Tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng

.

ĐNO - Tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng với các định hướng, nguyên tắc đã được đề ra để xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch, thông thoáng cho tất cả các ngành kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia các lĩnh vực tiềm năng nói chung và năng lượng nói riêng là điểm nổi bật của Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được trình bày tại Hội nghị trực tuyến Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam năm 2020.

Toàn cảnh Phiên toàn thể Diễn đàn. Ảnh:VGP
Toàn cảnh Phiên toàn thể Diễn đàn. Ảnh:VGP

Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 63 điểm cầu địa phương và 26 điểm cầu quốc tế. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì điểm cầu Đà Nẵng. Tham dự còn có Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Minh Trung.

Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam năm 2020 được tổ chức nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về "Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045". 

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, diễn đàn là sự kiện để triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị một cách đồng bộ, hiệu quả với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Sau hơn 30 năm đổi mới, trong thành tựu chung của đất nước, ngành Năng lượng đã có nhiều đóng góp quan trọng, làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém như mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn.

Cụ thể, nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch, chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường; cần nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch với nhiều hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh.

Ngoài ra, cần áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Đặc biệt, phải kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh thiếu bình đẳng.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nêu ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo điều hành đối với ngành Năng lượng Việt Nam.

Trước hết, Chính phủ tập trung chỉ đạo về hoàn thiện thể chế. Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành liên quan tập trung sửa đổi, bổ sung các Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; xây dựng mới Luật Năng lượng tái tạo.

Đồng thời, cần sớm nghiên cứu, xây dựng mới, bổ sung điều chỉnh đồng bộ các văn bản quy phạm phát luật dưới các luật này để hướng dẫn, triển khai hiệu quả các nội dung mới, khắc phục những tồn tại, bất cập, trong hoạt động của ngành Năng lượng hiện nay.

Các đơn vị tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành năng lượng và chiến lược phát triển các phân ngành Điện và than giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghiên cứu, xây dựng chiến lược nhập khẩu năng lượng dài hạn, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia. Riêng đối với chiến lược ngành dầu khí, chiến lược sẽ được xây dựng sau khi Ban Cán sự Đảng Chính phủ tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị tổng kết Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị.

KHÁNH HÒA

 

;
;
.
.
.
.
.