Đột phá ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

.

Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị được UBND huyện Hòa Vang ban hành tại Quyết định số 1284/QĐ-UBND ngày 19-4-2016 là một nhiệm vụ đột phá trọng tâm nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị. Qua 4 năm triển khai thực hiện, đề án đã chứng minh được hiệu quả.

Mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao của anh Phạm Văn Hùng (SN 1976) tại vùng hoa Gò Giảng, xã Hòa Phong. Ảnh: MAI HIỀN
Mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao của anh Phạm Văn Hùng (SN 1976) tại vùng hoa Gò Giảng, xã Hòa Phong. Ảnh: MAI HIỀN

Sau 2 năm từ quê nhà Quảng Ngãi ra Đà Nẵng đầu tư trồng hoa treo trong nhà màng với tổng diện tích 1.200m2 tại phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), trước khó khăn về nguồn nước tưới tiêu và nhân công, tháng 5-2017, anh Phạm Văn Hùng (SN 1976) chuyển vườn hoa lên vùng hoa Gò Giảng, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang). Vườn hoa có tổng diện tích 6.000m2, anh Hùng được huyện hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng 7 nhà màng mới với diện tích mỗi nhà màng khoảng hơn 200m2 cùng hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động.

Ngoài 2 loại hoa treo vẫn trồng trước giờ là dừa cạn và dạ yến thảo, anh trồng thêm thiên môn đông. Đầu năm 2020, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, anh Hùng gầy giống và trồng thêm các loại cây lá như: dolar, trầu bà (còn được gọi là vạn liên thanh). Đặc biệt, vào vụ Tết, vườn của anh còn có thêm nhiều loại hoa khác như: triệu chuông, tô liên, mai địa thảo, diễm châu.

Anh Hùng cho hay: “Từ đầu năm 2020 đến nay, vườn của tôi xuất bán 2.000 chậu thiên môn đông, xuất bán thử nghiệm 200 chậu dolar, còn trầu bà thì chưa xuất bán. Riêng với hoa treo, trung bình mỗi tháng vườn của tôi xuất bán khoảng 2.000 chậu. Tôi chủ yếu xuất bán cho các cửa hàng cây cảnh trên địa bàn Đà Nẵng”. Mô hình trồng hoa ứng dụng CNC không chỉ đem lại cho anh Hùng lợi nhuận 500 triệu đồng/năm mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 2 lao động địa phương với thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, tùy khối lượng công việc tại vườn, có thời điểm anh Hùng thuê thêm khoảng 3 lao động địa phương làm thời vụ. Hiện anh Hùng đang làm giống và dự kiến năm 2021 sẽ xuất bán mai vạn phúc cùng một số loại cây cảnh mới.

Cũng đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, năm 2013, tận dụng mặt bằng sẵn có của gia đình tại thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, anh Phan Văn Hùng (SN 1985) quyết định trồng nấm linh chi, nấm bào ngư (hay còn được gọi là nấm sò) ứng dụng CNC với diện tích ban đầu khoảng 50m2. Anh Phan Văn Hùng cho biết: “Năm 2013, tôi bắt tay làm 2 loại nấm bào ngư và linh chi. Năm 2017, tôi đăng ký tham gia lớp dạy trồng nấm do Trung tâm Học tập cộng đồng xã Hòa Phong tổ chức và từ đó năng suất sản xuất nấm bào ngư, nấm linh chi tăng lên đáng kể.

Từ cuối năm 2018 đến nay, năng suất sản xuất nấm tăng lên vượt trội hơn nhờ lắp đặt hệ thống phun sương tự động với 50% kinh phí được huyện hỗ trợ”. Thời điểm còn tưới nước cho nấm bằng phương pháp thủ công, chu kỳ một bịch phôi nấm bào ngư chỉ dao động 1,5 - 2 tháng, tương đương 4-5 đợt thu hoạch, với 1.000 phôi nấm bào ngư thu hoạch được khoảng 200-250kg nấm. Từ khi lắp đặt hệ thống phun sương tự động, chu kỳ một bịch phôi nấm bào ngư được kéo dài khoảng 3 tháng, tương đương 7-8 đợt thu hoạch, với 1.000 phôi nấm bào ngư thu hoạch được khoảng 300kg nấm.

Năm 2019, bên cạnh nấm tươi, anh Phan Văn Hùng còn sản xuất nấm bào ngư sấy khô được sấy bằng máy sấy điện cơ được huyện hỗ trợ hoặc phơi nắng. Trại nấm đem lại cho anh Phan Văn Hùng lợi nhuận 25-30 triệu đồng/tháng, tạo công ăn việc làm cho 4 lao động địa phương với thu nhập 200.000 đồng/ngày. Trong thời gian đến, anh Phan Văn Hùng sẽ trồng thử nghiệm 100m2 đông trùng hạ thảo, đầu tư thêm nhà lạnh, hệ thống phun sương tự động.

Bà Ngô Thị Hạnh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang cho hay, huyện đã được thành phố phê duyệt quy hoạch 6 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, tổng diện tích 310ha để kêu gọi đầu tư gồm: vùng nông nghiệp ứng dụng CNC xã Hòa Ninh 140 ha, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC xã Hòa Phú 50ha, vùng sản xuất rau an toàn xã Hòa Khương 20ha, vùng chăn nuôi tập trung xã Hòa Khương 30ha, vùng sản xuất rau an toàn xã Hòa Phong 20ha và vùng nuôi tôm thôn Trường Định, xã Hòa Liên 50ha. Đến nay, đã có phê duyệt chi tiết quy hoạch tỷ lệ 1/500, gồm: vùng sản xuất rau an toàn xã Hòa Khương và xã Hòa Phong, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC xã Hòa Phú. Huyện có 2 vùng chính ứng dụng CNC trong sản xuất rau, hoa, củ quả là Hòa Phú (1ha) và Hòa Ninh (3,3ha). Việc thành lập vùng nông nghiệp ứng dụng CNC Hòa Ninh 140ha được thành phố giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện.

Huyện Hòa Vang cũng đưa vào sản xuất các giống rau, củ, quả mới như ớt chuông, dưa lưới, dưa vàng, dưa leo, khổ qua, cà tím, xà lách, cải bó xôi...; sản xuất các giống hoa hướng dương tại các vùng hoa Dương Sơn, hoa Nhơn Thọ, hoa Gò Giảng, sản xuất các loại hoa treo, hoa thảm; sản xuất giống nấm Milky, nấm vân chi tại hợp tác xã Nhơn Phước. Mở rộng sản xuất 164ha lúa hữu cơ cho chất lượng cao. Nhân rộng mô hình chăn nuôi gà đồi ở Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Bắc. Du nhập các giống cá mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào sản xuất như cá leo, cá thác lác, cá dìa, cua thương phẩm... Trồng rừng gỗ lớn tại Hòa Khương, Hòa Liên, Hòa Bắc.

Huyện cũng đầu tư ứng dụng CNC trong sản xuất ở các vùng rau Túy Loan, xã Hòa Phong; Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương; Ninh An, xã Hòa Nhơn và hình thành 2 vùng rau ứng dụng CNC tại các xã Hòa Phú, Hòa Ninh. Đến nay, hơn 12,9ha/43,72ha diện tích đất sản xuất rau chuyên canh được ứng dụng CNC Thành lập hợp tác xã rau, hoa, củ, quả Hòa Vang để điều hành sản xuất, sản xuất theo quy chuẩn VietGap. Trong sản xuất hoa, huyện đưa hệ thống tưới tiết kiệm, nhà lưới vào sản xuất hoa tại các vùng như Dương Sơn, Nhơn Thọ, Gò Giảng... Huyện đưa công nghệ vào sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu cho hợp tác xã nấm Nhơn Phước, xã Hòa Nhơn như: hệ thống tưới phun, tủ làm mát, máy đóng bịch nấm, máy hút chân không.

Theo đó, đã có nhiều sản phẩm được sơ chế đóng gói ra thị trường. Nhãn hiệu nấm Nhơn Phước cũng được hình thành; triển khai dự án trồng bưởi da xanh Hòa Ninh trong ứng dụng CNC trong trồng cây ăn quả. Đối với chăn nuôi, huyện đưa ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học, sử dụng men vi sinh trong chăn nuôi nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong nuôi cút Trà Kiểm, xã Hòa Phước; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các lò giết mổ như hợp tác xã Hòa Phước, Hòa Phong 2. Phương pháp chăn nuôi mới cũng được ứng dụng nhằm nâng cao chất lượng và năng suất nuôi trồng thủy sản như tôm thẻ chân trắng, cua thương phẩm ở Trường Định, xã Hòa Liên; nuôi cá thác lác ở Phú Sơn, xã Hòa Khương.

MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích