Bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng cho thành phố

.

ĐNO - Sáng 29-7, khảo sát trên địa bàn thành phố, nguồn cung hàng hóa ở các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại rất dồi dào. Trong đó, các mặt hàng thiết yếu được sử dụng hằng ngày như rau củ, thịt cá các loại vẫn duy trì được sự ổn định dù sức mua có giảm từ 20-30% so với thời điểm trước khi có những diễn biến mới về Covid-19. 

Nguồn hàng về các chợ truyền thống duy trì được sản lượng tương đối ổn định. Trong ảnh: Chợ Đống Đa sáng 29-7 vẫn duy trì nhịp độ mua bán như ngày thường. Ảnh: KHÁNH HÒA
Nguồn hàng về các chợ truyền thống duy trì được sản lượng tương đối ổn định. Trong ảnh: Chợ Đống Đa sáng 29-7 vẫn duy trì nhịp độ mua bán. Ảnh: KHÁNH HÒA

Theo Ban Quản lý các chợ lớn như chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ Mới, chợ Túy Loan, chợ Cẩm Lệ, chợ Hòa Khánh…, hiện nay, hầu hết các tiểu thương kinh doanh các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hằng ngày của người dân đều họp chợ bình thường. Lượng hàng về chợ trong sáng 29-7 không có nhiều biến động, các mặt hàng rau củ quả, thịt cá các loại... vẫn tiêu thụ tốt. 

Trong khi đó, 100% các quầy hàng không thiết yếu, kinh doanh các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, cắt tóc, gội đầu… đóng cửa dừng hoạt động. Các đơn vị cũng triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh như: yêu cầu hộ kinh doanh, người dân phải sử dụng khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi vào họp chợ, khuyến khích người dân hạn chế tập trung đông người cùng một thời điểm.

Tiểu thương Nguyễn Thị Thu (chợ Đống Đa) cho biết, sáng nay, hàng hóa vẫn về chợ bình thường, chưa có dấu hiệu sụt giảm hay đứt nguồn cung. Trong khi đó, tiểu thương Đinh Thị Hạnh (chợ Cồn) khẳng định, nguồn cung thịt heo ổn định nhưng giá cả có biến động nhẹ theo chiều hướng tăng từ 10.000 – 15.000 đồng/kg/loại. Cụ thể: thịt mông, vai có giá 160.000-165.000 đồng/kg, xương các loại dao động từ 120.000 – 140.000 đồng/kg, thịt ba chỉ và sườn non 190.000 – 200.000 đồng/kg… Đây cũng là mức giá chung ở các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố qua khảo sát vào sáng 29-7.

Theo nhiều tiểu thương, hàng hóa vận chuyển về Đà Nẵng từ nhiều hướng, hầu hết các chủ vựa đều cam kết giữ liền mạch nguồn cung dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại chợ Cồn sáng 29-7. Ảnh: KHÁNH HÒA
Theo nhiều tiểu thương, hàng hóa vận chuyển về Đà Nẵng từ nhiều hướng, hầu hết các chủ vựa đều cam kết giữ liền mạch nguồn cung dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại chợ Cồn sáng 29-7. Ảnh: KHÁNH HÒA

Tại các siêu thị lớn trên địa bàn như Big C Đà Nẵng, Co.opmart, Lotte Mart, MM Mega Market, Vincom, hệ thống cửa hàng tiện lợi Vinmart +, Danavi mart, Jolly mart… đều chuẩn bị phương án trữ kho, trong đó tập trung vào các nguồn hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu như gạo, gia vị, thịt cá, rau xanh.

Các siêu thị liên tục bổ sung nguồn hàng mới lên kệ nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Trong ảnh: Sáng 29-7, tại siêu thị Big C, lượng hàng hóa rất dồi dào. Ảnh: KHÁNH HÒA
Các siêu thị liên tục bổ sung nguồn hàng mới lên kệ nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Trong ảnh: Sáng 29-7, tại siêu thị Big C, lượng hàng hóa rất dồi dào. Ảnh: KHÁNH HÒA

Tại siêu thị Big C Đà Nẵng, sáng 29-7, đơn vị này tiếp tục vận chuyển nhiều xe hàng về kho, ước tính đủ cung ứng trong vòng 3 tháng, trong đó có hơn 4 tấn thịt các loại, 12 tấn gạo, hơn 3 tấn thủy hải sản, gần 4 tấn rau củ, hơn 3.000 thùng mì tôm… Siêu thị cũng tiếp tục đẩy mạnh bán hàng qua mạng, qua điện thoại, sẵn sàng cung ứng các suất ăn công nghiệp, suất ăn nhỏ lẻ cho người tiêu dùng.

Là nơi thường xuyên tập trung đông người, công tác phòng chống dịch tại các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị...được kiểm soát chặt chẻ. Trong ảnh: Siêu thị Big C tiến hành đo thân nhiệt và yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào khu vực mua sắm. Ảnh chụp sáng 29-7. Ảnh: KHÁNH HÒA
Là địa điểm thường xuyên tập trung đông người, công tác phòng chống dịch tại các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị... được kiểm soát chặt chẽ. Trong ảnh: Siêu thị Big C tiến hành đo thân nhiệt và yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào khu vực mua sắm. Ảnh chụp sáng 29-7. Ảnh: KHÁNH HÒA 
Cùng với việc giữ ổn định nguồn cung hàng hóa, các siêu thị, chợ, trung tâm thương mại...tăng cường các biện pháp phòng, chống Covid-19. Trong ảnh: Siêu thị Jolly Mart (đường Yên Bái) siết chặt việc yêu cầu khách hàng giữ khoảng cách 2m khi  đến mua sắm. Ảnh chụp sáng 29-7. Ảnh: KHÁNH HÒA
Cùng với việc giữ ổn định nguồn cung hàng hóa, các siêu thị, chợ, trung tâm thương mại... tăng cường nhiều biện pháp phòng, chống Covid-19. Trong ảnh: Siêu thị Jolly mart (đường Yên Bái) siết chặt việc yêu cầu khách hàng giữ khoảng cách 2m khi đến mua sắm. Ảnh chụp sáng 29-7. Ảnh: KHÁNH HÒA

Trong khi đó, tại khu chợ đầu mối lớn nhất của thành phố, theo ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng Ban Quản lý chợ đầu mối Hòa Cường, nguồn cung và sức mua hàng hóa tại chợ trong 2 ngày (28 và sáng 29) giảm xuống từ 30-40%. Hiện nay, 100% hộ kinh doanh mặt hàng không thiết yếu đã đóng cửa dừng hoạt động, trong khi đó, khoảng 60% cửa hàng khác cũng tạm dừng. 

Do đây là khu chợ đầu mối lớn nhất, đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối nguồn hàng hóa cho các chợ, đơn vị trên địa bàn thành phố nên việc bảo đảm không để xảy ra đứt đoạn nguồn cung tại chợ đầu mối Hòa Cường được hết sức quan tâm, nhất là khi thành phố chính thức dừng toàn bộ phương tiện chở khách đi, đến Đà Nẵng từ 0 giờ ngày 28-7 và nhiều địa phương triển khai việc cách ly người từ Đà Nẵng về.

Ông Diệp Hoàng Thông Anh cho biết, Ban Quản lý chợ đã làm việc với các đầu mối là chủ vựa hàng hóa lớn từ Đà Lạt, Lâm Đồng, Hải Dương… Họ cam kết không để đứt đoạn nguồn cung hàng hóa cho Đà Nẵng và đã có phương án để công tác vận chuyển phù hợp với quy định của các địa phương.

Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, phục vụ nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, nâng giá gây sốc, Sở Công thương thành phố đã có văn bản yêu cầu các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp... phải cam kết bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng hóa cho thị trường, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân, nhất là không để xảy ra khan hiếm cục bộ nguồn lương thực thực phẩm; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm với các hành vi găm hàng, tăng giá...

Đồng thời khuyến cáo người dân không nên có tâm lý tích trữ quá nhiều hàng hóa, gây tâm lý hoang mang, bất ổn thị trường, qua đó góp phần cùng thành phố đạt kết quả tốt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích