Kinh tế

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG LẦN THỨ V, GIAI ĐOẠN 2020-2025

Người kỹ sư và dấu ấn với những công trình

08:55, 28/09/2020 (GMT+7)

Năm nay 83 tuổi, Phó Chủ tịch Hội Khoa học - Kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng Trần Dân đã có mấy chục năm cống hiến cho ngành cầu đường, tham gia góp sức vào nhiều công trình tiêu biểu của Đà Nẵng. Ở cái tuổi mà nhiều người đã an hưởng tuổi già, ông vẫn miệt mài cống hiến tâm huyết, trí tuệ cho sự phát triển của Đà Nẵng.

Ở tuổi 83, ông Trần Dân vẫn miệt mài làm việc, góp sức phát triển thành phố.   Ảnh: XUÂN SƠN
Ở tuổi 83, ông Trần Dân vẫn miệt mài làm việc, góp sức phát triển thành phố. Ảnh: XUÂN SƠN

Ông Trần Dân (SN 1937), quê ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Sau ngày đất nước giải phóng, năm 1978, ông được Bộ Giao thông vận tải phân công vào Đà Nẵng làm nhiệm vụ khảo sát thiết kế cầu đường trên toàn tuyến Khu 5. Ở Đà Nẵng, ông tham gia công việc tại Khu Quản lý đường bộ 5 (1980) rồi Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CIENCO 5 (1992) cho tới khi về hưu trước tuổi vào năm 1996.

Sau khi về hưu, ông Dân với vai trò Phó Chủ tịch Hội Khoa học - Kỹ thuật (KH-KT) cầu đường (do ông tham gia thành lập năm 1998) và Giám đốc Trung tâm Cầu đường Đà Nẵng, đã cùng các đồng nghiệp ở đơn vị tham gia cố vấn, phản biện và giám sát hầu khắp các công trình giao thông công chính tại Đà Nẵng.

Trong đó không thể không kể đến dấu ấn ở những cây cầu bắc qua sông Hàn, nay đã trở thành những biểu tượng của thành phố như cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý… Những ý kiến đóng góp của ông Dân và Hội KH-KT cầu đường nói chung đã giúp Đà Nẵng tiết kiệm chi phí hàng tỷ đồng trong việc đầu tư xây dựng các công trình cũng như nâng cao giá trị của công trình, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đợt bão số 5 vừa qua, nhiều người dân Đà Nẵng bất ngờ và thích thú trước hình ảnh chiếc cầu Nguyễn Văn Trỗi - vốn gắn liền với lịch sử thành phố được nâng trục để tàu thuyền qua lại tránh bão trên sông Hàn.

Chiếc cầu tồn tại qua năm tháng, được cải tạo để trở nên kiên cố, trở thành nơi thư giãn của người dân và du khách. Suốt mấy năm qua, người Đà Nẵng và du khách gần xa  luôn tự hào về hình ảnh cầu Trần Thị Lý mới mẻ (được khánh thành vào năm 2013) với dáng hình “nhìn dọc như cánh chim sải rộng, nhìn ngang như cánh buồm”.

Chia sẻ về 2 chiếc cầu này, ông Dân cho biết: “Tôi tham gia tư vấn, giám sát việc cải tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi, trong đó có việc thay mặt cầu từ gỗ sang bê-tông, từ bê-tông sang thép… theo hướng sử dụng các vật liệu tối ưu hơn; tham gia chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế, gia cố mố tây Nguyễn Văn Trỗi để chống sụt lở. Và điều quan trọng nhất chính là tham mưu thành phố giữ lại được cây cầu có giá trị lịch sử này”.

Ông Dân kể, trước khi cầu Trần Thị Lý và cầu Nguyễn Văn Trỗi có diện mạo mới như hiện nay, đã có thời điểm có ý kiến đề nghị tháo dỡ cả 2 cây cầu này để xây nên 2 cầu mới bắc qua sông Hàn. Trên cơ sở chuyên môn, quan điểm của tôi và mọi người ở Hội KHKT cầu đường là phải giữ nguyên cầu Nguyễn Văn Trỗi và xây dựng cầu Trần Thị Lý mới ở vị trí phù hợp. “Sau thời gian tiếp nhận, lắng nghe ý kiến tham gia của các ban, ngành và chuyên gia, lãnh đạo thành phố đã quyết định giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi để làm cầu đi bộ phục vụ du lịch và lưu niệm, cũng như xây mới cầu Trần Thị Lý đẹp đẽ như ngày hôm nay”, ông Dân nhớ lại.

Những năm qua, các chi hội thành viên của Hội KHKT cầu đường do ông Dân làm Phó Chủ tịch đã có những đóng góp quan trọng vào những công trình tiêu biểu của thành phố... Những chuyện ông kể, với ông luôn là hồi ức đẹp và tự hào. Hôm nay, ở tuổi ngoài bát tuần, người kỹ sư Trần Dân vẫn miệt mài đi về với công việc.

Trong căn phòng làm việc ở số 10B Nguyễn Chí Thanh, ông và các đồng nghiệp vẫn theo dõi sự phát triển của thành phố qua những công trình và sẵn sàng góp ý xây dựng thành phố khi cần. “Đà Nẵng đã có sự phát triển trong nhiều năm qua về hạ tầng, đường sá, tuy nhiên, vẫn còn đó những hạn chế cần phải khắc phục. Với tôi, việc có mặt ở đây và cống hiến khả năng cho thành phố suốt mấy chục năm qua là một “cái duyên” rất lớn”, ông nói.

Với những đóng góp trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, ông Trần Dân đã được UBND thành phố tặng bằng khen vì sự đóng góp cho thành phố trong 20 năm (1997-2017) và tặng cúp “Nhà hoạt động Khoa học công nghệ tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng”; được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có nhiều sáng kiến trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật cầu đường được ứng dụng mang lại hiệu quả cao tại thành phố Đà Nẵng năm 2019. Ông Trần Dân cũng là một trong những tấm gương cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu giai đoạn 2015-2020 được thành phố tuyên dương tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V tổ chức vào ngày 28-9-2020.

XUÂN SƠN

 

.