Các ngành dịch vụ, kinh doanh ứng phó với khó khăn

.

Do những ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra, gần nửa tháng nay, tình hình kinh doanh, mua bán của các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố có dấu hiệu sụt giảm. Nhiều đơn vị, hộ kinh doanh cho biết đang chủ động tìm các giải pháp để ứng phó với thời điểm khó khăn này.

Lượng khách đến chợ mặc dù giảm mạnh nhưng các tiểu thương khẳng định vẫn mở cửa kinh doanh mua bán. (Ảnh chụp tại chợ Hàn) Ảnh: KHÁNH HÒA
Lượng khách đến chợ mặc dù giảm mạnh nhưng các tiểu thương khẳng định vẫn mở cửa kinh doanh mua bán. (Ảnh chụp tại chợ Hàn) Ảnh: KHÁNH HÒA

Tại các điểm vốn thường xuyên đón lượng lớn khách du lịch và người dân đến mua sắm hằng ngày như chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại… ghi nhận cho thấy sức mua giảm xuống từ 50-80%.

Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng ban quản lý chợ Hàn - chợ du lịch nổi tiếng của thành phố, cho biết, mặc dù 90% tiểu thương vẫn mở cửa bán hàng nhưng lượng khách đến chợ từ sau Tết Nguyên đán đến nay giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại chợ Cồn, nguồn khách địa phương mua sắm thường xuyên cũng giảm 30%, khách du lịch trong nước giảm 70-80%; riêng khách quốc tế từ ngày 8-2 đến nay đến chợ nhiều hơn so với các ngày đầu năm Canh Tý nhưng giảm rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại chợ Đống Đa, lượng khách địa phương đến chợ mua sắm giảm 20-30% so với trước, không có khách du lịch đến chợ, tình hình buôn bán của hộ kinh doanh sụt giảm khoảng 30% so với trước Tết.

Theo ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng ban quản lý chợ Đầu mối Hòa Cường, sản lượng trái cây, rau hành về chợ có giảm sau Tết do nguồn hàng Trung Quốc hiện nay đã dừng hẳn. Bù lại, nguồn hàng trái cây từ các tỉnh, thành phố ở miền Tây, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và hàng rau củ từ Lâm Đồng, Gia Lai, Hải Dương về đều đặn trong ngày nên vẫn bảo đảm được nguồn cung cho thành phố. Tuy vậy, sức mua trong thời gian này trầm lắng hẳn do sau Tết Nguyên đán, người dân thường ít mua sắm.

Trước những biến động do ảnh hưởng của Covid-19, tiểu thương kinh doanh tại các chợ chủ động thích nghi bằng cách theo dõi sát thông tin về diễn biến của dịch bệnh; đồng thời cắt giảm nguồn hàng nhập về vừa đủ với sức mua để không bị thua lỗ.

“Nghề mua bán phụ thuộc nhiều vào “thiên tai địch họa” nên chúng tôi cũng phải linh hoạt, tùy theo tình hình để điều chỉnh chứ trong thời điểm khó khăn như hiện nay không thể đòi hỏi nguồn thu đạt cao như những thời điểm trước được. Tiểu thương phải ra chợ bán hàng, chịu khó siết lại chi tiêu”, bà Nguyễn Thị Thu, tiểu thương tại chợ Cồn bày tỏ.

Những ngày qua, nhiều chủ các đoàn xe vận chuyển hàng hóa cũng chịu tác động mạnh từ Covid-19. Theo đó, thay vì phải di chuyển thường xuyên như trước đây thì nay các chủ xe có thời gian “nghỉ ngơi” ở nhà nhiều hơn.

Ông Đỗ Phi Long, chủ đoàn xe Long Dũng nói: “Trước đây, trung bình một ngày có 8 xe tải trong đoàn xe hoạt động hết công suất, chở hàng cả hai chiều đi về Đà Nẵng với sản lượng hàng hóa từ 15 - 17 tấn hàng/ngày, nay giảm xuống chỉ còn 4-5 tấn hàng/ngày. Khó khăn thì tất nhiên rồi, nhưng làm ăn là công việc của cả một đời, không phải vì một thời điểm này mà chúng tôi dừng hoạt động được. Thay vì thoải mái như trước đây, thì nay chúng tôi siết chặt lại những chi phí không cần thiết như vậy cũng tạm ổn. Hy vọng tình hình sẽ tốt lên trong vài tháng tới”.

Để vượt qua thời điểm này, một số đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực đi kèm ngành du lịch chủ động hoạt động cầm chừng, hoặc cắt giảm nhân sự, dừng việc mở rộng thêm các cơ sở kinh doanh mới. Thậm chí, có nơi còn tính đến phương án tạm thời dừng hoạt động kinh doanh để giảm bớt việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế.

Là siêu thị chuyên phục vụ lượng lớn khách Hàn Quốc, một quản lý siêu thị K.Mart trên đường Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà) cho biết, lượng khách đến mua sắm từ ra Tết đến nay giảm mạnh, tuy nhiên cửa hàng vẫn duy trì hoạt động. Đồng thời, chi nhánh thứ 2 của siêu thị này cùng nằm trên tuyến đường Phạm Văn Đồng dự kiến chính thức đi vào hoạt động ngay sau Tết Nguyên đán 2020 hiện đã tạm dừng thi công.

Tình hình cũng khá căng thẳng với các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng đặc sản phục vụ du khách. Bà N.T.K.Dung, Giám đốc Công ty FM3 Dony  Đà Nẵng (quận Sơn Trà), chuyên kinh doanh mặt hàng cốm nhàu (được chế biến từ trái nhàu với công dụng chữa trị các bệnh về xương và thần kinh, được khách Hàn Quốc, Trung Quốc ưa chuộng), bày tỏ lo lắng nếu tình hình Covid-19 tiếp tục căng thẳng, đơn vị sẽ phải tính đến phương án xấu nhất là tạm dừng hoạt động. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, do lượng khách đến mua sắm tại đơn vị giảm hơn 50% nên thu nhập của đội ngũ nhân viên cũng bị sụt giảm đáng kể.

Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH Leewon (chuyên kinh doanh các mặt hàng đặc sản, quà lưu niệm) cho biết, để giảm bớt chi phí trong thời điểm khó khăn như hiện nay, đơn vị có chủ trương cho 20 nhân viên thay phiên nhau nghỉ không lương.

Ông Lê Bá Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho biết, trên địa bàn hiện có khoảng hơn 50 doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh các dịch vụ phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước; phần lớn đều duy trì hoạt động bình thường, dù tình hình được dự báo sẽ có nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, các Chi cục Thuế trên địa bàn thành phố cũng cho rằng, việc người kinh doanh hay doanh nghiệp chủ động xin tạm dừng hoạt động kinh doanh để không phải thực hiện các nghĩa vụ thuế trong thời điểm nguồn khách hàng và doanh thu sụt giảm cũng là điều dễ hiểu khi tình hình Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.