Thủy điện Sông Bung dừng xả nước 6 ngày: Khẩn trương ứng phó nhiễm mặn, thiếu nước

.

Từ sáng 18-2, Công ty Thủy điện Sông Bung đã dừng vận hành xả nước từ hồ thủy điện Sông Bung 4 về sông Vu Gia và sẽ dừng xả nước trong 6 ngày (từ ngày 18 đến ngày 20-2 và từ ngày 26 đến ngày 28-2) theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam. Trước đó, do hồ thủy điện này giảm lưu lượng nước xả về sông Vu Gia từ ngày 13 đến ngày 17-2 đã làm cho mực nước các sông ở hạ du cạn khô và tiếp tục gây nhiễm mặn nặng ở cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ. Các đơn vị cấp nước sinh hoạt và sản xuất đang khẩn trương ứng phó.

Thủy điện Sông Bung 4 dừng vận hành xả nước về hạ du trong 6 ngày tháng 2-2020.	             Ảnh: HOÀNG HIỆP
Thủy điện Sông Bung 4 dừng vận hành xả nước về hạ du trong 6 ngày tháng 2-2020. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Đáng nói, từ ngày 13 đến ngày 17-2, do lưu lượng nước xả từ hồ thủy điện Sông Bung 4 về sông Vu Gia thấp hơn quy định tại quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn do Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23-12-2019 từ 4-9m3/s theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam làm mực nước các sông ở hạ du sông Vu Gia xuống mức rất thấp.

Cụ thể, chiều 17-2, sông Ái Nghĩa tại phía trước Trạm thủy nông Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đã cạn trơ đáy, bể hút của các máy bơm cũng cạn khô nên không thể vận hành bơm nước tưới lúa như bình thường.

Mực nước sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch cũng hạ thấp xuống mức 1,59m, thấp hơn cao trình thiết kế các trạm bơm cấp nước sinh hoạt và cấp nước sản xuất nông nghiệp đến 0,41m. Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng và Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng đã phối hợp đóng kín các cửa van của đập dâng An Trạch, làm gia tăng độ mặn cho sông Cầu Đỏ.

Việc Thủy điện Sông Bung 4 dừng xả nước trong 6 ngày và giảm lưu lượng nước xả về sông Vu Gia trong những ngày còn lại của tháng 2-2020 gây không ít lo ngại làm sông Cầu Đỏ gia tăng độ mặn và có thể gây khó khăn cho trạm bơm cấp nước sinh hoạt cũng như sản xuất nông nghiệp ở An Trạch, Bích Bắc... do sụt giảm mực nước.

Theo các đơn vị chức năng, giải pháp trước mắt để ứng phó sụt giảm mực nước sông Yên và đập dâng An Trạch là đóng kín các cửa van của đập dâng này để giữ nước, không mở 1 cửa van để đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ, nhằm bảo đảm cho các trạm bơm hoạt động được.

Ông Hồ Minh Nam, Phó Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết: “Do nước từ thượng nguồn về bị sụt giảm nên hiện nay, phải đóng kín các cửa van của đập dâng An Trạch để vận hành các trạm bơm cấp nước sinh hoạt và cấp nước sản xuất nông nghiệp nhưng làm gia tăng độ mặn tại sông Cầu Đỏ và cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ.

Nhờ có đập tạm ngăn mặn tại sông Cẩm Lệ nên độ mặn tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ chỉ mới duy trì ở mức cao nhất là khoảng 1.000mg/l  (cao gấp 3 lần so với quy chuẩn), trong khi độ mặn tại hạ lưu đập ngăn mặn có thể lên đến 10.000mg/l. Dawaco đang bơm nước từ đập dâng An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố”.

Thủy điện Sông Bung 4 dừng vận hành xả nước về hạ du trong 6 ngày tháng 2-2020.			           								  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Thủy điện Sông Bung 4 dừng vận hành xả nước về hạ du trong 6 ngày tháng 2-2020. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Ông Lê Văn Sâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng cho hay: “Trước nguy cơ tiếp tục sụt giảm mực nước tại đập dâng An Trạch, chúng tôi đã đóng kín các cửa van để giữ nước, bảo đảm chiều cao mực nước cho các trạm bơm hoạt động nhưng sẽ có hiện tượng xâm nhập mặn mạnh ở sông Cầu Đỏ.

Chúng tôi đã tiến hành đắp các đập bổi giữ nước ở các trục tiêu và một số khu vực để bảo đảm bơm nước tưới lúa, không để xảy ra thiếu nước. Một số trạm bơm của tỉnh Quảng Nam sẽ gặp khó khăn nhiều hơn do mực nước sông hạ thấp”.

Cũng theo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng, khi mực nước ở đập dâng Hà Thanh bị hạ thấp, không bảo đảm cao trình mực nước cho Trạm thủy nông Bích Bắc hoạt động thì sẽ tiến hành nối dài đường ống hút trạm bơm và đắp đập thời vụ ngăn các kênh tiêu để giữ nước, gồm đập Bi Chìm (thôn Giáng Đông, xã Hòa Châu), đập Phúc Quế (thôn Phong Nam, xã Hòa Châu), đập Rộc Diếc và đập Bầu Lát (thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu), đập Bầu Đưng (xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam)...

Khi mực nước trên sông Yên hạ quá thấp, không bảo đảm cao trình mực nước Trạm thủy nông An Trạch hoạt động sẽ thực hiện biện pháp công trình là nối dài đường ống hút của trạm bơm; đồng thời tiến hành nạo vét, khơi thông các tuyến kênh tưới, kênh tiêu, kênh dẫn và bể hút các trạm bơm điện, bơm dầu.

Cùng với đó là đắp đập bổi tại các thôn La Bông, Bắc An, Yến Nê, Cẩm Nê thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang. Ngoài ra, lắp đặt máy bơm dầu dã chiến tại thôn Lệ Sơn để tưới cho 15ha lúa của HTX Nông nghiệp 2 Hòa Tiến; lắp đặt bơm dầu dã chiến lấy nước sông Tây Tịnh tưới cho 30ha lúa của Hợp tác xã Nông nghiệp 1 Hòa Tiến...

Ông Nguyễn Thảo, Giám đốc HTX Nông nghiệp 1 Hòa Tiến cho hay: “Trước mắt, do đóng kín cửa van của đập dâng An Trạch nên vẫn còn nước cho trạm bơm hoạt động để cung cấp nước tưới cho diện tích lúa vụ đông xuân. Trong trường hợp mực nước hạ thấp, chúng tôi sẽ phối hợp với đơn vị thủy nông thực hiện các giải pháp để bảo đảm nước tưới, không để xảy ra hạn hán, thiếu nước”.

Lý giải về chỉ đạo dừng vận hành xả nước hồ thủy điện Sông Bung 4 trong 6 ngày và giảm lưu lượng nước xả về sông Vu Gia những ngày còn lại trong tháng 2-2020, ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho rằng, mực nước trong hồ thủy điện Sông Bung 4 (vào sáng 18-2 là 217,35m) còn thấp hơn mực nước quy định tại quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn từ 0,65-2,25m. Do đó, cần phải sử dụng có hiệu quả nguồn nước xả qua phát điện, phù hợp với kế hoạch sử dụng nước ở hạ lưu sông Vu Gia và đưa mực nước hồ thủy điện Sông Bung 4 lên mực nước theo quy định.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.