Xây dựng bộ tiêu chí 'Thành phố đáng sống'

.

Dự thảo khung bộ tiêu chí “Thành phố đáng sống” cho Đà Nẵng đến năm 2030 do Sở Văn hóa-Thể thao thành phố phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng thực hiện kỳ vọng sẽ góp phần vào mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống theo tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đà Nẵng luôn nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng “Thành phố đáng sống”. TRONG ẢNH: Hướng dẫn khách du lịch tại Trung tâm Hỗ trợ du khách Đà Nẵng.
Đà Nẵng luôn nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng “Thành phố đáng sống”. TRONG ẢNH: Hướng dẫn khách du lịch tại Trung tâm Hỗ trợ du khách Đà Nẵng.

Ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao thành phố cho biết, để phát triển một thành phố lớn, thông thường các nước xây dựng một tầm nhìn phát triển đô thị để làm cơ sở cho việc xây dựng các chiến lược, mục tiêu và cả những chỉ tiêu phát triển lâu dài, có tính phân kỳ. Hiện nay, trên thế giới có nhiều lý thuyết về phát triển đô thị với nhiều quan điểm phát triển khác nhau như: Thành phố sống tốt, Thành phố có sức chống chịu và phục hồi, Thành phố toàn cầu, Thành phố phát triển bền vững, Thành phố thông minh, Thành phố bảo đảm quyền của người dân, Thành phố môi trường... và nhiều cách đánh giá, xếp hạng khác nhau nhưng tựu trung là làm sao phục vụ con người ngày càng tốt hơn, làm sao cho chất lượng cuộc sống (quality of life) của cư dân được cải thiện. Trong quá trình xây dựng khung bộ tiêu chí “Thành phố đáng sống”, nhóm nghiên cứu đã định vị thành phố Đà Nẵng hiện nay, xác định những tiêu chí nhằm phục vụ cho các định hướng mang tính chiến lược, phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển cụ thể của thành phố đến năm 2030.

Nền tảng để lựa chọn các chỉ số còn căn cứ vào những mục tiêu của các chương trình hành động, các đề án được ban hành và đã đem lại nhiều kết quả tích cực cho thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua như: Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, chương trình “Thành phố 5 không, 3 có”, “Thành phố 4 an”... Nhóm nghiên cứu đã tiến hành 2 cuộc khảo sát với quy mô 1.200 phiếu/cuộc dành cho 2 nhóm đối tượng là người dân (bao gồm người dân địa phương và người dân nhập cư) và các nhà chuyên môn, nhà quản lý, nhà nghiên cứu. “Chúng tôi xác định rõ quan điểm và mục tiêu xây dựng bộ tiêu chí là góp phần xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành một nơi để người dân lựa chọn “an cư, lạc nghiệp”, một nơi “đáng sống” thực sự, nhằm đáp ứng nguyện vọng cải thiện chất lượng sống của người dân”, ông Hà Vỹ cho biết thêm.

Trao đổi với chúng tôi, nhà nghiên cứu văn hóa Võ Văn Hòe cho biết, trong bộ tiêu chí “Thành phố đáng sống”, ông quan tâm đến lĩnh vực chất lượng cuộc sống và phúc lợi xã hội với 21 tiêu chí; trong đó có các tiêu chí liên quan đến văn hóa như: tỷ lệ các di tích lịch sử-văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn, trùng tu; tỷ lệ chi ngân sách cho việc duy trì di sản văn hóa và thiên nhiên; số thư viện công cộng; số sân khấu, rạp chiếu phim, khu/điểm giải trí; diện tích dành cho thể dục - thể thao tính trên 1 vạn dân... Theo ông Võ Văn Hòe, thời gian qua, các ngành chức năng đã có động thái tích cực đối với công tác bảo tồn di sản cũng như đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, việc đưa các tiêu chí này vào dự thảo khung bộ tiêu chí “Thành phố đáng sống” là cơ sở để thành phố tiếp tục quan tâm, đầu tư cho lĩnh vực văn hóa trong thời gian đến.

“Thành phố đáng sống phải là nơi mà người dân có đời sống tinh thần phong phú, hưởng thụ giá trị văn hóa. Từ những giá trị tốt đẹp đó mới bồi đắp thêm tính nhân văn cho mỗi con người Đà Nẵng, tạo lập nên mối quan hệ tốt đẹp giữa những con người trong cộng đồng, giữa con người với thiên nhiên, hình thành nên thái độ, ứng xử, ý thức, trách nhiệm không chỉ ở hiện tại mà còn đối với quá khứ, đối với tương lai. Vì thế, tôi đánh giá cao việc xây dựng tiêu chí này”, ông Võ Văn Hòe chia sẻ.

Lĩnh vực chất lượng cuộc sống và phúc lợi xã hội có các tiêu chí liên quan đến văn hóa được coi là cơ sở để phát triển văn hóa Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Du khách tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Lĩnh vực chất lượng cuộc sống và phúc lợi xã hội có các tiêu chí liên quan đến văn hóa được coi là cơ sở để phát triển văn hóa Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Du khách tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Trong khi đó, theo ông Huỳnh Phước, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học-Kỹ thuật thành phố, thành phố đáng sống phải hướng đến xây dựng thành phố thông minh, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực dựa trên nền tảng khoa học công nghệ để phục vụ người dân. “Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã đề cập mục tiêu đến năm 2030 phải “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN”. Vì thế, xây dựng khung bộ tiêu chí “Thành phố đáng sống” là cơ hội để thực hiện điều đó”, ông Huỳnh Phước nói.

Ông Hà Vỹ chia sẻ thêm, dự thảo khung bộ tiêu chí “Thành phố đáng sống” cho Đà Nẵng đến năm 2030 đang ở giai đoạn tham vấn, sau đó sẽ hoàn thiện. Bộ tiêu chí “Thành phố đáng sống” của Đà Nẵng là tổng hợp toàn diện trên tất cả các khía cạnh của cuộc sống con người, từ bảo đảm chất lượng cuộc sống, sự thịnh vượng, bình đẳng; bao trùm trong tiếp cận dịch vụ và các cơ hội việc làm; sự an toàn, bền vững, khả năng chống chịu và thích ứng. Dựa trên khung tiêu chí này để làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp cụ thể, định hướng về mọi mặt cho thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn tới.

Khung bộ tiêu chí “Thành phố đáng sống” gồm 6 lĩnh vực tiêu chí về thành phố an toàn; xây dựng chính quyền và cải cách hành chính; kinh tế; chất lượng cuộc sống và phúc lợi xã hội; không gian đô thị và môi trường; hướng đến phát triển bền vững.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.