Muốn đi xa thì đi cùng nhau

.

Đó là mong muốn mà anh Kirill Shumeykin (quốc tịch Nga) khi xây dựng mô hình nhà hàng cà phê Rainforest Đà Nẵng (đường Yên Bái) với kỳ vọng mang đến cho người dân địa phương và du khách một mô hình là khu vườn xanh mát cũng như những phiên chợ cuối tuần để thúc đẩy các hoạt động kinh doanh.

Các mặt hàng được bày bán tại phiên chợ trong mô hình nhà hàng cà phê Rainforest Đà Nẵng đều được lựa chọn rất kỹ lưỡng, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: NHẬT HẠ
Các mặt hàng được bày bán tại phiên chợ trong mô hình nhà hàng cà phê Rainforest Đà Nẵng đều được lựa chọn rất kỹ lưỡng, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: NHẬT HẠ

Kirill Shumeykin cho biết, anh đến Việt Nam từ năm 2012 thông qua lời mời đến làm việc của một người bạn. Trước khi nhận lời, anh đã dành 2 tuần để đi du lịch qua nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam và sau đó anh chọn thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa làm nơi sinh sống.

Năm 2015, Công ty An Group được thành lập và xây dựng thương hiệu “An cà phê Đà Lạt”, “Rainforest Nha Trang” với mong muốn mang đến cho khách hàng những sản phẩm liên quan đến cà phê như thức uống, các món ăn có lợi cho sức khỏe.

Đầu năm 2019, Kirill Shumeykin chuyển đến sinh sống tại Đà Nẵng. Kirill Shumeykin cho biết anh đã “phải lòng” thành phố này vì như nhiều người Nga khác anh thích những bãi biển trải dài đầy nắng. Thành phố này còn có núi, có sông, không khí trong lành, giao thông thuận lợi, có nhiều điểm đến tham quan du lịch… Đặc biệt, Đà Nẵng có sân bay quốc tế nằm ngay trung tâm thành phố nên rất tiện cho khách du lịch và người nước ngoài như vợ chồng anh.

Khi quyết định khởi nghiệp tại Đà Nẵng với mô hình kinh doanh cà phê kết hợp với nhà hàng với tên gọi Rainforest Đà Nẵng, Kirill mong muốn sẽ tạo được một không gian xanh được bao quanh bởi những cây xanh tự nhiên giữa lòng thành phố.

Bởi vậy, Rainforest Đà Nẵng được xây dựng chủ yếu bằng những vật liệu gắn liền với thiên nhiên như lợp bằng lá cọ, lá dừa, gỗ palet; xung quanh được trồng nhiều cây xanh lớn và trang trí bằng hàng trăm chậu cây xanh nhỏ.

Tại chuỗi nhà hàng của Kirill đã mở, các món ăn, thức uống đều hướng đến có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên khi tới Đà Nẵng, khẩu vị của người dân địa phương ở đây hơi khác biệt so với những nơi khác nên anh đã phải điều chỉnh thực đơn cho phù hợp, như thêm một số món ăn địa phương.

Sau một năm hoạt động kinh doanh tại thành phố biển Đà Nẵng, anh Kirill đánh giá đây là thành phố rất thuận lợi cho việc kinh doanh của người nước ngoài vì Đà Nẵng có nhiều khách du lịch quốc tế. Hơn hết, chính quyền địa phương rất tạo điều kiện cho doanh nghiệp. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp khó khăn nhất là trong việc tìm kiếm một vị trí thuận lợi để bắt đầu hoạt động kinh doanh. Một địa điểm phải đủ rộng, nằm ngay trung tâm thành phố nhưng vẫn thuận tiện cho du khách quốc tế ghé thăm khi đến tham quan, vui chơi tại Đà Nẵng”, anh Kirill tâm sự.

Một trong những điều thú vị, độc đáo tại Rainforest Đà Nẵng được nhiều người yêu thích là những phiên chợ được tổ chức mỗi tháng một lần. Kirill cho biết đây là ý tưởng mới mẻ của Jimmy Lâm (phụ trách quản lý nhà hàng), các phiên chợ được tổ chức với mong muốn tạo ra một địa điểm để những người dân địa phương có thể bán các mặt hàng do họ sản xuất ra.

Bởi vì sau Covid-19 thấy nhiều người nhất là những người kinh doanh nhỏ, lẻ phải thuê mặt bằng không cầm cự để tiếp tục kinh doanh, nhiều người không có chỗ để bán hàng, Rainforest Đà Nẵng có thể trở thành địa điểm để những người này có thể tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh bằng cách mang hàng đến bán tại các phiên chợ này.

Do đó, Jimmy Lâm đã kết nối với các chủ gian hàng, mời họ tham gia bán hàng. Đó có thể là người nước ngoài hoặc người dân địa phương đang kinh doanh các mặt hàng thủ công (handmade), hàng lưu niệm, rau sạch… Có thể không thường xuyên nhưng những phiên chợ này sẽ tạo cơ hội để các hộ kinh doanh bán được hàng và đây cũng là cách để thu hút khách đến với Rainforest Đà Nẵng.

Ngoài giới thiệu, bán sản phẩm, du khách và người dân địa phương còn có thể tham gia vào các hoạt động dạy cho trẻ em làm đồ thủ công, hoặc tham gia vào hoạt động trồng cây, tìm hiểu về bảo vệ cây xanh… Qua hai phiên chợ đã diễn ra vào 31-5 và 14-6, mỗi buổi cũng có khoảng 500-700 lượt khách tham quan và mua sắm; dự kiến thời gian tới đây sẽ có nhiều hơn những phiên chợ như vậy.

Theo Jimmy Lâm, mỗi phiên chợ sẽ có khoảng 17-20 gian hàng, những gian hàng này đều được lựa chọn rất kỹ lưỡng, không trùng nhau về mặt sản phẩm để không bị cạnh tranh về giá, ưu tiên những gian hàng thủ công của người dân địa phương.

“Chúng tôi muốn tạo ra một môi trường, địa điểm để kết nối những người làm sản phẩm tới được tay khách hàng. Đây không chỉ là điểm đến của du khách nước ngoài mà còn là điểm đến của người dân địa phương, tạo ra môi trường để người dân địa phương có thể tham gia kinh doanh, buôn bán, tăng thêm thu nhập cho cuộc sống… Bởi vì người dân địa phương phát triển thì doanh nghiệp của mình cũng thu hút khách và phát triển”, anh Jimmy Lâm nói.

NHẬT HẠ

;
;
.
.
.
.
.