Hiệu quả từ mô hình nuôi chim cút ở Hòa Phước

.

Với ưu điểm ít dịch bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc, diện tích chăn nuôi, mô hình nuôi chim cút đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ gia đình chị Lê Thị Yến (SN 1983, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang).

Trang trại nuôi chim cút của chị Lê Thị Yến có khoảng 10.000 con giống, mang lại thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng. Ảnh: X.Đ
Trang trại nuôi chim cút của chị Lê Thị Yến có khoảng 10.000 con giống, mang lại thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng. Ảnh: X.Đ

Giữa tháng 6-2018, sau khi tham gia buổi tập huấn các ý tưởng khởi nghiệp theo Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 938) của Chính phủ, chị Lê Thị Yến mạnh dạn đầu tư một diện tích rộng 150m2, nuôi khoảng 10 giống chim cút.

Những ngày đầu tập tành chăn nuôi, chị Yến tham khảo kinh nghiệm từ các hộ gia đình nuôi chim cút trong vùng, dự toán kinh phí, lên kế hoạch xây dựng chuồng trại. Theo chị Yến, chim cút là loài vật dễ nuôi, có sức đề kháng tốt, vốn đầu tư không cao, lại thu hồi nhanh nên mang lại hiệu quả khá cao. Khi nuôi chim cút, đòi hỏi người nuôi phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Nhiệt độ thích hợp để chim cút phát triển tốt nằm trong khoảng 20-30°C. Chị Yến chia sẻ: “Khi mua chim cút giống về, tôi chăm sóc khoảng 45 ngày chim có thể đẻ trứng.

Nếu đạt năng suất cao, mỗi ngày 10.000 chim cút có thể cho khoảng 7.500 trứng, thu nhập tầm 7 triệu đồng/tháng. Sau 9 tháng, việc sinh sản của chim cút kém hiệu quả, tôi sẽ bán hết số chim này ra thị trường và dùng số tiền bán chim đầu tư nguồn giống mới”.

Là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Phước, chị Lê Thị Yến thành lập mô hình Tổ nuôi chim cút với sự tham gia của các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Với kinh nghiệm chăn nuôi có sẵn nên khi thành lập tổ, chị Yến đã chủ động định hướng, căn cứ vào nguồn lực các tổ viên để triển khai quy mô chăn nuôi phù hợp.

Ngoài ra, để khuyến khích người dân, chị Yến nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ hội viên khó khăn tiếp cận các gói vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững. Việc tham gia mô hình chăn nuôi tập thể cũng giúp hộ chăn nuôi tiếp cận nguồn thức ăn giá rẻ, quá trình chăn nuôi từ đầu vào đến đầu ra được bảo đảm.

Chị Yến cho biết, từ khi thành lập Tổ nuôi chim cút, chị chủ động liên hệ với các tiểu thương tìm kiếm đầu ra, cung cấp nguồn thức ăn chất lượng, giá thành rẻ, đồng thời kết nối với cán bộ thú y xã thường xuyên đến từng hộ chăn nuôi để kiểm tra chuồng trại, tiêm thuốc tăng sức đề kháng cho chim. Đặc biệt, chị đã tổ chức những buổi chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho tổ viên, giúp hộ dân có thêm kiến thức chăm sóc chim sinh trưởng và phát triển tốt.

Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, mô hình Tổ nuôi chim cút tại xã Hòa Phước đã có 17 thành viên, với mức thu nhập mỗi gia đình trung bình từ 50-70 triệu đồng/năm. Với chị Lê Thị Yến, ngoài tư duy nhạy bén, vươn lên làm giàu, chị đã nỗ lực giúp người nông dân thoát nghèo, tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương.

Chị cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục hướng dẫn hội viên trẻ tham gia mô hình nuôi chim cút thương phẩm, vừa bán trứng, vừa bán chim thịt cho nhà hàng, quán ăn tại địa phương. Chị Lê Thị Yến đánh giá, nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, đây hứa hẹn sẽ là ngành nghề mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

XUÂN ĐÔNG

;
;
.
.
.
.
.