Thị trường tiêu dùng khởi sắc

.

Ghi nhận vào những ngày qua, khi các trường học bắt đầu cho học sinh, sinh viên trở lại học tập thì hoạt động thương mại, kinh doanh trên địa bàn thành phố trở nên sôi động hơn. Các cửa hàng, quán ăn, chợ, siêu thị… đông khách và sức tiêu thụ tăng hơn trước.

Hoạt động mua bán tại chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) đã sôi động trở lại trong những ngày qua. Ảnh: KHÁNH HÒA
Hoạt động mua bán tại chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) đã sôi động trở lại trong những ngày qua. Ảnh: KHÁNH HÒA

Ở khu vực quận Liên Chiểu, hầu hết các hàng quán đã mở cửa kinh doanh với lượng người đến mua sắm có xu hướng tăng lên đáng kể so với một tuần trước đó. Tại chợ Hòa Khánh, sức mua đã tăng khoảng hơn 50% so với thời điểm thực hiện cách ly xã hội.

Bà Nguyễn Thị Hương, tiểu thương kinh doanh tại đây cho biết: “Mấy hôm nay, khi sinh viên bắt đầu nhập học trở lại, người kinh doanh hàng quán bán cơm bình dân, cơm văn phòng, đồ ăn vặt… đã bắt đầu ra chợ và mua hàng nhiều hơn. Theo đó, lượng hàng tiêu thụ tại quầy ước đạt 70% so với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh”.

Việc sinh viên các trường đại học, cao đẳng trở lại trường cũng như lượng công nhân, nhân viên đến nhà máy, cơ sở kinh doanh đông hơn kéo theo các hoạt động dịch vụ phục vụ ăn uống, đồ dùng học tập, ngành hàng thời trang, phòng trọ… sôi động, góp phần kích cầu mua sắm tại các chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố.

Bà Phan Thị Vinh, chủ quán cơm bình dân ở số 34/2 Ngô Sĩ Liên (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) bày tỏ sự phấn khởi khi quán bắt đầu mở cửa bán lại, sau gần 3 tháng dừng hoạt động vì ảnh hưởng của Covid-19.

Theo bà Vinh, hằng ngày, quán phục vụ tầm 50-60 suất ăn cho sinh viên Trường Đại học Bách khoa, nguồn thu nhập chính của gia đình nằm ở đây nên việc ngừng hoạt động trong suốt thời gian dài khiến kinh tế của gia đình giảm sút hẳn, vì vậy bà chỉ mong dịch bệnh được đẩy lùi để quay trở lại với cuộc mưu sinh.

Tương tự, nhiều hàng quán, nhất là các quán ăn trên đường Hồ Nghinh, Hà Kỳ Ngộ, Phạm Văn Đồng… (quận Sơn Trà) đã mở cửa trở lại với lượng khách đến đông dần, nhất là trong đợt nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua đã có khách du lịch.

Anh Đặng Văn Xữ (chủ quán A Xữ, đường Hà Kỳ Ngộ) chia sẻ: “Quán tôi dừng bán trong thời gian cách ly, chỉ vừa mở cửa hoạt động mấy ngày gần đây. Dịp lễ 30-4, 1-5 vừa qua, dù lượng khách không bằng năm ngoái, nhưng tôi thấy vui khi quán có khách ghé đến sau khoảng thời gian dài nghỉ bán”.

Tại khu vực xung quanh Trường Đại học Kinh tế (quận Ngũ Hành Sơn), dù sinh viên mới bắt đầu nhập học trở lại trong ba ngày nay, nhưng nhiều khu nhà trọ đã thông báo hết phòng. “Vài tháng nay được nghỉ học để phòng tránh Covid-19 nên em đã trả phòng trọ về quê để tiết kiệm chi phí. Bây giờ, sau khi có lịch học, em đi tìm phòng trọ để thuê nhưng phần lớn nhà trọ giá rẻ đều đã hết phòng, chỉ còn lại những phòng giá cao”, em Bùi Duy Ninh, sinh viên Trường Đại học Kinh tế cho hay.

Theo ông Phan Thống, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, sức mua tại siêu thị đã bắt đầu khởi sắc hơn hẳn khi lượng người dân, công nhân đến mua sắm tăng lên 5-10%. Mặc dù không thể nhanh chóng đạt được mức tăng trưởng như cùng kỳ năm ngoái, nhưng đây là tín hiệu tích cực cho thấy công tác phòng, chống dịch bệnh của thành phố Đà Nẵng đã đạt được hiệu quả quan trọng; đây là yếu tố tiên quyết để vận hành lại nhịp sống của địa phương.

Ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng Ban quản lý chợ Cồn cũng thông tin, hầu hết các ngành hàng hoạt động kinh doanh tại chợ đã mở cửa trở lại, sức mua có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, không vì thế mà chợ lơi lỏng việc thực hiện các biện pháp phòng, ngừa dịch bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn... khi đến chợ. Hoạt động kinh doanh, mua bán khởi sắc những ngày này cho thấy, cuộc sống sinh hoạt của người dân thành phố đã dần quay trở lại với quỹ đạo ổn định, dù công tác phòng ngừa dịch bệnh vẫn được triển khai một cách thận trọng.

KHÁNH HÒA - VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.