Loạt bài "Khơi thông sông Cổ Cò, kết nối vùng đô thị xứ Quảng"

Đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm giải ngân vốn đầu tư

.

Trong 3 ngày 18, 19 và 20-3, Báo Đà Nẵng đăng tải tuyến bài “Khơi thông sông Cổ Cò, kết nối vùng đô thị xứ Quảng” và nhận được sự phản hồi tích cực từ cơ quan quản lý Nhà nước và bạn đọc, trong đó nhấn mạnh dự án nạo vét sông Cổ Cò qua địa bàn thành phố Đà Nẵng cần sớm được triển khai hoàn thành; đồng thời tăng cường công tác quản lý đô thị, quản lý quy hoạch, thiết kế kiến trúc cảnh quan.

Sông Cổ Cò hiện trạng được thực hiện nạo vét khai thác cát làm vật liệu san lấp các dự án phát triển đô thị ở khu vực.Ảnh: TRIỆU TÙNG
Sông Cổ Cò hiện trạng được thực hiện nạo vét khai thác cát làm vật liệu san lấp các dự án phát triển đô thị ở khu vực.Ảnh: TRIỆU TÙNG

* Ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng: Nếu dự án chậm triển khai, nguồn vốn đầu tư sẽ bị thu hồi trong năm 2020.

Với sự quan tâm đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ tạm ứng, phân bổ vốn đầu tư trung hạn cho thành phố. Cụ thể, ngày 20-12-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Quyết định số 2012/QĐ-BKHĐT về việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 và năm 2019, trong đó có tiểu dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò (đoạn qua địa phận thành phố Đà Nẵng); và tiểu dự án bảo vệ, nâng cao khả năng chứa tàu thuyền tránh trú bão của âu thuyền Thọ Quang và khả năng thoát nước lũ, giảm ngập úng qua hệ thống thoát nước và hồ điều hòa của thành phố Đà Nẵng.

Trên cơ sở Quyết định số 1802/QĐ-TTg ngày 13-12-2019 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 245,7 tỷ đồng và năm 2019 là 60 tỷ đồng; số còn lại là 185,7 tỷ đồng được giao trong kế hoạch vốn năm 2020 theo quy định hiện hành.

Thực tế, dự án tốn nhiều thời gian thực hiện và hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định để bảo đảm điều kiện được bố trí nguồn vốn triển khai do trước đây dự án được xây dựng với quy mô nhỏ là đê kè Mân Quang (đoạn nối tiếp đê kè Bạch Đằng Đông - đường Trần Hưng Đạo nối dài); bảo vệ, nâng cao khả năng chứa tàu thuyền tránh bão của âu thuyền Thọ Quang và khả năng thoát nước lũ, giảm ngập úng qua hệ thống thoát nước và hồ điều hòa của thành phố Đà Nẵng.

Với đề xuất của thành phố mở rộng quy mô đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ đã đồng ý cho tiểu dự án nạo, vét thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò (đoạn qua địa phận thành phố Đà Nẵng) bổ sung để thay thế cho tiểu dự án đê kè Mân Quang (đoạn nối tiếp đê kè Bạch Đằng Đông). Dự án nạo vét thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò vừa được bổ sung vào Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh do Thủ tướng phê duyệt.

Trên cơ sở chỉ đạo của các cấp, ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động, phối hợp các đơn vị có liên quan của Trung ương và địa phương để hoàn thành thủ tục đầu tư dự án theo quy định. Theo đó, dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thống nhất điều chỉnh tên dự án, HĐND thành phố đã quyết định chủ trương đầu tư dự án theo Nghị quyết số 226/NQ-HĐND ngày 17-5-2019 và UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt dự án đầu tư theo Quyết định số 5020/QĐ-UBND ngày 31-10-2019 và đã được bố trí vốn triển khai thực hiện.

Đến thời điểm hiện nay, dự án đã bảo đảm các điều kiện triển khai thi công, do đó, dự án cần sớm đẩy nhanh tiến độ thi công để giải ngân vốn đầu tư ngay trong năm 2020, vì nếu chậm hoàn thành nguồn vốn Trung ương đầu tư sẽ bị thu hồi.

* Ông Trần Ngọc Thái, Giám đốc Khối Đầu tư và Phát triển quỹ đất Tổng Công ty Đất Xanh miền Trung: Thực hiện đúng quy hoạch và tăng giá trị kiến trúc công trình.

Sông Cổ Cò nối liền Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam) được đánh giá có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội hai địa phương. Được biết trong Quy hoạch chung đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc quy mô 2.700ha (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1999, sông Cổ Cò được định vị là khu vực ranh giới phía đông; đồng thời đây là điểm nhấn để góp phần tạo nên cảnh quan môi trường sinh thái cho đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc khi dòng sông này được nạo vét khơi thông.

Quy hoạch cũng nêu rõ: “Khai thông hệ thống sông Cổ Cò từ Cửa Đại (Hội An) đến Non Nước và sông Hàn (Đà Nẵng) làm trục không gian chủ đạo của đô thị, tạo mặt nước và hành lang cây xanh, vùng cảnh quan và nghỉ ngơi cho đô thị”.

Là nhà phát triển dự án bất động sản, chúng tôi nhận thấy có tình trạng quy hoạch chưa đồng bộ đối với các dự án dọc tuyến sông Cổ Cò. Đối với sông Cổ Cò, cần xây dựng một quy hoạch tổng thể chung đồng bộ và thống nhất về cảnh quan dọc ven sông Cổ Cò kéo dài từ Đà Nẵng vào đến Hội An, dựa trên lợi ích chung của cộng đồng, hướng tới sự phát triển bền vững cho tương lai.

Tuy nhiên, cũng phải chú trọng lợi ích hài hòa cho nhà đầu tư (đã đầu tư các dự án bất động sản), để nhà đầu tư cùng tham gia đóng góp vào thực hiện quy hoạch. Đồng bộ quy hoạch là phải tạo nên vệt không gian hai bên sông là các khu nghỉ dưỡng, khu giải trí, các khu công viên cây xanh… để tạo thành một trục cảnh quan mới phục vụ du lịch theo đường sông Cổ Cò.

TRIỆU TÙNG ghi

;
;
.
.
.
.
.