Khai thác tiềm năng du lịch đường thủy nội địa

.

Được đánh giá là có nhiều tiềm năng và lợi thế, tuy nhiên hiện du lịch đường thủy nội địa Đà Nẵng vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có sự bứt phá tương xứng với tiềm năng. Làm sao bổ sung thêm sản phẩm đi kèm để tăng tính hấp dẫn cho du lịch đường thủy là vấn đề cần quan tâm.

Du lịch đường thủy nội địa còn rất nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác. TRONG ẢNH: Một chuyến khảo sát về du lịch đường sông tại bến thủy nội địa Túy Loan do Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: THU HÀ
Du lịch đường thủy nội địa còn rất nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác. TRONG ẢNH: Một chuyến khảo sát về du lịch đường sông tại bến thủy nội địa Túy Loan do Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: THU HÀ

Một trong những khó khăn hiện nay của những người làm du lịch đường thủy nội địa chính là nguồn khách bị sụt giảm do tác động của Covid-19. Ông Đặng Hòa, Chủ tịch Hội vận chuyển du lịch đường thủy nội địa cho biết, du lịch đường thủy nội địa mới có khách trở lại từ hơn một tháng nay, tuy nhiên cũng chỉ đông vào những ngày cuối tuần, những ngày trong tuần cũng có khách nhưng lượng khách rất ít, không đáng kể so với trước đây.

Ông Hòa cho rằng thực tế du lịch đường thủy nội địa không phải chỉ có đi ngắm cảnh hai bờ sông Hàn mà phải nhìn rộng ra xa hơn như đi ra vịnh Đà Nẵng, vòng quanh bán đảo Sơn Trà. “Cái đẹp, cái thú vị và giá trị của đường thủy nội địa chính là sự hùng vĩ của thiên nhiên dành cho Đà Nẵng, thông qua các thông tin thuyết minh về dãy Hải Vân, về bán đảo Sơn Trà, về lịch sử… sẽ giúp du khách hiểu thêm về Đà Nẵng… Thế nhưng đến nay, thành phố lại chưa khai thác được những tuyến, điểm này”, ông Hòa bày tỏ.

Nhiều chủ tàu khác cũng cho rằng các thủ tục lên tàu còn phải qua nhiều khâu kiểm tra nên tốn khá nhiều thời gian, chưa kể dù đã có sự thống nhất về mức giá nhưng các tàu vẫn có những cạnh tranh về giá nhất định. Ông Lê Văn Phú, chủ tàu du lịch Phú Quý phân tích, sau nhiều góp ý, các thủ tục cũng đã có sự chuyển biến. Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, các tàu chỉ bắt đầu hoạt động phục vụ khách du lịch từ 17 giờ 30 đến 22 giờ 30 (từ thứ 2-thứ 6 trong tuần) và đến 23 giờ vào hai ngày cuối tuần. “Nhiều khách muốn đi du thuyền ban ngày để ra vịnh ngắm hoàng hôn hay xem cầu Sông Hàn quay nhưng giờ cầu quay cũng là giờ tàu phải cập cảng vì hết giờ hoạt động. Vì vậy, nếu được thành phố nên nới rộng thêm thời gian hoạt động để các tàu có thêm sản phẩm thưởng thức cầu quay cho khách”, ông Phú chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Phú cũng cho rằng, chính quyền thành phố nên nhanh chóng đưa các sản phẩm ở các tuyến như Khu di tích lịch sử K20 (Ngũ Hành Sơn), du dịch sinh thái thôn Thái Lai ( xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) vào phục vụ du lịch vì những tuyến này có các tuyến, điểm du lịch, có thể kết hợp để hình thành các sản phẩm du lịch đường thủy, tạo ra sự khác biệt, độc đáo. Anh Nguyễn Công Thành, du khách đến từ Hà Nội cho hay, hai bờ sông Hàn của Đà Nẵng rất đẹp nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở việc ngắm các cây cầu và xem cầu Rồng phun lửa, phun nước. Trong thời gian gần 60 phút ngồi trên tàu chủ yếu là uống nước, trò chuyện với người đi cùng đoàn và ngắm cảnh. Không có thêm hoạt động gì khác nên cũng hơi buồn chán.

Thực tế hiện nay, dù đã được đề cập đến nhiều lần nhưng qua tìm hiểu được biết công tác lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch các bến tàu, cầu tàu còn chậm; việc đầu tư các tuyến du lịch đường thủy còn trải qua nhiều thủ tục, tốn nhiều thời gian nên ảnh hưởng đến việc hình thành các sản phẩm du lịch đường thủy. Các đề án như phát triển du lịch huyện Hòa Vang, phát triển Khu di tích lịch sử K20... mới được UBND thành phố phê duyệt vào cuối năm 2019 nên cần có thời gian để triển khai đầu tư và kêu gọi đầu tư.

Cần có thêm các sản phẩm dịch vụ để tăng sự hấp dẫn cho du khách khi đi du lịch đường thủy nội địa. Trong ảnh: Khách du lịch trải nghiệm đường sông từ tàu du lịch.  Ảnh: NHẬT HẠ
Cần có thêm các sản phẩm dịch vụ để tăng sự hấp dẫn cho du khách khi đi du lịch đường thủy nội địa. Trong ảnh: Khách du lịch trải nghiệm đường sông từ tàu du lịch. Ảnh: NHẬT HẠ

Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho hay, thành phố rất tạo điều kiện và quan tâm triển khai nhóm sản phẩm này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa khai thác được các tour ra vịnh Đà Nẵng; đây được xem là sản phẩm tiềm năng cần có sự đầu tư để khai thác được hết hiệu quả cũng như tiềm năng của sản phẩm đường thủy nội địa.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Nguyễn Xuân Bình, hiện Đà Nẵng có 29 tàu đang hoạt động. Các tàu này đều đã được đóng mới và cấp biển hiệu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Dự kiến thời gian tới đây, Sở Du lịch thành phố sẽ cùng với Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng kế hoạch đi khảo sát hòn Chảo, bãi Ma Đà, bãi Sủng Cỏ để đề xuất lãnh đạo các địa phương cho chủ trương cùng khai thác, sử dụng tiềm năng tại các bãi này để phục vụ du lịch.

Bên cạnh đó, sở và các ngành tiếp tục triển khai thực hiện những nhiệm vụ được phân công trong đó đặc biệt chú trọng một số nội dung như kêu gọi đầu tư nâng cấp cảng sông Hàn, cảng Sông Thu thành cảng, bến thủy nội địa phục vụ khách du lịch; đầu tư một số cầu tàu tại các điểm du lịch đường sông... Sở cũng đã ban hành Bộ tiêu chí “chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch đối với xe vận chuyển và tàu du lịch tại thành phố Đà Nẵng” để tăng hiệu quả cũng như sự chuyên nghiệp trong phục vụ vận tải du lịch đường thủy nội địa.

 NHẬT HẠ

;
;
.
.
.
.
.