, thẩm định và cấp mới 3 giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, nâng tổng số doanh nghiệp KH&CN ở Đà Nẵng lên 8 doanh nghiệp; hỗ trợ 16 doanh nghiệp đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến nhằm tăng khả năng cạnh tranh với tổng kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực CNTT, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Ngọc Thạch cho hay, Đà Nẵng hiện có khoảng 3.800 doanh nghiệp CNTT, chiếm 14% tổng số doanh nghiệp toàn thành phố. Giải pháp hỗ trợ thiết thực nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này là cung cấp mặt bằng làm việc.

Hiện thành phố đã ban hành Quyết định số 3481/QĐ-UBND phát triển hạ tầng CNTT và truyền thông. Thành phố chỉ rõ định hướng chiến lược lâu dài với mục tiêu đến 2025, Đà Nẵng sẽ có 4 khu công viên phần mềm và khu CNTT, đóng góp vào 10% GRDP thành phố. Đến năm 2030, sẽ có 6 khu công viên phần mềm và khu CNTT, đóng góp vào 15% GRDP thành phố.

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2019, với mục tiêu bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng và đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo công nghệ, thành phố tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định, phát triển. 

Năm 2020 có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thành phố xác định việc hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc tiếp tục là nội dung quan trọng nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn.

Cụ thể, sẽ tiếp tục triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2021; chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; đề án Phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp để cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính; thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời xử lý những phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương nhìn nhận, vướng mắc lớn nhất của đại đa số doanh nghiệp hiện nay vẫn là vấn đề mặt bằng. Do đó, thành phố đang đẩy nhanh việc hình thành và đưa vào hoạt động các khu, cụm công nghiệp trong thời gian tới.

Trong năm 2020, đơn vị tập trung vào các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu tiếp cận thị trường các nước thành viên các Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); thúc đẩy nhanh chóng đưa vào hoạt động các khu, cụm công nghiệp mới...

Trong khi đó, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, đã đề xuất điều chỉnh mở rộng quy hoạch Khu công nghệ cao Đà Nẵng, triển khai các thủ tục kêu gọi đầu tư vào 3 khu công nghiệp mới (KCN Hòa Nhơn, KCN Hòa Cầm - giai đoạn 2, KCN Hòa Ninh); xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp trong Khu công nghệ cao; bộ tiêu chí bảo vệ môi trường đối với các KCN mới quy hoạch và các dự án đầu tư vào các KCN; triển khai các hoạt động nhằm chuyển đổi KCN Hòa Khánh theo mô hình KCN sinh thái.

“Đà Nẵng là một trong những địa phương có sự quan tâm rất lớn tới cộng đồng doanh nghiệp với nhiều cơ chế, chính sách được ban hành khá rõ ràng và đầy đủ lĩnh vực. Trong đó, chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực mà doanh nghiệp thường gặp phải là vốn, công nghệ, lao động, thị trường…

Tương ứng với mỗi khó khăn, Đà Nẵng đã ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp. Qua vài năm trở lại đây, thành phố đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng rút ngắn thời gian xử lý giải quyết cho doanh nghiệp; đồng thời chủ động tổ chức nhiều buổi đối thoại, giao lưu, tọa đàm nhằm lắng nghe, tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc, đề xuất của doanh nghiệp, nhờ đó, thành phố nắm bắt nhanh và có hướng xử lý kịp thời. Ngoài ra, thành phố đã có những động thái tích cực trong việc khuyến khích và phát huy vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, các hiệp hội, hội doanh nghiệp đã trở thành cầu nối giữa chính quyền, lãnh đạo thành phố với cộng đồng doanh nghiệp. Tất cả nỗ lực đó đã phát huy hiệu quả khi môi trường kinh doanh của thành phố đã tốt hơn, doanh nghiệp có thêm niềm tin và tăng trưởng kinh tế của thành phố tiếp tục có sự gia tăng đáng kể”.

Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Đà Nẵng

KHÁNH HÒA-KHANG NINH

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.