Phát triển kinh tế biển kết nối liên vùng, hướng ra khơi và hải đảo

.

Ngày 30-6, tại hội thảo khoa học về thực trạng và giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển ở các tỉnh, thành phố duyên hải Nam Trung Bộ do Học viện Chính trị Khu vực III và Học viện Chính trị Khu vực II phối hợp tổ chức tại Đà Nẵng, nhiều nhà khoa học đã đề xuất nhiều giải pháp tăng cường liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển, phát triển du lịch và khai thác hải sản hướng ra biển khơi, hải đảo.

Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Nguyễn Xuân Bình cho rằng, Đà Nẵng đã liên kết phát triển du lịch biển với các địa phương lân cận rất mạnh mẽ. Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển được Đà Nẵng và Quảng Nam coi là sản phẩm có tính liên kết với nhau và là sản phẩm trụ cột trong các nhóm sản phẩm du lịch của 2 địa phương.

Tuy nhiên, du lịch hướng ra biển của Đà Nẵng và các địa phương lân cận đang có những hạn chế. Đó là hiện chỉ mới xây dựng được các khu nghỉ dưỡng và hạ tầng ven biển, còn sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển chỉ mới ngang mép nước. Do đó, cần thay đổi tư duy theo hướng hướng ra biển và định hướng, xây dựng các chính sách để đưa du lịch hướng ra biển. Cạnh đó, các địa phương cần tăng cường kết nối để phát triển du lịch, nhất là liên kết phát triển sản phẩm du lịch.

Theo đó, đối với Đà Nẵng, phát triển trọng tâm là du lịch hội nghị, hội thảo và nghỉ dưỡng biển; đối với Quảng Nam là du lịch di sản; đối với tỉnh Thừa Thiên Huế là du lịch văn hóa – lịch sử... Đồng thời, đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng Cục Du lịch có cơ chế chung về phát triển từng vùng du lịch, thay vì chỉ phát triển từng điểm du lịch.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực III đánh giá cao các ý kiến đề xuất và cho biết sẽ bàn bạc, thảo luận về hướng nghiên cứu mô hình quản lý tổng hợp nói trên. TS Phan Công Khanh, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực II đánh giá, các bài tham luận và ý kiến phát biểu của các nhà khoa học, nhà quản lý nêu tại hội thảo đã nêu bật những giải pháp khắc phục các khó khăn, thách thức về phát triển kinh tế biển ở các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.

Các nhà khoa học đã nhấn mạnh giải pháp về liên kết vùng, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thể chế và chính sách, phát triển hạ tầng và cơ sở dịch vụ, phát triển sản phẩm du lịch...

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.