Rau về phố thị

.

Hòa Vang là huyện nông nghiệp duy nhất của thành phố Đà Nẵng, có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và kinh tế-xã hội rất thuận lợi để ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp. Từ đó, Hòa Vang lập Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị” và xác định đây là 1 trong 3 chương trình đột phá của huyện.

HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan, xã Hòa Phong đang vào vụ Tết. Ảnh: Quỳnh Trang
HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan, xã Hòa Phong đang vào vụ Tết. Ảnh: Quỳnh Trang

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, tính đến đầu năm 2020, tổng diện tích quy hoạch sản xuất rau trên toàn huyện đạt trên 63ha; trong đó gần 39ha đang được nông dân canh tác rau, củ, quả các loại tại 7 vùng sản xuất rau ở các xã Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Phú và Hòa Ninh.

Có diện tích đất sản xuất rau 8ha, xếp thứ hai sau vùng rau Phú Sơn Nam xã Hòa Khương (với 9ha), HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan xã Hòa Phong lại có đến trên 50 hộ trực tiếp sản xuất, đông nhất trong số các vùng rau toàn huyện và là một trong những địa chỉ cung cấp rau cho thành phố.

Ông Bùi Dũng, Giám đốc HTX cho biết, vùng rau thuộc 2 thôn Túy Loan Tây 1 và Túy Loan Tây 2 quanh năm mùa nào rau nấy. Vụ Tết năm nay bà con xuống giống kín hết 8ha với hơn 20 loại rau, quả gồm: rau muống, mồng tơi, xà lách, tần ô, rau mùi, rau húng, hành ngò…; bí, khổ qua, dưa leo, đậu cô ve... Rau, quả của HTX chủ yếu xuất cho 11 siêu thị như Vinmart, Siêu thị mini Dệt Hòa Thọ... Nếu thời tiết không thuận lợi, cung không đủ cầu.

Ông Lê Mạnh Dân ở thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh có 8.000m2 đất trong nhà lưới, chuyên sản xuất các loại rau xà lách, mồng tơi, dưa leo, đậu đũa, khổ qua... Theo kinh nghiệm nhà nông, các giống rau trồng trên một diện tích đất luôn phải thay đổi từ mùa này sang mùa khác để đất được điều hòa, tránh tình trạng “chai lỳ” đất.

Tại địa bàn huyện đã hình thành 16 mô hình ứng dụng CNC trên các lĩnh vực, trong đó “điểm nhấn” là 3 mô hình rau ứng dụng CNC tại thôn Trung Nghĩa (xã Hòa Ninh) và các thôn Đông Lâm, Hòa Hải (xã Hòa Phú). Từ kết quả khả quan ban đầu, huyện đã quy hoạch mở rộng quy mô sản xuất và nhân rộng các mô hình, thành lập 7 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC với tổng diện tích 190ha.

Ở thôn Trung Nghĩa, ông Dân còn có 2.000m2 đất sản xuất theo CNC; một nửa trồng xà lách trong dung dịch (thủy canh), một nửa trồng dưa lưới với giá thể là xơ dừa, trấu. Trồng xà lách thủy canh từ năm 2017 đến nay, ông có được một số kinh nghiệm. Trong khi xà lách trồng đất truyền thống dễ bị bệnh thối rễ, bị tuyến trùng tấn công làm rễ có củ và rau chết thì trồng thủy canh gần như không mắc bệnh. Xà lách trồng đất phát triển chậm, năng suất không đạt; trồng thủy canh giống đắt, dung dịch đắt, còn tốn điện chạy suốt ngày đêm.

CNC là đột phá trong sản xuất rau ở Hòa Vang. HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan, theo lời ông Dũng, vừa thử nghiệm trồng 100m2 xà lách thủy canh được 2 tháng nay. Rất có “tương lai”, ông nói. 1m2 trồng xà lách trên đất chỉ cho 2kg rau thương phẩm với giá bán 20.000 đồng/kg, trồng thủy canh đạt đến 3kg với giá rất đáng đầu tư là 30.000 đồng/kg! Sắp tới, HTX triển khai đầu tư mở rộng 1.000m2 xà lách thủy canh.

Khi người tiêu dùng chọn “sạch” hơn “rẻ”, các vùng rau Hòa Vang sẽ có tương lai hơn, nếu biết vận dụng CNC vào sản xuất.

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.