Doanh nghiệp vận tải gặp khó

.

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra khiến người dân e ngại việc đi lại, vận chuyển hàng hóa nên các doanh nghiệp vận tải cũng chịu ảnh hưởng.

Hãng Taxi Tiên Sa chủ động phòng và chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) đối với phương tiện, lái xe và hành khách.  Ảnh: MAI QUẾ
Hãng Taxi Tiên Sa chủ động phòng và chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) đối với phương tiện, lái xe và hành khách. Ảnh: MAI QUẾ

Ông Nguyễn Văn Hiền, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng - Taxi Tiên Sa cho hay, thời điểm này, người dân và khách du lịch hạn chế đi lại. Theo ước tính sơ bộ, doanh thu của taxi Tiên Sa sụt giảm 30-50% so với cùng kỳ các năm trước.

Ông Hiền nói: “Công ty đã phát hàng ngàn khẩu trang y tế cho nhân viên; yêu cầu tất cả tài xế phải đeo khẩu trang y tế khi lưu thông, khử trùng phương tiện hằng ngày và rửa tay thường xuyên. Bên cạnh việc khuyến cáo khách hàng sử dụng khẩu trang y tế khi ngồi trên xe, chúng tôi cũng đang tìm kiếm nguồn hàng để bố trí mỗi xe taxi 1 bình rửa tay sát khuẩn”.

Ông Trương Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng thông tin, Hiệp hội đang động viên từng doanh nghiệp hội viên vượt qua khó khăn trong giai đoạn này. Hiệp hội cũng đề nghị lãnh đạo các doanh nghiệp thông tin đầy đủ cho các tài xế  về diễn biến dịch, những khó khăn mà ngành vận tải và dịch vụ cả nước đang đối mặt...

Theo ông Tuấn, Hiệp hội Taxi Đà Nẵng đã yêu cầu các doanh nghiệp thiết lập đường dây thông tin về dịch nCoV. Tuy nhiên, hiện chưa tài xế nào báo cáo gặp trường hợp nghi vấn liên quan đến dịch qua đường dây này.

Không chỉ các hãng taxi mà các hợp tác xã vận tải cũng đang chịu sự sụt giảm doanh thu vì dịch nCoV. Ông Trần Đoan, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ hỗ trợ ô-tô vận tải và xe du lịch Đà Nẵng cho hay, đa phần khách của đơn vị là khách du lịch ngoại tỉnh.

Ông Đoan nói: “Trước Tết, chúng tôi đã nhận được nhiều đơn đặt hàng xe chạy tour của khách từ  thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ… Tuy vậy, chỉ trong mấy ngày xảy ra dịch, các tour đều đã bị khách báo hủy hết”. Trong khi đó, lượng khách trên các xe chạy tuyến gần của Hợp tác xã cũng giảm 15-20% so với cùng kỳ các năm trước. Ông Đoan bày tỏ lo ngại: “Nếu dịch bệnh kéo dài thì cũng chưa biết tính cách nào...”.

Việc các doanh nghiệp vận tải hoạt động sa sút cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh phụ tùng xe. Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Ân Điển (quận Thanh Khê) cho biết: “Phần lớn xe khách hàng của công ty là xe vận tải chở hàng nông, lâm sản. Mọi năm, đến tháng 2 này là công ty đã hoạt động nhộn nhịp.

Vậy mà năm nay nhiều xe không hoạt động nên cũng  không có nhu cầu thay lốp, thay dầu, doanh thu giảm đến 30%”. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh phụ tùng xe, không bán được hàng cũng đồng nghĩa với việc nguồn vốn xoay vòng gặp khó. Bà Liên bày tỏ: “Đơn vị mong muốn ngân hàng nới lỏng và hạ lãi suất cho vay. Nếu dịch bệnh này kéo dài 1 - 3 tháng thì còn “chịu đựng” được, nếu kéo dài lâu hơn thì cũng chưa biết sao”.

Ông Phạm Lợi, Phó Giám đốc Công ty CP Vận tải và Quản lý Bến xe Đà Nẵng cho biết, đối với bến xe, dịch bệnh không gây ra ảnh hưởng quá lớn. Hiện mỗi ngày ở bến xe vẫn có khoảng 200 - 300 lượt xe ra, vào. Theo ông Lợi, thời điểm sau Tết Nguyên đán các năm trước vốn cũng ít khách di chuyển. Nay có dịch thì lượng khách cũng chỉ giảm khoảng 10-20%. Tuy vậy, công tác phòng dịch ở Bến xe Đà Nẵng vẫn được triển khai nghiêm ngặt.

Ông Lợi cho biết, đơn vị đã mua 2 máy đo thân nhiệt cầm tay để đội ngũ bảo vệ trực sử dụng nhằm đo thân nhiệt những hành khách, tài xế, người lao động... bị nghi sốt. Nếu xe nào có chở người nghi nhiễm bệnh sẽ phải đỗ ở bãi ngoài.

Ông Lợi nói: “Trong mùa dịch này, ngoài phòng y tế đã có sẵn, chúng tôi thiết kế thêm 1 phòng cách ly đặc biệt. Những nhân viên, hành khách có biểu hiện liên quan đến dịch nCoV sẽ được đưa vào phòng này trong khi chờ xử lý. Bên cạnh đó, mỗi ngày chúng tôi đều phát khẩu trang y tế miễn phí cho cán bộ, công nhân viên đơn vị, đồng thời đề nghị hành khách khi đến bến xe cũng phải tự bảo vệ mình và cộng đồng bằng cách đeo khẩu trang y tế”.

Còn theo Chi nhánh Vận tải đường sắt Đà Nẵng (Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn), căn cứ vào nhu cầu đi lại sau Tết Nguyên đán và hành khách đi lại giảm xuống do nguy cơ từ dịch nCoV, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn đã tạm ngưng chạy một số chuyến tàu khách.

Những hành khách đã mua vé trên những đoàn tàu ngưng chạy sẽ chuyển chỗ đến các đoàn tàu khác với loại chỗ tương ứng, công ty sẽ không thu thêm tiền chênh lệch nếu bố trí loại chỗ có giá trị hơn và trả lại tiền chênh lệch khi bố trí chỗ có giá trị thấp hơn; còn với khách có nhu cầu trả lại vé sẽ được hoàn 100% tiền vé.

KHANG NINH - MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.