GÓP Ý DỰ THẢO ĐỒ ÁN QUY HOẠCH CHUNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Mô hình và cấu trúc phát triển không gian phù hợp với sự phát triển kinh tế thành phố

.

Sau khi đăng tải các bài viết và ý kiến góp ý về dự thảo (lần cuối) đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Báo Đà Nẵng tiếp tục nhận được ý kiến của KTS Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng về đồ án này.

Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị thành phố đề xuất đồ án Quy hoạch chung phải tổ chức quảng trường thương mại, tài chính gắn với các công trình kiến trúc biểu tượng và truyền thống của thành phố.  Ảnh: TRIỆU TÙNG
Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị thành phố đề xuất đồ án Quy hoạch chung phải tổ chức quảng trường thương mại, tài chính gắn với các công trình kiến trúc biểu tượng và truyền thống của thành phố. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Qua nghiên cứu đồ án, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị thành phố cơ bản đồng ý với đề xuất tính chất, chức năng đô thị, tầm nhìn và mục tiêu của đồ án. Tuy nhiên, phần mục tiêu cần đưa du lịch thành một nội dung riêng vì thành phố là một trong những trung tâm du lịch quan trọng của vùng và để từ đó làm nổi bật du lịch là một lợi thế rất mạnh và quan trọng trong phát triển kinh tế của thành phố.

Mô hình và cấu trúc phát triển không gian của thành phố do tư vấn đề xuất là phù hợp với phát triển kinh tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên, địa lý và sự phát triển năng động của thành phố. 

Việc tổ chức thành 12 phân khu cho thành phố là đề xuất có cơ sở, trong đó vùng sinh thái được tổ chức thành 2 phân khu; 3 vùng đô thị đặc trưng được tổ chức theo “mô hình đô thị nhỏ”, phân chia thành 10 phân khu là phù hợp với phân khu chức năng đô thị, tạo điều kiện để khai thác tốt và hợp lý tài nguyên và phát huy từng thế mạnh của đô thị. Về thiết kế đô thị, tư vấn đã nêu bật được tổ chức không gian từ cửa ngõ đô thị, các trục không gian chính, các trục cảnh quan cũng như khu trung tâm thành phố, quảng trường và các điểm nhấn đô thị.

Về định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị thành phố đồng ý với yêu cầu phát triển sân bay Đà Nẵng. Đã có nhiều dự án so sánh về địa điểm, đến nay vẫn xác định sân bay Đà Nẵng là địa điểm duy nhất để phát triển đến giữa thế kỷ này (cần nghiên cứu sâu hơn về ý tưởng đô thị sân bay) trong tổng thể không gian của toàn thành phố.

Cảng Tiên Sa với đề xuất cải tạo, chỉnh trang và đầu tư cho tương lai là cảng du thuyền là phù hợp, bởi Đà Nẵng phải là trung tâm đô thị du lịch. Du thuyền là sản phẩm quan trọng trong du lịch biển của vịnh Đà Nẵng.

Cảng Tiên Sa còn là cảng hành khách chính của vùng và thành phố. Cảng Liên Chiểu được tư vấn đề xuất là cảng chính của vùng và thành phố, liên quan đến hành lang đông tây là phù hợp. Quy mô và tính chất cảng Liên Chiểu được tính toán phù hợp với yêu cầu phát triển và coi cảng Liên Chiểu là một khu chức năng rất quan trọng của Đà Nẵng, do ở vị trí thuận lợi trong việc kết nối đường bộ, đường cao tốc và đường sắt quốc gia.

Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị thành phố đề xuất một số nội dung nghiên cứu bổ sung như về quy mô dân số, đất đai đô thị theo đồ án, dự báo dân số đến năm 2030 khoảng 1,79 triệu người và dự báo quy mô đất xây dựng đến năm 2030 khoảng 32,227ha.

Tuy nhiên, đối với một đồ án quy hoạch đô thị lớn và quan trọng của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhưng về phần quy mô dân số mới chỉ dừng ở năm 2030 mà không có dự báo dân số và đất đai đến năm 2045 là chưa phù hợp.

Như vậy, tư vấn sẽ chuẩn bị đất đai cho 15 năm tới (sau năm 2030) sẽ như thế nào? Đối với việc nghiên cứu chỉ tiêu hạ tầng để phù hợp với chức năng và tính chất của đô thị thì đất cây xanh đô thị phải cao hơn 9,6m2/người; nên đưa ra chỉ tiêu là 12-14m2/người; tỷ lệ đất giao thông đô thị 9% là không phù hợp với thành phố trong tương lai với bộ khung giao thông hiện đại.

Riêng về phân khu cảng biển Liên Chiểu, do tính chất quan trọng của phân khu này, khả năng cảng Liên Chiểu sẽ phát triển nhanh và trở thành một cảng trọng yếu của vùng và quốc gia nên diện tích phải lớn hơn 1.070ha và dân số dự kiến cần phải phù hợp với khu cảng lớn này, không thể dự kiến chỉ có 12.000 người.

Đối với cảng Liên Chiểu, phải khẳng định là một chức năng quan trọng của thành phố, trở thành một thế mạnh về kinh tế biển, góp phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và tăng sự hấp dẫn về giao thông và thương mại của thành phố.

Hiện thành phố còn thiếu các quảng trường bởi theo mô hình “đô thị nhỏ” thì cần phải tổ chức quảng trường thương mại, tài chính ở khu vực đường Hùng Vương (trung tâm hiện hữu) với không gian truyền thống gắn bó với chợ Hàn Đà Nẵng và các công trình kiến trúc biểu tượng và truyền thống của thành phố.

Mặc dù tư vấn đã đưa ra nhiều ý tưởng về tổ chức các hạng mục công trình thể thao, văn hóa, lịch sử, tuy nhiên cần phải nghiên cứu sâu hơn về tính chất của đô thị trung tâm miền Trung - Tây Nguyên. Cần làm rõ hơn các chức năng của trung tâm vùng với nhiều công trình có ý nghĩa là điểm nhấn đô thị và phải có quy mô phù hợp.

Tư vấn đồ án cần làm rõ quy mô của tổ hợp giáo dục và đào tạo miền Trung - Tây Nguyên; các công trình thể thao cấp vùng (công trình có quy mô tổ chức ASIAD và quốc gia). Về hệ thống bảo tàng, ngoài Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm cần có nhiều loại bảo tàng khác như: bảo tàng mỹ thuật đương đại, bảo tàng cổ vật, bảo tàng làng nghề truyền thống… để phục vụ yêu cầu phát triển văn hóa và khách du lịch; cần phát triển thêm trung tâm hội chợ triển lãm tầm quốc tế, các trung tâm vui chơi, giải trí lớn (công viên Đại dương, Khu du lịch tâm linh Ngũ Hành Sơn) các công viên chuyên đề… 

Quy hoạch bán đảo Sơn Trà cần phải được nghiên cứu sâu hơn, bởi đây là khu vực bảo tồn đa dạng sinh học nên cần phải có sự khai thác phù hợp với phát triển du lịch. Tư vấn có thể tạo dựng một phần sườn đồi phía nam ở mức độ cho phép để xây dựng các công trình phục vụ du lịch - dịch vụ, làm tăng thêm giá trị sử dụng đất cũng như khai thác vẻ đẹp về cảnh quan của một đô thị phát triển, đặc biệt là vẻ đẹp về ban đêm nhìn từ Sơn Trà về thành phố và từ thành phố nhìn ra Sơn Trà.

TRIỆU TÙNG ghi

;
;
.
.
.
.
.