Chủ động ứng phó với bão mạnh, lũ lớn

.

Theo nhận định của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, trong mùa mưa bão năm nay, có khả năng sẽ có từ 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới  và mưa, lũ lớn trên địa bàn thành phố. Do vậy, cần triển khai các giải pháp chủ động ứng phó.

Các đơn vị chức năng đang đề nghị triển khai thi công các công trình chống ngập úng trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong ảnh: Những năm qua, khu vực nút giao thông đường Nguyễn Văn Linh - Hoàng Hoa Thám hay bị ngập nước vào mùa mưa vì chậm thi công trạm bơm cuối đường Ông Ích Khiêm. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các đơn vị chức năng đang đề nghị triển khai thi công các công trình chống ngập úng trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong ảnh: Những năm qua, khu vực nút giao thông đường Nguyễn Văn Linh - Hoàng Hoa Thám hay bị ngập nước vào mùa mưa vì chậm thi công trạm bơm cuối đường Ông Ích Khiêm. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) thành phố, trong mùa mưa bão năm nay, các đơn vị, địa phương và người dân cần đề phòng những cơn bão mạnh và có hướng di chuyển phức tạp. Khi bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng cần thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến và vùng nguy hiểm của bão, áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; kêu gọi tàu thuyền vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn. Đối với khu vực trên đất liền, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố yêu cầu các ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh, cập nhật bổ sung phương án phòng chống, khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai và chủ động thực hiện ứng phó. Ông Lê Văn Tuyến, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố đề nghị các địa phương cần chủ động ứng phó bão mạnh tại các khu vực dân cư có nhiều nhà ở không bảo đảm an toàn khi xảy ra bão mạnh, nhất là các khu nhà trọ cho công nhân, sinh viên.

Còn ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố cho rằng, theo quy luật, trong khoảng 15-20 năm qua, cứ sau mấy năm hạn hán nặng thì sau đó đều xuất hiện lũ lớn trên diện rộng nên có cơ sở để nhận định về tính phức tạp theo hướng lũ lớn trên các hệ thống sông trong mùa lũ năm nay. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố đã yêu cầu các đơn vị, địa phương chú ý xây dựng phương án ứng phó với mưa, lũ lớn; phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố công trình phòng chống thiên tai, đê kè, thủy lợi; rà soát, xây dựng kế hoạch di dời dân vùng có nguy cơ cao rủi ro thiên tai. Cạnh đó, xây dựng phương án vận hành và theo dõi việc điều tiết nước các hồ chứa hợp lý để bảo đảm an toàn công trình, hạ du trong mùa lũ...

Nhằm chống ngập úng trong đô thị, trong 2 năm qua, các đơn vị chức năng đã hoàn thành thi công và xử lý được 19 điểm ngập úng. Hiện nay, các đơn vị chức năng đang tiếp tục triển khai thi công các công trình thoát nước để xử lý 6 điểm ngập úng, gồm: khu vực cổng Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), khu vực Trung Nghĩa và hạ lưu mương Khe Cạn (quận Thanh Khê), tổ 13 và 14, phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà); tổ 61, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), khu vực thượng lưu mương Khe Cạn (quận Cẩm Lệ) và khu vực nút giao đường ĐT.602 và đường tránh nam hầm Hải Vân (huyện Hòa Vang). Hiện những công trình trên đang tạm dừng thi công để bảo đảm công tác phòng, chống Covid-19.

Ngoài ra, còn một số công trình chống ngập úng ở khu vực trung tâm thành phố chưa triển khai thi công hoặc đang tạm dừng để phòng, chống Covid-19 như: cải tạo hệ thống thoát nước các tuyến đường Lê Lợi, Phan Châu Trinh, Hoàng Diệu, Hùng Vương, Lý Thái Tổ; trạm bơm cuối đường Ông Ích Khiêm (nằm trên phần đất thuộc Khu đô thị quốc tế Đa Phước) chống ngập úng ở khu vực đường Lê Duẩn, Hùng Vương, Hoàng Hoa Thám... Trước tình hình đó, một số đơn vị chức năng đang đề nghị Sở Xây dựng đề xuất UBND thành phố cho phép triển khai thi công một số công trình mang tính cấp bách trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm phòng, chống lụt bão, nhất là các công trình chống ngập úng.

Ông Huỳnh Anh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng cho hay: “Chúng tôi đang đề nghị thành phố cho phép thi công trở lại một số công trình thoát nước mưa, chống ngập úng thuộc dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng, vừa bảo đảm giãn cách và các điều kiện chống dịch, góp phần chống ngập úng đô thị trong mùa mưa bão năm nay”.

Để chủ động ứng phó với bão mạnh và lũ lớn xảy ra trên địa bàn, huyện Hòa Vang đã rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt là nhân dân sống tại ven sông Túy Loan và Cu Đê; đồng thời, có phương án ứng phó, nhất là phương án di dời dân, bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân khi xảy ra mưa, lũ lớn.

Ông Nguyễn Văn Lý, Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Hòa Vang cho hay, huyện đã đề nghị thành phố quan tâm xử lý tình trạng các tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Vành đai phía nam, đường ADB 5 cắt ngang địa hình và các hướng thoát lũ, đặc biệt là bổ sung các cầu, cống để bảo đảm thoát lũ. Cạnh đó, đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng quan tâm công tác an toàn các hồ chứa nước, nhất là hồ Hòa Trung và hồ Đồng Nghệ, tránh ảnh hưởng đến nhân dân ở hạ lưu...

 HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.