Phát triển thương mại, dịch vụ vùng nông thôn Hòa Vang

.

Những năm qua, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện Hòa Vang diễn ra sôi động với hệ thống bán lẻ rộng khắp; các chợ truyền thống tăng mạnh về sức mua cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ.

Hạ tầng thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện Hòa Vang phát triển sôi động trong vài năm qua. Trong ảnh: Chợ Túy Loan được xem là “trung tâm” thương mại - dịch vụ lớn trên địa bàn huyện Hòa Vang. Ảnh: KHÁNH HÒA
Hạ tầng thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện Hòa Vang phát triển sôi động trong vài năm qua. Trong ảnh: Chợ Túy Loan được xem là “trung tâm” thương mại - dịch vụ lớn trên địa bàn huyện Hòa Vang. Ảnh: KHÁNH HÒA

Nằm ở xã Hòa Phong, khu vực trung tâm của huyện Hòa Vang, chợ Túy Loan với 504 hộ kinh doanh mua bán đang hoạt động là trung tâm thương mại, mua sắm và cung ứng các dịch vụ cho đời sống của người dân trên địa bàn. Vài năm trở lại đây, chợ Túy Loan còn là đầu mối tập kết, cung ứng nguồn hàng nông sản lớn cho nhiều chợ, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Kim Đính, Trưởng ban quản lý các chợ Hòa Vang cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 14 chợ nằm trên địa bàn 11 xã. Trong đó, có 3 chợ lớn nhất là chợ Túy Loan (xã Hòa Phong), chợ Hưởng Phước (xã Hòa Liên) và chợ Miếu Bông (xã Hòa Phước) đóng vai trò chợ đầu mối; riêng chợ Miếu Bông còn là điểm cung ứng nguồn hàng hóa cho khu vực giáp ranh với tỉnh Quảng Nam. Cả ba chợ này, ngoài việc đảm nhận cung ứng nguồn lương thực, thực phẩm cùng các dịch vụ đi kèm phục vụ đời sống còn là nơi cung cấp nguồn hàng lớn cho các khu du lịch trên địa bàn thành phố như khu du lịch Bà Nà Hills, Núi Thần Tài, Ngầm Đôi… nên sức mua tăng mạnh hơn hẳn so với các năm trước.

Để bảo đảm khả năng cung ứng của các chợ truyền thống theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, những năm qua, UBND huyện Hòa Vang cũng như thành phố đã có sự quan tâm, đầu tư đối với nhiều khu chợ nhằm có diện mạo khang trang hơn. Trong đó, riêng chợ Túy Loan trong năm 2020 được cấp nguồn kinh phí gần 1,6 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp, làm mới nhiều hạng mục công trình như: hệ thống nước sạch, phòng cháy chữa cháy, điện, khu vực nhà vệ sinh, gạch lát sàn…

Theo UBND huyện Hòa Vang, thời gian qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của thành phố, huyện đã phát huy những lợi thế để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và thương mại, dịch vụ nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người dân. Nhiều năm nay, huyện triển khai đề án “Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại”.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh và thương mại, dịch vụ, giải quyết việc làm, bảo đảm thu nhập cho hàng ngàn lao động mỗi năm; thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu kinh tế, hạ tầng thương mại, dịch vụ chủ yếu tập trung tại các tuyến đường trung tâm của huyện, các xã… Bên cạnh đó, nhiều hộ kinh doanh, sản xuất đã mạnh dạn mở rộng cơ sở, thị trường buôn bán với nhiều chủng loại hàng hóa phong phú, đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.

Việc phát triển các khu dân cư mới gắn với đầu tư hạ tầng giao thông đã tạo điều kiện cho thương mại, dịch vụ của huyện phát triển. Trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ của huyện Hòa Vang ước đạt 1.468 tỷ đồng, bằng 32,4% kế hoạch, bằng 73,2% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, huyện đã phối hợp các đơn vị, ngành chức năng tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại xã Hòa Nhơn, phối hợp tổ chức 2 điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn 2 xã Hòa Ninh và Hòa Bắc…

Từ đầu năm đến nay, đã có 3 nhà đầu tư đến tiếp cận, tìm hiểu và có nhu cầu đầu tư trên các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, sản xuất chế biến gỗ; hiện đang khảo sát, lấy ý kiến về quy hoạch, địa điểm… để hướng dẫn triển khai các thủ tục hồ sơ ban đầu theo đúng quy định. Để bảo đảm nâng cao chất lượng dịch vụ, thương mại, huyện Hòa Vang cũng tích cực tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh về an toàn vệ sinh thực phẩm; đầu tư xây dựng chợ an toàn thực phẩm, văn minh thương mại tại các chợ Túy Loan, Miếu Bông; xóa các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn.

Huyện Hòa Vang xác định phát triển kinh tế, trong đó có lĩnh vực thương mại, dịch vụ, phải đi đôi với đầu tư quy hoạch, chỉnh trang đô thị để thuận lợi trong việc giao thương với các vùng, xã lân cận… Do đó, định hướng của huyện trong thời gian tới là huy động các nguồn lực để tiếp tục đầu tư hạ tầng và thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư để chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.

Cùng với việc thực hiện đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung của thành phố giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến 2045, trên địa bàn huyện Hòa Vang có một số công trình trọng điểm được đầu tư xây dựng để phát triển thương mại - dịch vụ như: chợ đầu mối Hòa Phước; vùng nông nghiệp công nghệ cao tại xã Hòa Phú; vùng nông nghiệp công nghệ cao tại xã Hòa Khương; mở rộng vùng chuyên canh hoa Hòa Châu; điểm dừng chân vùng rau Túy Loan Hòa Phong...

 KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích