Đà Nẵng xây dựng hình mẫu thành phố môi trường

.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường” bởi Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng một hình mẫu về thành phố môi trường. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh như vậy tại hội thảo khoa học “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường” giai đoạn 2021-2030 do UBND thành phố tổ chức ngày 17-10.

Nhiều năm qua, thành phố Đà Nẵng đầu tư các nguồn lực để xây dựng Thành phố môi trường.  Trong ảnh: Hệ thống cây xanh trên tuyến đường Bạch Đằng tạo sự hài hòa để hướng tới đô thị xanh. Ảnh: XUÂN SƠN
Nhiều năm qua, thành phố Đà Nẵng đầu tư các nguồn lực để xây dựng Thành phố môi trường. Trong ảnh: Hệ thống cây xanh trên tuyến đường Bạch Đằng tạo sự hài hòa để hướng tới đô thị xanh. Ảnh: XUÂN SƠN

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên khẳng định, trong hơn 10 năm thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường” với sự nỗ lực của các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp, sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp, sự tích cực của người dân, thành phố đã đạt được những kết quả được Trung ương, các tổ chức quốc tế và cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao.

Song, thành phố cũng nhìn nhận, kết quả này chưa đạt được mục tiêu mà thành phố và nhân dân mong đợi, kỳ vọng. Hơn nữa, vào ngày 24-1-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, hiện đại, thông mình, thành phố đáng sống... và tầm nhìn đến năm 2045 là thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh.

Để xây dựng Đà Nẵng đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, UBND thành phố triển khai xây dựng đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường” giai đoạn 2021-2030 phù hợp với mục tiêu phát triển thành phố theo hướng đô thị sinh thái, trong đó, đề ra lộ trình, quan điểm, mục tiêu, chính sách và các dự án, nhiệm vụ ưu tiên xây dựng thành phố trong giai đoạn đến.

Lợi thế cạnh tranh nổi bật của Đà Nẵng trong tương lai

Các chuyên gia của Viện Chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES), các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý về môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh tham gia hội thảo đã góp ý, điều chỉnh, bổ sung đối với các nhóm tiêu chí, các định hướng, giải pháp về xây dựng thành phố môi trường trong giai đoạn mới.

Thanh niên Đà Nẵng ra quân dọn vệ sinh môi trường các bãi biển du lịch. Ảnh: PV
Thanh niên Đà Nẵng ra quân dọn vệ sinh môi trường các bãi biển du lịch. Ảnh: PV

Theo PGS.TS.KTS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, nhiều quốc gia trên thế giới đã xúc tiến việc xây dựng thành phố môi trường như: Nga, Singapore, Trung Quốc... Tuy nhiên, trên phương diện truyền thông và văn bản cũng như nền tảng tìm kiếm của Google, đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường” là một điểm nổi bật, đặc sắc và riêng của Đà Nẵng mà trên thế giới, chưa có một thành phố nào có được. Xây dựng thành phố môi trường là một hướng đi đặc trưng, riêng biệt của thành phố Đà Nẵng và là một lợi thế cạnh tranh nổi bật, tiên phong của Đà Nẵng trong tương lai.

Đó là nhờ những thành công đã thực hiện trong giai đoạn 2008-2020 và cần được phát huy trong thời gian đến. Tuy nhiên, để mô hình xây dựng thành phố môi trường thành công, lan tỏa và được thừa nhận rộng rãi, cần xây dựng mô hình bám sát các mô hình định hướng của quốc gia và quốc tế. Cạnh đó, cần đối sánh bộ tiêu chí của đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố Môi trường” với bộ công cụ đánh giá về môi trường của quốc tế.

Đồng thời cần bổ sung các giải pháp về đô thị hóa bền vững vào trong đề án, như: giải pháp đô thị hóa xanh, giải pháp nhà ở hiện đại có hiệu quả sử dụng đất cao, bổ sung các tiêu chí liên quan đến giao thông đô thị như: tỷ lệ sử dụng xe đạp, tỷ lệ phương tiện giao thông công cộng xanh... và bổ sung các tiêu chí về tiếp cận không gian công cộng xanh, đặc biệt là nhấn mạnh đến bán kính phục vụ cho các đối tượng.

Ông Nguyễn Xuân Minh, Thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, đề xuất hợp tác với thành phố Đà Nẵng nghiên cứu thí điểm các hoạt động kiểm soát khí thải, trong đó có hoạt động bảo dưỡng các loại phương tiện cá nhân để giảm phát thải khí độc hại và khí nhà kính. Đối với đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường”, ông Nguyễn Xuân Minh đề nghị cần quan tâm đến các chỉ tiêu kiểm soát về chất lượng môi trường không khí, trong đó có chỉ tiêu chất lượng môi trường không khí do ảnh hưởng của các phương tiện giao thông như: xe tải, xe ô-tô con, xe máy...

Ông Naoki Mori, Giám đốc Kỹ thuật và Truyền thông của Viện Chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES), đề xuất các giải pháp cho đề án như: xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, sản xuất có carbon thấp; sử dụng công nghệ 4.0 và công khai số liệu quan trắc, chủ động kiểm soát môi trường thường xuyên... Đặc biệt, cần có cơ chế huy động sự tham gia của cộng đồng, người dân để xây dựng thành phố môi trường, hướng đến đô thị sinh thái, bởi người dân là người tạo dựng, kiểm soát và thực thi bảo vệ môi trường và mới thành công, bền vững.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân hoan nghênh Đà Nẵng đã chủ động xây dựng đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường” giai đoạn 2021-2030 hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đáp ứng các tiêu chí đặt ra về thành phố môi trường, tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, du khách trong và ngoài nước.

Đề án là chính sách đột phá trong xây dựng và phát triển đô thị giai đoạn mới. “Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao đề án này. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng một hình mẫu về thành phố môi trường. Việc xây dựng và thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường” giai đoạn 2021-2030 rất có ý nghĩa và cần thiết trong giai đoạn phát triển 10 năm đến”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích