Sản xuất công nghiệp khởi sắc

.

Sau nhiều tháng sụt giảm sản lượng do ảnh hưởng bởi Covid-19, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố có những khởi sắc ban đầu khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng trưởng 20,49% so với thời điểm cuối tháng 4.

Hoạt động sản xuất công nghiệp đã tái khởi động sau Covid-19. Trong ảnh:  Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu.  Ảnh: KHÁNH HÒA
Hoạt động sản xuất công nghiệp đã tái khởi động sau Covid-19. Trong ảnh: Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu. Ảnh: KHÁNH HÒA

Hoạt động ở lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ điện tự động Biển Đông (ESTEC) tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng) gặp không ít khó khăn khi Covid-19 bùng phát trên toàn cầu khiến khách hàng của đơn vị phải thắt chặt việc đầu tư mua sắm khi sản lượng bán ra giảm mạnh, giá thành sản phẩm hạ. Bên cạnh đó, việc áp dụng chế độ làm việc từ xa nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như hạn chế đi lại trong thời gian dịch bệnh diễn ra cũng ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc và kết quả kinh doanh của công ty.

Tuy vậy, bước sang tháng 5 và nửa đầu tháng 6, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ESTEC đã quay trở lại nhịp độ bình thường. Ông Vương Ngọc Hoàng, Giám đốc ESTEC cho biết, thời điểm này, đơn vị tập trung giới thiệu, cung cấp các giải pháp, sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật để hỗ trợ khách hàng bảo đảm ổn định sản xuất và phục hồi kinh doanh sau dịch.

Cụ thể như các giải pháp về duy trì hoạt động tốt của hệ thống điện - tự động hóa, khắc phục nhanh các sự cố dừng máy, áp dụng các hệ thống quản trị sản xuất tiên tiến, giải pháp số hóa, hệ thống quản trị năng lượng để nâng cao hiệu quả sản xuất của khách hàng.

Tình hình sản xuất - kinh doanh trong hơn một tháng qua tại Công ty TNHH Sản xuất chế biến kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế (quận Liên Chiểu) cũng khả quan hơn khi đơn vị đã tiếp nhận lượt đơn hàng thứ hai từ thị trường nội địa, nhất là các bạn hàng truyền thống là các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khu du lịch nổi tiếng ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế...

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty Hương Quế cho biết, đây là tín hiệu tích cực cho thấy thị trường đã bắt đầu khởi sắc, đầu ra cho sản phẩm đã tăng trở lại. “Mặc dù ở thời điểm này, số đơn hàng chỉ đạt khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng đã giúp chúng tôi có được nguồn thu để bù vào các chi phí chi trả tiền lương, bảo hiểm xã hội cho hàng chục lao động đang làm việc tại công ty.

Tôi hy vọng, từ sau tháng 7, kinh tế của thành phố sẽ khởi sắc hơn khi dự báo tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt không chỉ ở nước ta mà còn trên thế giới; trong đó có nhiều quốc gia là bạn hàng lâu năm của Hương Quế cũng như khơi thông lại các “con đường” du lịch vốn bị đóng băng trong vài tháng qua”, ông Sơn nhận định.

Đánh giá về việc thị trường, hoạt động sản xuất - kinh doanh nhanh chóng tái khởi động ngay sau khi dịch bệnh trong nước cơ bản được kiểm soát tốt, nhiều doanh nghiệp cho rằng, ngoài nỗ lực của hệ thống chính trị các cấp thì bản thân cộng đồng doanh nghiệp, dù trong thời gian khó khăn nhất vẫn chủ động có sự chuẩn bị để sẵn sàng bắt nhịp khi thị trường (chủ yếu thị trường trong nước) phục hồi. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Thuận Phước cho biết, Covid-19 gây ra hàng loạt xáo trộn trong chuỗi giá trị thủy sản khi chuỗi cung ứng nguyên liệu và cung ứng thành phẩm bị “đứt gãy”, đơn hàng bị sụt giảm, hoạt động vận chuyển, vận tải hàng hóa bị trì hoãn, tắc nghẽn.

Dự báo trong vài tháng tới, hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ có nhiều tiến triển mạnh mẽ hơn khi doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng. Trong ảnh: Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH MTV Sản xuất và thương mại Dana Flywood. Ảnh: KHÁNH HÒA
Dự báo trong vài tháng tới, hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ có nhiều tiến triển mạnh mẽ hơn khi doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng. Trong ảnh: Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH MTV Sản xuất và thương mại Dana Flywood. Ảnh: KHÁNH HÒA

Tuy nhiên, Covid-19 đang và sẽ tạo ra những xu hướng mới đối với chuỗi cung ứng thủy sản, có thể được coi là cơ hội và thách thức mới cho ngành thủy sản Việt Nam nói chung, doanh nghiệp thủy sản Đà Nẵng nói riêng.

Bằng chứng là ngay trong thời điểm dịch bùng phát, vẫn có những doanh nghiệp, trong đó có Công ty CP Thủy sản Thuận Phước nhờ linh hoạt đã tìm được hướng đi và bảo đảm mức tăng trưởng, trong đó, tăng cường hơn vào thị trường nội địa.

Đặc biệt, việc Quốc hội chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ tạo cú hích mạnh mẽ cho kinh tế Việt Nam phục hồi sau Covid-19, trong đó có doanh nghiệp hoạt động trong ngành thủy sản. “Sau Covid-19, việc thông qua Hiệp định EVFTA như luồng gió mới, khiến doanh nghiệp chúng tôi có thêm động lực để bứt phá hơn sau thời gian dài bị ảnh hưởng.

Tham gia vào EVFTA, chúng ta có những lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có được, vì vậy, nếu doanh nghiệp chịu thay đổi, tận dụng tốt các ưu đãi, chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu tăng trưởng. Thực hiện tốt được điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam có đủ sức để cạnh tranh tại tất cả các thị trường khó tính khác, và nhiều cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu, bỏ được việc phụ thuộc vào một vài thị trường”, ông Lĩnh nhấn mạnh.

Theo Sở Công thương thành phố, bước vào tháng 5, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn đã dần phục hồi. Nhiều đơn vị sau vài tháng tạm ngừng hoạt động từ thiếu nguồn cung nguyên liệu, tiêu thụ hàng hóa bị đình trệ do chịu ảnh hưởng một số khâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu thì nay đã tái khởi động với những đơn hàng đầu tiên.

Bên cạnh những phân ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề dẫn đến sản lượng giảm mạnh như sản xuất đồ chơi trẻ em (giảm 42,5%); sản xuất trang phục (giảm 38,2%); chế biến gỗ (giảm 35,9%); sản xuất săm lốp cao su (giảm 30,3%); sản xuất đồ gỗ xuất khẩu (giảm 29,9%); sản xuất ô-tô, bộ phận phụ tùng ô-tô (giảm 25,8%); da giày (giảm 23,4%); sản xuất bia (giảm 22,9%)… thì vẫn có một số lĩnh vực sản xuất duy trì được tăng trưởng. Điểm sáng đối với ngành công nghiệp trong giai đoạn hiện nay như: đóng tàu và cấu kiện nổi tăng 141,1%; chế biến thủy sản tăng 36,2%; sản xuất dược phẩm, vật tư y tế tăng 32%; sản xuất máy móc, thiết bị tăng 30,6%; sản xuất sơn, vec-ni tăng tăng 24,4%; sản xuất thực phẩm ăn liền tăng 24,8%; sản xuất dụng cụ thể thao tăng 23,6%; sản xuất kim loại tăng 3,8%...

Theo dự báo của Sở Công thương, với tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt trên cả nước, hoạt động sản xuất công nghiệp trong những tháng tiếp theo sẽ khởi sắc hơn, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn đối với nhiều ngành hàng do thị trường tiêu thụ chưa hồi phục, nhất là thị trường xuất khẩu đối với các ngành hàng không thiết yếu như: dệt may, da giày, sản xuất, lắp ráp ô-tô, sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử… Dự báo, chỉ số sản xuất công nghiệp thành phố 6 tháng đầu năm vẫn tiếp tục giảm khoảng 5,5% so với cùng kỳ 2019, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến giảm 5%.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng ước đạt 721 triệu USD, giảm 6,8% so với cùng kỳ 2019 (kế hoạch tăng 7-8%). Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng dự kiến đạt 570 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ 2019 (kế hoạch tăng 7,7%). Để thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi lại đà tăng trưởng, ngoài việc tiếp tục triển khai mạnh mẽ các gói hỗ trợ, biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thành phố đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư xây dựng hạ tầng 3 khu công nghiệp mới (Khu công nghiệp Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Cầm giai đoạn 2).

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích