Chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm

.

Số liệu thống kê của các ngành chức năng cho biết, hiện thành phố có hơn nửa triệu con gia cầm, chủ yếu được chăn nuôi ở huyện Hòa Vang. Trước tình hình dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N1 và A/H5N6 đã xuất hiện tại một số tỉnh, thành phố ở Việt Nam, các đơn vị, địa phương tại Đà Nẵng đã triển khai những giải pháp ban đầu nhằm phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sản xuất và ngăn chặn các nguy cơ lây sang người.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiến hành tiêm vaccine chống dịch cúm gia cầm từ ngày 13-2-2020.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiến hành tiêm vaccine chống dịch cúm gia cầm từ ngày 13-2-2020. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Là địa phương có đàn chăn nuôi quy mô, ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, để chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm kịp thời và có hiệu quả, UBND huyện đã giao UBND 11 xã tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh này.

Theo đó, UBND huyện chỉ đạo kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và tuyên truyền, hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng dịch, tiêm phòng vaccine cúm gia cầm; tổ chức tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu hơn 80% tổng đàn thuộc đối tượng tiêm phòng; tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các khu vực chăn nuôi, chợ, điểm buôn bán, giết mổ gia cầm và các sản phẩm của gia cầm...

Đồng thời, nghiêm cấm việc buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống tại các vỉa hè, lề đường để hạn chế thấp nhất nguy cơ phát dịch và lây lan dịch cúm gia cầm. UBND huyện cũng giao Phòng Y tế huyện tăng cường công tác chỉ đạo giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh cúm gia cầm, phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống hiệu quả đối với các chủng virus cúm độc lực cao nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan sang người.

Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Hòa Vang cũng tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đặc biệt là tuyên truyền cho người dân khi thấy có các dấu hiệu hoặc biểu hiện bệnh cúm, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), các hộ gia đình trên địa bàn xã đang nuôi khoảng 10.000 con gà, vịt và chim cút. Trong những ngày qua, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Hòa Vang về chủ động phòng, chống bệnh dịch cúm gia cầm, xã đã tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại nhiều chuồng, trại chăn nuôi gia cầm.

Bà Phạm Thị Vinh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) gà Nhơn Phát (xã Hòa Nhơn) cho hay, hiện có 9 hộ thành viên HTX đang nuôi hơn 3.000 con gà thả vườn, đồi. HTX đã phối hợp với các đơn vị chức năng phun thuốc vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi gà của 5 hộ thành viên. Trong những ngày đến, sẽ phun thuốc khử trùng ở 4 hộ còn lại và tiến hành tiêm vaccine phòng bệnh cúm A/H5N1 cho các đàn gà.

Xã Hòa Phước có tổng đàn gia cầm lớn nhất huyện Hòa Vang, chủ yếu là chim cút với số lượng khoảng 250.000 con. Đáng chú ý, xã Hòa Phước có chợ Miếu Bông là nơi buôn bán gia cầm sống từ các tỉnh khác tập trung về đây. Vì thế, công tác phòng chống dịch cúm gia cầm được quan tâm và triển khai quyết liệt.

Ông Trần Bùi Quốc Bình, Chủ tịch UBND xã Hòa Phước cho hay: “Xã vừa phát hiện một điểm tập kết gà trái phép ở khu vực gần chợ Miếu Bông và đã lập biên bản, quyết liệt không cho tập kết gà từ các nơi về địa điểm này. Cùng với đó, xã đưa các hộ nuôi chim cút vào “tầm ngắm” phòng chống dịch cúm gia cầm và đã tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng. Toàn xã đang tập trung quyết liệt công tác phòng, chống Covid-19 và dịch cúm gia cầm”.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong năm 2019, đã tiêm phòng vaccine cúm gia cầm cho hơn 160.500 con gia cầm. Từ ngày 13-2 đến cuối tháng 2, đơn vị tiến hành tiêm vaccine phòng, chống dịch cúm gia cầm đợt 1-2020 trên các đàn gia cầm ở các quận, huyện.

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cũng đã ký ban hành công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện nghiên cứu triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 167/TTg-NN ngày 5-2-2020 về chủ động phòng, chống dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm và nguy cơ lây sang người, không để xảy ra hiện tượng dịch chồng lên dịch trong bối cảnh đang xảy ra Covid-19.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Sở Y tế, Sở Công thương rà soát, tham mưu dự thảo văn bản chỉ đạo của UBND thành phố liên quan đến công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thành lập đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống bệnh dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố và bắt đầu kiểm tra từ tuần tới.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu tháng 1-2020 đến nay, thế giới đã ghi nhận nhiều ổ dịch bệnh cúm gia cầm tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm: Ấn Độ (chủng virus A/H5N1), Trung Quốc (A/H5N1), Nigeria (A/H5N6); CH Séc, Đức, Hungary, Ba Lan, Rumania, Slovakia, Nam Phi (A/H5N8) và Đài Loan (Trung Quốc) (A/H5N2 và A/H5N5).

Tại Việt Nam, tính đến ngày 12-2, có 7 ổ dịch gia cầm do chủng virus cúm A/H5N6 ở Hà Nội, Thanh Hóa và Nghệ An làm ốm, chết 3.193 con gia cầm và tiêu hủy tổng cộng hơn 30.500 con. 

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.