Dừng thí điểm, xe công nghệ sẽ hoạt động ra sao?

.

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành quyết định với nội dung từ ngày 1-4 tới, dừng thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (taxi công nghệ). Thông tin này khiến chủ phương tiện và lái xe taxi công nghệ lo lắng cho hoạt động dịch vụ của mình.

Xe GrabCar muốn hoạt động hợp pháp phải có 3 tem quản lý.  Trong ảnh: Xe taxi công nghệ hoạt động tại khu vực Siêu thị Lotte Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Xe GrabCar muốn hoạt động hợp pháp phải có 3 tem quản lý. Trong ảnh: Xe taxi công nghệ hoạt động tại khu vực Siêu thị Lotte Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành quyết định với nội dung từ ngày 1-4 tới, dừng thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (taxi công nghệ). Thông tin này khiến chủ phương tiện và lái xe taxi công nghệ lo lắng cho hoạt động dịch vụ của mình. Tuy nhiên, để hoạt động hợp pháp chỉ cần dán 3 tem quản lý lên phương tiện theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP cũng có hiệu lực từ ngày 1-4-2020.

Dừng thí điểm vì đã có hành lang pháp lý

Theo Quyết định số 146/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành về việc dừng kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7-1-2016), kể từ ngày 1-4-2020, 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô-tô.

Cụ thể, tất cả xe kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ được xác định là taxi. Những xe này có quyền lựa chọn gắn “mào” taxi trên nóc xe; hoặc phải dán chữ “xe taxi” bằng vật liệu phản quang trên kính trước và kính sau xe. Trường hợp xe dưới 9 chỗ đang thí điểm là xe hợp đồng, kể từ ngày 1-4, nếu tiếp tục hoạt động là xe hợp đồng phải cấp lại phù hiệu và dán lên kính xe, thực hiện xong trước ngày 1-7-2020. Trường hợp có nhu cầu chuyển sang xe taxi, phải thực hiện cấp lại phù hiệu theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.

Theo Bộ GTVT, trước đây thị trường kinh doanh vận tải xuất hiện loại hình xe kết nối vận tải hành khách thông qua phần mềm ứng dụng nên Bộ GTVT đã có Quyết định số 24/QĐ-BGTVT cho phép thí điểm. Sau thời gian thí điểm đã có hành lang pháp lý mới là Nghị định số 10/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, nên việc dừng thí điểm là để thực hiện theo quy định mới tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.

Hoạt động hợp pháp phải có 3 tem quản lý

Sau thông tin này, nhiều người lo lắng cho số phận của các hãng xe công nghệ như Grab đang hoạt động tại Việt Nam. Sáng ngày 18-2, anh V.V. Hiệp (lái xe taxi công nghệ tại khu vực Lotte Mart Đà Nẵng) chia sẻ: “Tôi đang vay vốn ngân hàng mua xe để làm phương tiện mưu sinh. Nếu cấm thì tôi vỡ nợ, bởi đưa xe ra chạy dịch vụ mới có thu nhập để trả lãi vay”. Bên cạnh đó, trên mạng xã hội facebook cũng xuất hiện nhiều thông tin bày tỏ sự lo lắng về sự tồn tại của loại phương tiện taxi công nghệ khi việc thí điểm phải dừng lại từ ngày 1-4.

Tuy vậy, việc dừng thí điểm hoạt động xe taxi công nghệ của Bộ GTVT chỉ nhằm triển khai mới các quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô-tô. Theo đó, xe hợp đồng dạng này phải được dán 3 tem: phù hiệu xe hợp đồng (thường gắn ở kính trước xe), logo hợp tác xã (gắn ở cửa xe), tem GrabCar (dán ở kính lái bên trong xe). Các xe GrabCar hiện tại hoạt động hợp pháp phải có 3 tem này.

Trên thực tế, GrabCar đang hoạt động tại Việt Nam dưới dạng ô-tô chở khách dưới 9 chỗ ngồi sử dụng hợp đồng điện tử không theo tuyến cố định. Theo Nghị định số 10-2020/NĐ-CP, trường hợp ô-tô có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày 1-4-2020 nếu tiếp tục kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng thì phải thực hiện cấp lại phù hiệu và dán cố định trên ô-tô, thời gian thực hiện xong trước ngày 1-7-2021 theo quy định tại điểm b Khoản 6 Điều 36 Nghị định 10. Như vậy, hầu hết các xe GrabCar hiện nay nếu có đủ các điều kiện kinh doanh như trên thì vẫn hoạt động bình thường, chỉ phải thực hiện cấp lại phù hiệu xe hợp đồng theo quy định mới, trong khoảng thời gian từ nay đến hết 1-7-2021 và với thời gian dài như vậy thì không khó để thực hiện.

Trong các dịch vụ vận chuyển hiện nay của Grab hay một số ứng dụng gọi xe khác, chỉ có vận chuyển bằng ô-tô chịu các quy định của Nghị định 10-2020/NĐ-CP. Dịch vụ GrabBike (mô-tô chở khách) hiện hoạt động theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử do Bộ Công thương quản lý, không chịu ảnh hưởng bởi nghị định mới của Bộ GTVT.

Đại diện Hiệp hội Taxi thành phố cho biết, thực tế “chẳng có sự thay đổi nào từ hành lang pháp lý mới cho hoạt động taxi công nghệ sau thí điểm”. Nghị định số 10-2020/NĐ-CP chính là tại điểm b, khoản 1, Điều 6, cho phép taxi truyền thống và taxi công nghệ được lựa chọn gắn hộp đèn với chữ “TAXI”, hoặc dán logo phản quang thay vì quy định cứng bắt buộc gắn hộp đèn trên nóc xe.

Nhận định thêm về quy định trên, đại diện Hiệp hội Taxi cho rằng, việc sử dụng cụm từ “lưỡng tính” (chọn 1 trong 2 phương án) để nói về “quyền lựa chọn” gắn hộp đèn hoặc dán logo cho xe taxi trong Nghị định số 10/2020/NĐ-CP thì  đây là lựa chọn an toàn của Bộ GTVT bởi chủ đề này đã gây tranh cãi “nảy lửa” về thị phần, cạnh tranh thương mại… giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống trong suốt thời gian qua.

Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Sở GTVT thành phố, về Quyết định số 146/QĐ-BGTVT, lãnh đạo Sở GTVT vừa chỉ đạo và giao Phòng Quản lý vận tải nghiên cứu văn bản để xây dựng phương án, kế hoạch thực hiện quản lý Nhà nước đối với loại hình vận tải taxi công nghệ theo Nghị định 10-2020/NĐ-CP.

“Nghị định 10-2020/NĐ-CP cho phép taxi và taxi công nghệ được lựa chọn gắn hộp đèn với chữ TAXI, hoặc dán logo phản quang, thay vì quy định cứng bắt buộc gắn hộp đèn trên nóc xe. Cụ thể, tại điểm b, khoản 1, Điều 6 của Nghị định này quy định: ô-tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi (bao gồm taxi thanh toán bằng đồng hồ và taxi có sử dụng công cụ thanh toán, kết nối bằng ứng dụng điện tử) được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ “TAXI” cố định trên nóc xe, với kính thước tối thiểu là 12 x 30 cm, hoặc niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe, với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE TAXI” là 6 x 20 cm. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ “TAXI” cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI”.

Đối với xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi (sau đây gọi là phần mềm tính tiền), Nghị định quy định: Trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, hủy chuyến; Tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số”- (Trích nội dung Nghị định 10-2020/NĐ-CP).


TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.