KỶ NIỆM 75 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2-9 (1945-2020)

Tìm hướng đi cho khởi nghiệp Đà Nẵng

.

Những năm gần đây, Đà Nẵng đã bắt đầu có tên trên “bản đồ” khởi nghiệp trong nước và khu vực nhờ các sự kiện khởi nghiệp có quy mô quốc tế, các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, các câu chuyện startup gọi vốn thành công… Song, để trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước và Đông Nam Á vào năm 2030 như định hướng mà Nghị quyết số 43/NQ-CT ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị đề ra, Đà Nẵng vẫn còn một chặng đường dài với nhiều thử thách.

Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ, từ năm 2017 đến nay, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố (Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng, Trung tâm Ươm tạo Khởi nghiệp Sông Hàn...) đã ươm tạo hơn 60 dự án khởi nghiệp, tập trung ở các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, thực phẩm, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, môi trường...

Một số dự án khởi nghiệp đã được nhà đầu tư quan tâm, kêu gọi được vốn đầu tư từ các quỹ trong và ngoài nước. Thành phố hiện có 6 vườn ươm khởi nghiệp, hơn 10 không gian làm việc chung và 2 không gian sáng chế. Thành phố cũng đã kết nối với hơn 1.000 lượt nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Singapore… đến tìm hiểu, khảo sát môi trường đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng.

Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp thành phố Phạm Đức Nam Trung cho rằng, thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp Đà Nẵng đã làm được 3 điều quan trọng. Thứ nhất, thông qua nhiều hoạt động truyền thông đa dạng, góc nhìn và hiểu biết của công chúng về khởi nghiệp đã cải thiện đáng kể. Sự ủng hộ của công chúng rất cần thiết để tăng số lượng nhà sáng lập (founder) mới mỗi năm, đồng thời “dọn đường” cho những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, những kết nối giữa các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp đã có chuyển biến tích cực, đặc biệt là giữa chính quyền, các trường đại học và các tổ chức hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp. Đối với hai thành tố quan trọng khác của hệ sinh thái là nhà đầu tư và cố vấn (đa số ở ngoài Đà Nẵng), Vườn ươm Doanh nghiệp thành phố và Trung tâm Ươm tạo Khởi nghiệp Sông Hàn cũng tạo được nhiều kênh để kết nối họ với cộng đồng khởi nghiệp địa phương. Nhờ vậy, một số startup “made in Đà Nẵng” đã tạo được những câu chuyện thành công khi gọi được vốn, mở rộng thị trường quốc tế.

Ông Phạm Đức Nam Trung cũng nhận định, những năm qua, khởi nghiệp Đà Nẵng đã tích cực phát triển theo bề rộng, song để đi đường dài, cần tập trung phát triển theo chiều sâu bằng cách chọn 1-2 lĩnh vực thế mạnh để tập trung thúc đẩy khởi nghiệp. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên có khả năng phát triển du lịch, nông-lâm-ngư nghiệp, công nghiệp và logistics.

Xung quanh Đà Nẵng có những trung tâm công nghiệp (Chu Lai, Dung Quất), du lịch (Huế, Quảng Nam), nông nghiệp…, đồng nghĩa với việc có một thị trường rất lớn cần nguồn cung công nghệ, con người và nguồn vốn. Đây là những bài toán mà Đà Nẵng có thể giải quyết. Theo đó, khởi nghiệp Đà Nẵng cần tập trung phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là cung cấp giải pháp công nghệ liên quan đến quản trị, bán hàng, marketing... cho doanh nghiệp. Để làm được như vậy, thành phố phải tăng cường tính đổi mới sáng tạo, tập trung đào tạo hoặc thu hút nhân sự giỏi, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.

Anh Bùi Ngọc Vinh, Giám đốc Công ty TNHH ST United (quận Ngũ Hành Sơn), người sáng lập không gian làm việc chung IoT Space (quận Hải Châu) và Nomad Space (quận Ngũ Hành Sơn) nhìn nhận, thời gian qua, Đà Nẵng đã làm rất tốt công tác hỗ trợ cho startup thông qua các chính sách ươm tạo và hoạt động hỗ trợ. Startup Đà Nẵng không thiếu những ý tưởng, sản phẩm tốt và sáng tạo nhưng hoạt động của các startup vẫn có phần rời rạc, chưa có sự liên kết và phối hợp giữa các sản phẩm với nhau để tạo ra một hệ sinh thái đủ mạnh, có thể tận dụng những thế mạnh của nhau và tạo ra các giá trị bền vững.

Theo anh Vinh, Đà Nẵng nên có thêm những chính sách hỗ trợ về không gian khởi nghiệp, tạo điều kiện cho các mô hình không gian làm việc chung hoạt động hiệu quả, nhân rộng mô hình ươm tạo và tận dụng chính nguồn lực từ các không gian này để tạo ra văn hóa làm việc, khởi nghiệp sáng tạo ở cộng đồng tri thức trẻ. “Chúng ta có thể học hỏi mô hình của Manila (Philippines), Jakarta (Indonesia) là những thị trường thu hút các startup trên thế giới. Họ có chi phí đời sống thấp, có nhiều bài toán cần giải quyết bằng những ý tưởng đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, họ có nguồn nhân sự công nghệ thông tin dồi dào và chất lượng, giao tiếp tốt bằng tiếng Anh… Đây cũng là một lợi thế lớn", anh Vinh đề xuất.

Đầu năm 2020 đến nay, cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng liên tục gặp các thử thách do Covid-19. Tuy nhiên, nhiều startup đã biến “nguy” thành “cơ” bằng cách đưa ra các giải pháp số hỗ trợ doanh nghiệp, trường học... làm việc từ xa; giảm giá sản phẩm để kích cầu; tạo ra các dịch vụ mới như du lịch bằng công nghệ thực tế ảo… Ông Lý Đình Quân, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Khởi nghiệp Sông Hàn nhìn nhận: “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là nhằm giải quyết một bài toán nào đó của cuộc sống, của thị trường. Covid-19 cũng là một bài toán, suy cho cùng, cũng là một cơ hội để startup phát triển”.

Nghị quyết số 43/NQ-CT ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của cả nước và Đông Nam Á. Đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.

Để hoàn thành mục tiêu này, thành phố đã đặt ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung công tác truyền thông; đào tạo, nâng cao năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức các sự kiện khởi nghiệp; xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp; kết nối các mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm của thành phố với mạng lưới trong nước và quốc tế; hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp khởi nghiệp...

PHONG LAN

 

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích