Dấu ấn những công trình

.

Những năm qua, việc thực hiện tốt đầu tư kết cấu hạ tầng đã tạo nên động lực quan trọng để Đà Nẵng phát triển nhanh và toàn diện. Dấu ấn của ngành xây dựng thành phố qua đó cũng được thể hiện rõ nét. 

Hạ tầng phát triển đã góp phần thay đổi diện mạo của thành phố theo hướng hiện đại, văn minh. Ảnh: TRIỆU VĂN TÙNG
Hạ tầng phát triển đã góp phần thay đổi diện mạo của thành phố theo hướng hiện đại, văn minh. Ảnh: TRIỆU VĂN TÙNG

Chủ tịch Hội Xây dựng thành phố Lê Tùng Lâm chia sẻ, đô thị Đà Nẵng đã và đang khẳng định là đô thị lớn ở khu vực miền Trung và Tây nguyên. Đà Nẵng cũng liên tiếp được vinh danh “thành phố phong cảnh”, “thành phố môi trường” ở khu vực châu Á và quốc tế.

Xuyên suốt quá trình phát triển, Đà Nẵng chọn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông làm bước đột phá. Đây cũng là niềm tự hào của ngành xây dựng Đà Nẵng, của đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân kỹ thuật đang công tác, hoạt động ở các lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, kế hoạch - đầu tư… Những công trình hạ tầng đô thị gắn liền với “giá trị mềm” dựng xây “thương hiệu” cho thành phố.

Với sự phát triển này, ngành xây dựng Đà Nẵng đặt từng dấu ấn công trình rõ nét, tạo nên diện mạo mới cho thành phố. Đó là hàng loạt tuyến đường trục chính với quy mô mặt cắt ngang lớn xuyên tâm thành phố theo hướng bắc - nam, đông - tây, ven sông, ven biển, tuyến vành đai. Đó là hàng loạt cây cầu bắc qua các con sông: cầu Sông Hàn, Cẩm Lệ, Túy Loan, Sông Yên,… nối nhịp đôi bờ.

Các dự án, công trình giao thông quy mô lớn liên tục hình thành với các trục đường Hàm Nghi - Nguyễn Văn Linh; Lê Duẩn; Cách Mạng Tháng Tám - 2 Tháng 9; Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa; Phạm Văn Đồng; Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn - Trần Đại Nghĩa; 3 Tháng 2; 30 Tháng 4; Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Hữu Thọ; Điện Biên Phủ - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng; Hoàng Văn Thái; Trường Chinh; Võ Chí Công, Nam Kỳ Khởi nghĩa, đường vành đai phía nam...

Các tuyến đường trên đều được xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng đô thị, trong đó các hạng mục đường dây, đường ống cấp nước, cấp điện, thông tin đều theo định hướng ngầm hóa. Riêng tuyến đường Võ Văn Kiệt đã xây dựng hệ thống hào kỹ thuật hoàn chỉnh, hiện đại để bố trí công trình ngầm với chiều dài gần 10km.

Trên tuyến quốc lộ 1A, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên triển khai thi công công trình hầm đường bộ. Đó là hầm đường bộ Hải Vân - 1 trong 30 đường hầm lớn, hiện đại nhất thế giới và là hầm đường bộ lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với nhiều hạng mục công trình có yêu cầu kỹ thuật cao trên thế giới được áp dụng lần đầu ở Việt Nam như: công nghệ xây dựng đường hầm theo công nghệ NATM, công nghệ GIS trong trạm biến thế điện cao áp, hệ thống kiểm soát và điều khiển giao thông trong hầm.

Người thợ xây dựng Việt Nam tại Đà Nẵng đã tiếp nhận công nghệ mới của thế giới, trực tiếp là Nhật Bản, từ hầm đường bộ Hải Vân để học hỏi, tự lực làm nên hàng loạt các công trình hầm đường bộ trong nước khác như Đèo Cả, Phước Tượng, Phú Gia… và nay là hầm đường bộ Hải Vân 2 đang được thi công hoàn thiện.

Những cây cầu lớn, nhỏ bắc qua sông ở Đà Nẵng đều có những đặc trưng riêng không giống nhau và khi hoàn thành đều tạo một điểm nhấn quan trọng cho đô thị, không chỉ về mặt kiến trúc mà còn là thành quả lao động hiệu quả, sáng tạo, tiếp thu và ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học kỹ thuật và đột phá trong hoạt động quản lý, tư vấn thiết kế, giám sát thi công, quản lý vận hành...; là bước trưởng thành của ngành giao thông vận tải Đà Nẵng.

Các cây cầu ở Đà Nẵng hiện nay đều có kết cầu hiện đại với cầu dây văng, dây võng, cầu quay, đến cầu bê-tông cốt thép đúc hẫng... Cầu Sông Hàn đến nay đã qua 20 năm vận hành khai thác, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng.

Đây là cầu quay và là một trong cây cầu nhịp lớn kết cấu dây văng đầu tiên do đội ngũ cầu đường Việt Nam thiết kế và người thợ Đà Nẵng trực tiếp thực hiện. Cầu Cẩm Lệ được thi công theo công nghệ đúc hẫng tiên tiến trên thế giới, nhưng chưa phổ biến nhiều ở Việt Nam vào thời điểm năm 2001.

Đây là công trình cầu áp dụng công nghệ mới làm tiền đề cho việc chủ động triển khai áp dụng một loạt các cầu theo công nghệ đúc hẫng cân bằng trên địa bàn thành phố như: cầu Mân Quang, cầu Đỏ, Hòa Xuân, Nguyễn Tri Phương, Khuê Đông... Cầu Thuận Phước là một trong những cây cầu dây võng dài ở Việt Nam (với chiều dài hơn 1.800m) áp dụng nhiều giải pháp thiết kế tiên tiến và công nghệ thi công mới mẻ ở Việt Nam.

Tiếp sau cầu Thuận Phước, thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý. Đây là 2 công trình có hình dáng kiến trúc độc đáo trên thế giới qua thi tuyển đồ án thiết kế quốc tế. Đây là cầu vòm đơn (đường xe chạy ở 2 bên vòm) duy nhất và cũng là dài nhất ở khu vực Đông Nam Á với chiều dài phần cầu vòm 456m, trong đó vòm được cấu tạo từ 5 ống thép đường kính 1,2m.

Công trình này đã được Hiệp hội Cầu đường thế giới công nhận là công trình có thiết kế độc đáo, mới lạ. Không những thế, thành phố còn tự hào với công trình Trung tâm Hành chính thành phố, Cung Thể thao Tiên Sơn... ghi những dấu ấn đặc biệt của đội ngũ ngành xây dựng với việc chinh phục các công nghệ mới trong thi công xây lắp với đúc trụ nghiêng, lắp ghép panel kính định hình…

Ông Lê Tùng Lâm cũng cho rằng, hơn 23 năm lao động, đam mê sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người Đà Nẵng, từ vị trí lãnh đạo cao nhất đến công nhân bình thường đã đưa những công nghệ, khoa học kỹ thuật mới được áp dụng linh hoạt vào dự án, công trình thực tế thành phố, tạo nên một đô thị có bản sắc để làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở hiện tại và tương lai.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.