Linh hoạt trong kích cầu thị trường

.

Đẩy mạnh ứng dụng giao hàng tận nhà, tăng cường các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, báo giá bán sản phẩm trong ngày thông qua tin nhắn điện thoại hay tích cực chăm sóc khách hàng... là những giải pháp đang được nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ nhanh chóng triển khai để ứng phó và thích nghi với những ảnh hưởng của Covid-19.

Nhờ triển khai kịp thời nhiều giải pháp đồng bộ, thị trường bán lẻ của thành phố trong thời gian qua vẫn giữ được mức tăng trưởng. (Ảnh chụp tại chợ Hàn).  						                   Ảnh: HOÀNG LINH
Nhờ triển khai kịp thời nhiều giải pháp đồng bộ, thị trường bán lẻ của thành phố trong thời gian qua vẫn giữ được mức tăng trưởng. (Ảnh chụp tại chợ Hàn). Ảnh: HOÀNG LINH

Gần một tuần nay, điện thoại của chị Trần Thị Huyền (trú quận Hải Châu) thường xuyên nhận được tin nhắn báo giá bán hàng hóa trong ngày từ siêu thị Mega Market, động thái này trước đó chị chưa từng được nhận.

Tương tự, gia đình chị Đỗ Thị Nguyên Hồng (trú quận Sơn Trà) cũng liên tục nhận được những tờ rơi quảng cáo các chương trình khuyến mãi và giao đồ ăn tận nhà từ hệ thống cửa hàng đồ ăn nhanh Jollibee (Đà Nẵng). Cùng với đó, nhân viên chăm sóc khách hàng của hệ thống cũng thường xuyên điện thoại thăm dò đánh giá chất lượng phục vụ từ khách hàng.

Chị Nguyên Hồng cho biết, chị là khách hàng thường xuyên của chuỗi cửa hàng Jollibee, từ sau khi Covid-19 xảy ra, hệ thống này thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, triển khai nhiều dịch vụ để thu hút khách.

Trước tình hình sức mua sụt giảm hẳn do lượng khách du lịch đến thành phố không còn nhiều như trước, bên cạnh đó là tâm lý của người dân lo ngại đi đến những nơi thường xuyên tập trung đông người, một số siêu thị, trung tâm thương mại như: Co.opmart, Big C, LotteMart... đã kịp thời ứng dụng các giải pháp bán hàng online, giao hàng tận nhà, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần kích cầu thị trường.

Bà Vũ Hương Giang, đại diện truyền thông của Big C Đà Nẵng thông tin, gần 1 tuần nay đơn vị triển khai chương trình “Gọi đặt hàng, giao hàng ngay” với mức phí bằng 0 đối với các đơn hàng từ 200.000 đồng trở lên trong bán kính 10km.

Đi kèm đó là chương trình khuyến mãi lên đến 50% đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày như: các loại rau, củ, trái cây, áo quần thời trang... Hiện tại, lượng hàng hóa là lương thực, thực phẩm, rau, củ quả tại Big C Đà Nẵng đủ cung ứng cho thị trường trong vòng 3-5 tháng.

Theo đánh giá của Sở Công thương, trước ảnh hưởng của Covid-19, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, sức mua tại hầu hết các chợ lớn trên địa bàn thành phố như chợ Hàn, chợ Cồn, Đống Đa... đều có sự giảm sút.

Riêng các chợ thường xuyên đón khách du lịch đến tham quan và mua sắm ghi nhận lượng khách quốc tế giảm 70-80%, khách địa phương giảm 30% so với cùng kỳ. Đối với các trung tâm thương mại, siêu thị, lượng hàng hóa bán ra trong ngày có khi giảm đến 50% so với bình quân các ngày trong năm 2019.

Ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng ban quản lý chợ đầu mối Hòa Cường cho hay, hiện nay sản lượng trái cây, rau hành la ghim nhập về chợ trung bình từ 170-190 tấn/ngày, giảm từ 40-45% so với thời điểm chưa ảnh hưởng của Covid-19 và Nghị định số 100/NĐ-CP; trong đó trái cây nhập về 80-90 tấn/ngày, giảm 45%; rau, hành, la ghim khoảng 80-90 tấn/ngày, giảm 40%.

Đặc biệt, nguồn hàng rau, củ, quả từ thị trường Trung Quốc hầu như không còn về chợ; thay vào đó, nguồn hàng trái cây được nhập từ các tỉnh miền Tây, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội; hàng rau, củ của Lâm Đồng, Gia Lai về nhập chợ phong phú nên bảo đảm được nguồn cung cho thị trường với mức giá cơ bản ổn định. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, sức mua tại chợ giảm sút nhiều.

Theo đánh giá từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Đà Nẵng, với quy mô nền kinh tế năm 2019 ước đạt 109.000 tỷ đồng, ngành thương mại - dịch vụ chiếm đến 64,35% cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn.

Dịch vụ du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mũi nhọn góp phần rất lớn vào sự phát triển của thành phố trong những năm qua. Dưới tác động kép của Nghị định số 100/NĐ-CP cũng như Covid-19, hoạt động thương mại - dịch vụ là ngành chịu tác động mạnh nhất.

Tuy nhiên, nhờ triển khai tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, sự chủ động ứng phó từ các nhà cung cấp sỉ, lẻ trên địa bàn, đến nay, thị trường hàng hóa tiêu dùng tại thành phố Đà Nẵng vẫn giữ được sự ổn định, bảo đảm cung cấp, đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa lũy kế 2 tháng đầu năm 2020 ước đạt 10.200 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ 2019; dự kiến quý 1-2020 tăng 8-10% so với cùng kỳ.  

Để tiếp tục giữ vững thị trường, bên cạnh các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mang tính hệ thống, đồng bộ từ Trung ương, Sở Công thương thành phố cũng đề xuất thực hiện một số giải pháp trước mắt như: tiếp tục nêu cao cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị...; đẩy mạnh thực hiện kết nối cung - cầu, duy trì và nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động kết nối giao thương cho doanh nghiệp; vận động doanh nghiệp, người dân tích cực tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh việc ứng dụng và đa dạng hóa các phương thức kinh doanh thương mại điện tử, mua bán trực tuyến; tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ...

HOÀNG LINH

 
;
;
.
.
.
.
.