Chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn

.

“Lúc nào cần gọi vốn?”, “Tiếp cận nhà đầu tư như thế nào?”, “Làm sao để gọi vốn hiệu quả?”... Đó là những câu hỏi được rất nhiều startup quan tâm, bởi vấn đề tài chính để duy trì và phát triển công ty luôn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu.

Nguyễn Văn Minh Đức, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Hekate chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn đối với startup. 							              Ảnh: KHANG NINH
Nguyễn Văn Minh Đức, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Hekate chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn đối với startup. Ảnh: KHANG NINH

Công ty CP Công nghệ Hekate là một trong những doanh nghiệp khởi nghiệp “đầu đàn” của Đà Nẵng. Thành lập từ năm 2017, sản phẩm chính của công ty là phần mềm trò chuyện tự động ứng dụng trí tuệ nhân tạo (chatbot) với tên gọi Messnow. Trong 3 năm hoạt động, Hekate đã nhiều lần gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư thiên thần và các quỹ đầu tư mạo hiểm, trong đó có các quỹ Mekong Capital, Dragon Capital, Vinaseed…

Anh Nguyễn Văn Minh Đức, người sáng lập và cũng là Giám đốc Công ty Hekate chia sẻ, để gọi vốn thành công cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Ba câu hỏi mà những người sáng lập nên tự đặt ra cho mình trước khi gọi vốn là: đây đã phải thời điểm thật sự cần gọi vốn chưa, gọi bao nhiêu vốn và dùng vốn đó để làm gì?

Ba câu hỏi này là kết quả được đánh đổi bằng chính những vấp ngã của Đức trên đường khởi nghiệp. Anh kể: “Đầu năm 2018, Hekate gọi vốn thành công 500.000 USD. Số tiền này được nhóm sử dụng chủ yếu để chi trả mặt bằng, trang bị cơ sở vật chất. Sau khi tiêu hết khoản tiền đó, mình nhận ra một điều: Hekate thời điểm đó không cần văn phòng đẹp, thậm chí có khi chỉ cần đặt 5 chiếc máy tính... quanh giường là đã đủ để nhóm làm việc.

Lúc đó nhân sự cũng ít nên chi phí lương chưa nhiều, chi phí marketing sản phẩm cũng chưa cần thiết. Song, khoản chi phí “đau đầu” nhất của Hekate lúc đó là chi phí máy chủ. Với hơn 1 triệu người dùng sản phẩm, mỗi tháng mình phải trả khoảng 20-30 triệu đồng tiền thuê máy chủ. Khoản tiền này đến hẹn lại lên, không thể chậm trễ vì chỉ cần “sập” máy chủ là mình “đi tong”.

Sau khi xác định rõ chi phí cần kíp, mang tính sống còn nhất của Hekate, anh Đức quyết định gọi vốn lúc này là chưa cần thiết. Thay vào đó, anh tìm hiểu và đăng ký các chương trình hỗ trợ của Facebook, Google, Amazon…, trực tiếp hỗ trợ chi phí máy chủ cho các startup mới thành lập.

Tổng số tiền Hekate nhận được thời điểm đó là hơn 260.000 USD, toàn bộ đều được hỗ trợ không hoàn lại. “Bài học đầu tiên của mình: Khi cần tiền, đừng chỉ nghĩ đến việc gọi vốn. Có những nguồn hỗ trợ startup mà bạn có thể tham gia, nhưng không cần đánh đổi bằng cổ phần. Hãy tìm hiểu thật kỹ”, Đức chia sẻ.

Theo Minh Đức, startup nên gọi vốn khi cần đẩy nhanh tốc độ phát triển và muốn tăng thị phần thông qua sự hỗ trợ của các nhà đầu tư chiến lược. Chẳng hạn sản phẩm startup của bạn là một loại đặc sản và bạn có nhà đầu tư là một chuỗi bán lẻ lớn như 7-Eleven.

Như vậy, sản phẩm của bạn dễ có cơ hội góp mặt trong chuỗi bán lẻ của họ, tiếp cận được mạng lưới khách hàng khổng lồ của họ. Gọi vốn không chỉ là vấn đề tài chính mà còn là mối quan hệ. Trước khi làm việc với nhà đầu tư, startup nên xác định rõ mục tiêu mình nhắm đến và những con đường có thể dẫn mình đến mục tiêu đó. Bạn nên có kế hoạch tài chính trong ít nhất 12-18 tháng kể từ thời điểm giả định gọi vốn thành công, trong đó nêu rõ tháng nào cần bao nhiêu tiền, chi cho những việc gì, giai đoạn nào cần những mối quan hệ gì…

Để tìm được nhà đầu tư, Minh Đức chia sẻ hai kinh nghiệm. Điều kiện tiên quyết là không đưa người chèo ngược hướng lên con thuyền startup của mình. Đức kể: “Đã từng có nhà đầu tư tiếp cận Hekate, đề nghị rót một số tiền khổng lồ vào dự án với điều kiện người đó được quyền chỉ đạo, điều hành đội ngũ.

Cũng có nhà đầu tư khác gợi ý Hekate chuyển sang nước ngoài, bán lại startup cho các quỹ quốc tế rồi nhận thẻ định cư lâu dài, trở thành “Việt kiều”. Những điều người ta nói ra đều có cơ sở, nhưng khi mình đem lời của họ về trao đổi lại với các anh em công ty thì không ai muốn làm vậy, bởi đó không phải là mục tiêu của nhóm mình”.

Nhà đầu tư cũng giống người đồng hành nên không thể đi hướng khác hoàn toàn startup. Kinh nghiệm thứ hai của Đức là tìm hiểu “khẩu vị” của nhà đầu tư và “bán giấc mơ” của mình cho họ để cả hai cùng… mơ chung, làm chung.

“Từ lâu Hekate đã muốn được hợp tác cùng Grab bởi đây là tập đoàn công nghệ lớn của Đông Nam Á và mục tiêu của Hekate trong 3 năm tới cũng là đánh thị trường Đông Nam Á. Hiện nay, người dùng Grab đang sử dụng dịch vụ thông qua ứng dụng di động, nhưng trong vài năm nữa, có thể họ sẽ chuyển qua phương thức khác, giống như cách trước đây người dùng từng chuyển từ nền tảng trang web lên nền tảng ứng dụng vậy.

Phương thức mới có thể là voice (giọng nói), hoặc có thể là một cái gì đó khác, song chắc chắn sẽ có trí tuệ nhân tạo. Mình tiếp cận với Grab, giới thiệu rõ ràng những gì Hekate đang làm, những thành quả mà công ty đã đạt được và đưa ra tầm nhìn tương lai, về những gì hai bên có thể hợp tác”, Đức bày tỏ.

Không ngại bắt tay với “ông lớn”, một khi đã ngồi ở bàn đàm phán thì startup và nhà đầu tư đều bình đẳng, startup không nên nghĩ rằng mình yếu thế hơn. Để làm được như vậy, người sáng lập cần hiểu rõ cốt lõi của doanh nghiệp mình, đặc biệt là phải có những phương án để phòng trường hợp không gọi được vốn thì cũng… không chết.

Theo đó, khi gọi vốn, startup không cần quá chú trọng vào việc thuyết trình hay làm trình diễn PowerPoint mà chỉ cần nêu rõ các con số quan trọng như: số người dùng, lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng, các vòng đầu tư từ trước đến nay…

Bởi thực tế, nhà đầu tư không quan tâm đến ý tưởng bằng năng lực thực thi của đội ngũ. Thậm chí ngay cả khi nhà đầu tư đã quyết định xuống tiền, họ vẫn tiếp tục cần thấy sự cam kết của những người sáng lập dự án. Họ có nhiều cách để làm điều đó, như “rót tiền” dần dần, đặt ra các chỉ số đánh giá thực hiện công việc buộc mình phải đạt được để nhận khoản tiền tiếp theo…

Khi mọi việc đã đi vào nền nếp, startup vẫn cần chủ động tương tác, gửi báo cáo thường xuyên cho nhà đầu tư. Những điều này sẽ thể hiện bộ mặt của startup, qua đó sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội kết nối mới…

Đăng ký khám bệnh bằng chatbot

Cuối tháng 2, Công ty CP Công nghệ Hekate triển khai phần mềm giao tiếp tự động bằng trí tuệ nhân tạo (chatbot) Messnow cho Trung tâm Y khoa Phúc Khang (quận Sơn Trà) nhằm hỗ trợ người dùng đăng ký khám chữa bệnh, theo dõi sức khỏe, tìm hiểu thông tin y tế thông qua nền tảng tin nhắn của Zalo và Facebook.

Việc triển khai chatbot vào thời điểm này nhằm giúp đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, hạn chế việc đi lại, tiếp xúc ở nơi đông người trong bối cảnh Covid-19 vẫn còn những diễn biến khó lường. Sản phẩm chatbot của Công ty Hekate hiện đã được Đà Nẵng ứng dụng vào các lĩnh vực du lịch, dịch vụ công, thuế...         

                              PHONG LAN

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.