Thanh Khê

Nhiều giải pháp khôi phục kinh tế

.

Quận Thanh Khê đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút vốn đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án, tập trung phát triển thương mại, dịch vụ song song với hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhằm từng bước khôi phục nền kinh tế.

Tiểu thương chợ Quán Hộ bày bán các loại thực phẩm phục vụ khách hàng.										     Ảnh: XUÂN DŨNG
Tiểu thương chợ Quán Hộ bày bán các loại thực phẩm phục vụ khách hàng. Ảnh: XUÂN DŨNG

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020, tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quận chịu sự tác động lớn của Covid-19, thương mại, dịch vụ ít sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện 7.800 tỷ đồng, đạt 41,1% so với kế hoạch thành phố giao, giảm 9,4% so với cùng kỳ.

Thực hiện các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội nên các lĩnh vực ăn uống, nhà hàng, lưu trú, mua sắm có lượng khách giảm sâu. Các hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu và khám chữa bệnh có tăng nhẹ do nhu cầu và tâm lý tích trữ phòng dịch của người dân. Từ tháng 4 đến tháng 6, tổng mức hàng hóa bán lẻ tăng dần theo từng tháng, cụ thể tháng 4 (550 tỷ đồng), tháng 5 (900 tỷ đồng), tháng 6 (1.800 tỷ đồng) cho thấy dấu hiệu tăng tưởng kinh tế quận đang trên đà phục hồi.

Theo ghi nhận, vào những ngày giữa tháng 7-2020, tình hình kinh doanh trên địa bàn quận Thanh Khê đang từng bước hồi phục. Tại các chợ trên địa bàn như chợ Phú Lộc, chợ Quán Hộ, một số tiểu thương kinh doanh vải, giày dép, đồ gia dụng đã dần lấy lại được nguồn khách, tuy nhiên do lượng người mất việc nhiều, tình hình tài chính bất ổn nên sức mua của người dân giảm, bước đầu chỉ mới khôi phục khoảng 50% so với trước đây.

Tiểu thương kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm như: thịt, cá, rau củ... vẫn có lượng khách hàng ổn định do ít bị ảnh hưởng, đến nay có phần tăng nhiều hơn so với vài tháng trước. Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (tiểu thương kinh doanh mặt hàng ăn uống tại chợ Quán Hộ) cho biết: “Nhờ có lượng khách quen nên việc buôn bán trở lại có thuận lợi, tuy nhiên vẫn chưa thể khôi phục lại hoàn toàn như trước đây. Ngày 21-7, tôi nhận 1 triệu đồng hỗ trợ ảnh hưởng do Covid-19, tôi rất biết ơn Ban Quản lý chợ và quận đã tạo điều kiện hỗ trợ những tiểu thương như chúng tôi”.

Theo ông Hồ Kháng, Trưởng ban Quản lý chợ Quán Hộ, từ sau giãn cách xã hội, toàn bộ tiểu thương đã kinh doanh bình thường. Tháng 6 và tháng 7 ghi nhận nhiều người dân đến chợ mua sắm hơn, sức mua cũng dần ổn định lại. Thời gian đến, theo kế hoạch, UBND quận Thanh Khê sẽ xây dựng chợ Tam Thuận và chợ Quán Hộ thành chợ an toàn thực phẩm, đây là bước đẩy giúp tình hình kinh doanh, buôn bán tại chợ tăng lên.

Hiện nay, quận Thanh Khê đã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng, dự báo tình hình và có giải pháp phù hợp điều hành phát triển kinh tế - xã hội quận, nhất là trên các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ, triển khai có chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn quận để tạo đà phát triển kinh tế, đặc biệt là dự án tuyến cống thoát nước Khe Cạn...

Theo Phòng Kinh tế quận Thanh Khê, quận đã thông tin, phổ biến đến các doanh nghiệp về định hướng phát triển kinh tế của thành phố như: Chuyên đề công nghiệp công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tham gia hội chợ trao đổi, quảng bá sản phẩm; đồng thời, kiến nghị Ngân hàng Chính sách xã hội quận xem xét lại các khoản vay, giãn thời gian trả nợ vay, tăng cường các gói hỗ trợ tín dụng và tạo điều kiện tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Quận đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp quận tổng hợp khó khăn của hội viên, doanh nghiệp để kịp thời báo cáo cho các sở, ngành thành phố có hướng dẫn giúp đỡ, hạn chế tình trạng doanh nghiệp bị giải thể hoặc phá sản.

Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê Võ Kim Tú cho biết, để từng bước khôi phục kinh tế, quận triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tiếp tục xác định thương mại, dịch vụ là lĩnh vực mũi nhọn, chú trọng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất thương mại, dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại. Địa phương tập trung xây dựng 2 chợ an toàn thực phẩm và triển khai có hiệu quả phương án khai thác, quản lý các chợ nhằm sử dụng hết công năng và giảm gánh nặng về đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Ngoài ra, các phòng, ngành chức năng nâng cao môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư song song với hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và các hộ kinh doanh trên địa bàn.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.